Thủy lợi kết hợp thủy điện Kẻ Gỗ mang lại nhiều lợi ích

Thứ tư - 07/06/2017 17:09
Kết hợp tưới tiêu thủy lợi với thủy điện Kẻ Gỗ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước tiên là tiết kiệm cho ngân sách 2 tỷ đồng/năm nhờ sử dụng lại cống lấy nước cũ để tưới và kết hợp phát điện.

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ được xây dựng theo quyết định số 318/TTg ngày 23 tháng 12 năm 1974 của Thủ tướng Chính Phủ với nhiệm vụ tưới cho 21.136 ha, cung cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng 1,6 m3/s và phát điện 2300kw nhưng sau đó dừng phát điện vì hiệu quả thấp do thiết bị thời bấy giờ còn lạc hậu.

Việc dừng phát điện trong thời gian dài và lấy nước tưới theo chế độ chảy tự do, đã gây ra hỏng đáy cống lấy nước và đã có chủ trương bỏ cống cũ làm cống mới ở bờ phải, cuối đập với vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trước tình hình đó Công ty TNHH Hồng Lâm, sau này là Công ty cổ phần thủy điện Kẻ gỗ đã đề nghị với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh cho sửa chữa, sử dụng cống cũ để tướí kết hợp phát điện. Sau nhiều cuộc họp ở Bộ, Công ty cổ phần thủy điện Kẻ Gỗ đã được Bộ và tỉnh Hà Tĩnh giao cho khôi phục thủy điện Kẻ Gỗ và có kết quả như hiện nay.


Thủy lợi kết hợp thủy điện Kẻ Gỗ mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư và nhà nước

Việc vận hành thủy điện làm cho trong đường ống luôn chảy có áp, lưu tốc nhỏ nên không gây xói mòn đáy cống nghiêm trọng như đã xảy ra trong cống những năm trước đây khi không kết hợp tưới với phát điện. Đặc biệt hiện nay trong suốt đường ống lấy nước đã được bọc thép dày 10mm, nên phần cống lấy nước của hồ Kẻ Gỗ được đảm bảo an toàn rất cao.

Lợi ích thứ nhất là góp phần điều tiết hồ để chống ngập úng hạ du. Trong thiết kế hồ Kẻ Gỗ, lưu lượng xả lũ có thể cho phép tới 1000m3/s, thực tế đã có lần xả hơn 630 m3/s, nhưng hiện nay xả 200 m3/s đã gây ngập lụt hạ du nghiêm trọng, nguyên nhân là do lòng dẫn của sông hiện nay đã bị thu hẹp quá nhiều, bởi nhà cửa, đường sá luôn phát triển.

“Trong tình hình này, chúng ta nên hạn chế xả tập trung, tranh thủ xả lũ nhỏ 18m3/s qua nhà máy thủy điện, để giảm được mực nước trên hồ mà không gây ngập lụt ở hạ lưu. Từ xả lũ tập trung hàng trăm m3/s, sang xả lũ phân tán qua thủy điện, là biện pháp không những phải đảm bảo không gây ngập úng hạ du mà phải hạ được mực nước hồ để đón lũ theo yêu cầu, nhằm bảo vệ an toàn công trình đầu mối”, đại diện Công ty thủy điện Kẻ Gỗ cho hay.

Lợi ích thứ hai là tạo dung tích phòng lũ và xả môi trường. Trong những năm nhiều nước, mực nước hồ ở mức 30m trở lên, nếu trong vụ đông xuân ít tưới thì nên sử dụng xả nước qua thủy điện 13m3/s, để đưa mực nước hồ xuống cao trình +27m. Ở mức nước này vừa đủ nước để phục vụ tưới hè thu, vừa tạo được dung tích phòng lũ. Mặt khác việc xả qua thủy điện cũng là lưu lượng xả môi trường mà hạ du đang yêu cầu để chống cạn kiệt khi chặn dòng chính.

Lợi ích thứ ba là việc khôi phục nhà máy thủy điện Kẻ Gỗ góp phần làm cho cảnh quan môi trường khu vực đầu mối công trình trở nên khang trang đẹp đẽ.

Lợi ích thứ tư, khi sử dụng nguồn nước tưới để phát điện, hàng năm tăng thêm năng lượng cho Quốc gia khoảng 10 triệu kw/ giờ, nhờ vậy tiết kiệm được khoảng 20 triệu tấn than và góp phần làm sạch môi trường hàng năm. Ngoài ra nếu vận hành bình thường thì hàng năm còn đóng góp cho ngân sách gần 2 tỷ đồng. Đặc biệt khi thủy điện Kẻ Gỗ phát điện thì điện áp của vùng Cẩm Xuyên và phụ cận dễ được ổn định, chất lượng mạng điện tốt hơn. Đó là những lợi ích dễ nhận thấy của thủy điện Kẻ Gỗ kết hợp với tưới.

Với những lợi ích trên cho thấy chủ trương khôi phục nhà máy thủy điện Kẻ Gỗ của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đem lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật đáng kể và việc vận hành tưới kết hợp phát điện ở hồ Kẻ Gỗ đã mang lại những lợi ích thiết thực trong vận hành của công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.

Trí Thức - Diễm Phước

Theo Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây