Tại các bãi đất trống cạnh đường ở thị trấn Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh, xã Phúc Đồng (Hương Khê); Thạch Hạ, Thạch Trung (TP Hà Tĩnh), hàng hóa được treo trên giá, hoặc trải bạt, ni-lông bày bán trên nền đất. Mỗi điểm có hàng trăm sản phẩm. Thậm chí, có điểm ở khu vực cầu Cày, người bán hàng còn chở nguyên một xe tải sản phẩm.
Nhiều sản phẩm không hề có địa chỉ nhà sản xuất cũng như các thông tin theo quy định.
Đa phần hàng hóa là áo ấm, quần thể thao, đồ ngủ các loại; một số điểm còn bán cả giày dép. Nhiều sản phẩm được gắn “nhãn” bằng bìa các-tông với dòng chữ “Made in Viet Nam”, hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” nhưng không hề có địa chỉ nhà sản xuất cũng như các thông tin theo quy định. Rất nhiều sản phẩm không được niêm yết giá.
Vì nhãn mác không đúng quy định, nơi xuất xứ mù mờ… nên các mặt hàng này cũng được bán với giá cực rẻ. Quần đùi nam, mỗi chiếc 12.000-15.000 đồng; quần thun 40.000 đồng; quần thể thao nam từ 40.000-50.000 đồng; áo thể thao nữ, áo khoác thường 80.000 đồng; áo khoác trung bình 150.000 đồng. Hiếm hoi lắm mới tìm được chiếc áo khoác giá trên 200.000 đồng. Khách mua hàng lại khá đông, nhất là người lao động. Chị Hoa, một nông dân ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh), sau khi chọn được chiếc áo khoác giá 80.000 đồng và chiếc quần thể thao giá 40.000 đồng, cười tươi: “Đồ đẹp mà rẻ thật! Giá này, chưa bằng tiền công may ở ta”.
Khi được hỏi, hàng ở đâu sản xuất, thì hầu hết các chủ hàng đều trả lời là hàng Việt Nam, được sản xuất ở Hà Nội, Bắc Ninh… Và vì sao một số quần áo gắn mác chữ Trung Quốc lại nói sản xuất tại Việt Nam, có chủ hàng tránh trả lời, người thì nói “không biết”, cũng có chủ hàng khẳng định “hàng liên doanh”.
Kiểu bán hàng tự do, không đảm bảo các quy định về chất lượng, nhãn mác sản phẩm như thế này đã tồn tại khá lâu nhưng chưa thấy các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Thiết nghĩ, đây là việc cần làm ngay để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn