Cụ Hà Thị Tài chỉ cho PV khu đồi góa phụ
Chỉ đàn bà mới được ở
Khu đồi này trải dài, uốn lượn, những ngôi nhà lọt thỏm dưới tán cây rậm rạp. Những ngôi nhà thưa thớt, nằm chênh vênh ngang sườn đồi, cách xa nhau. Vừa chỉ tay về phía ngôi nhà của người con gái, cụ Hà Thị Tài (83 tuổi, xóm Đanh) chậm rãi kể: "Chồng nó mất cách đây hai năm, khi mới ngoài 40 tuổi, thằng con trai thì đi làm xa biền biệt, nhà chỉ còn một mẹ góa, một con dâu nên nghĩ cũng tội. Trước kia, cả khu đồi này được người Tàu dùng làm thành đồn, xây kiên cố, có cả điếm dành riêng cho các cô con gái, có sân thể thao phục vụ tướng lĩnh. Ngày đó, đồi không có nhiều cây tạp nham như bây giờ mà chỉ có ba cây đa cổ thụ, một cái cổng thành xây theo kiến trúc Tàu, đồn có tường bao quanh với quân lính canh gác nghiêm ngặt".
Cụ Tài kể cho PV Người đưa tin câu chuyện nghe từ người cha: "Cụ thân sinh ra tôi có nói rằng người Tàu tuyển chọn, bắt những người con gái đẹp khắp nơi về lập thành một trại gái, một lầu xanh để ăn chơi, hoan lạc tối ngày. Hễ cô gái nào không nghe lời hoặc phục vụ không chu đáo là chúng giết thẳng tay. Cũng ở khu vực này, những tướng lĩnh của thành đồn chôn cất vô số vàng bạc, châu báu chiếm giữ được. Sau đó, chúng đã chôn sống hàng trăm cô gái đẹp để làm thần giữ của, đồng thời, chúng tiếp tục đi bắt những thiếu nữ trẻ đẹp khác về phục vụ". Người dân nơi đây vẫn kháo nhau vì có quá nhiều cô gái chết trẻ nên bây giờ đàn ông phải đền mạng, những ma nữ khi còn sống bị đày đọa trong thú vui xác thịt nên chỉ cần đàn ông. Cả khu này, đàn ông chết sớm hết cả, mà nào có phải là người đàn ông bê tha, nghiện ngập gì cho cam, người nào cũng trẻ, đẹp, hiền lành, thật thà, khỏe mạnh .
Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Tạ Thị Vy (55 tuổi), một trong số những góa phụ sống tại khu đồi này cho biết: "Không hiểu nguyên cớ gì mà hễ con cháu từ làng khác đến chơi, ngủ lại nhà tôi đều mơ thấy những người con gái đẹp như tiên, rồi thấy vàng. Có lần, thằng cháu tên Khuyên nằm mơ cứ thò tay xuống đất thì bị thụt xuống trong cơ man vàng, cả tháng liền, giấc mơ cứ lặp lại. Ngay cả đứa con dâu của tôi mới về nhà được có hai ngày cũng mơ thấy những chum vàng được chôn phía sau cổng"…
Chính vì những câu chuyện mang màu sắc liêu trai như thế nên không một ai dám đến khu đồi này sinh sống, các gia đình còn lại thì đều muốn chuyển đi càng nhanh càng tốt, ngặt nỗi không bán được đất. Một số gia đình có điều kiện hơn như gia đình ông bà Khuyến Chỉ, ông Vững thì đã chuyển đi ngay khi ba người đàn ông liên tiếp chết trẻ. Có gia đình thì đi ở nhờ nhà họ hàng, thi thoảng mới đáo qua nhà chăm con lợn, con gà. Nhà nào có người chửa đẻ đều phải chuyển ngay vì sợ bị âm khí của khu đồi ám.
Cụ Hà Thị Tài còn kể lại trường hợp ông Tạ Văn Tương (60 tuổi, xóm Đanh) đã phải bỏ chạy khỏi khu đồi. Ngày mới lên khu đồi, ông Tương là người mạnh miệng nhất, ông bảo: "Thời này làm gì có ma quỷ gì nữa, các bà chỉ vẽ chuyện dọa con cháu". Thế nhưng, mới đến chơi với đứa cháu vài ngày, ông Tương liên tiếp bị ma trêu, quỷ đùa!? Đêm mùa hè mà ông thấy phòng lạnh cóng, những bóng người lởn vởn cùng với những tiếng cười đùa của thiếu nữ cứ vẳng bên tai. Chưa hết, ở nhà thì ông khỏe mạnh nhưng hễ đến sống tại khu đồi là lại ốm đau quặt quẹo, thuốc thang kiểu gì cũng không ăn thua nên đành sớm chia tay cháu. Bây giờ hễ ai nhắc lại chuyện cũ, ông Tương chỉ chép miệng bảo "về nhà cho lành".
Năm 2006, nghe đồn về kho vàng do lính Tàu chôn tại khu đồi này, hai bố con ông Phạm Văn Tam (xóm An Bình, xã Thành Công) đến xin đào để tìm ở phía sau nhà của bà Tạ Thị Vy. Chỉ trong một ngày, ông Tam đào một mương dài chừng 6- 8m, sâu hoắm nhưng lạ thay, hễ đào sâu hơn thì một con rắn màu vàng óng, xù xì ngóc đầu, thè lưỡi về phía ông. Khi đám thợ được ông Tam mời đến đào giúp vừa nện nhát xẻng thứ nhất thì con rắn ấy trườn tới, quấn quanh chuôi xẻng. Tìm cách đuổi mà rắn vẫn án ngữ ở mương, thấy điềm chẳng lành, bố con ông Tam mang hương ra đốt rồi khấn vái, khấn đến lần thứ ba, con rắn vẫn cứ ngóc đầu tiến lại gần, hoảng quá, ông Tam bỏ luôn ý định tìm vàng?
Sự trùng hợp rợn người
Ông Hà Quang Tường, trưởng thôn Đanh (xã Thành Công) cho biết, tại khu đồi này hiện có 5 gia đình sinh sống, tất cả đều mẹ góa con côi. Đó là gia đình bà Trịnh Thị Phượng, bà Nguyễn Thị Bảo, bà Dương Thị Nhàn (58 tuổi), bà Tạ Thị Vy (55 tuổi) và bà Dương Thị Oanh (50 tuổi). Những người đàn ông sống trên đồi này thường chết bất đắc kỳ tử ở độ tuổi từ 35- 45. Gần đây nhất, ngày 23/8, anh Hà Văn Cương cũng đột ngột tử vong do bị ngã xuống ao của một gia đình sống trên khu đồi góa phụ. Chẳng ai giải thích nổi cái chết này, bởi nước ao thì không quá sâu trong khi anh Cương lại biết bơi. Người nhà của anh Cương sau đó có đi xem bói lại càng hoang mang, bởi "thầy" phán rằng, lý do anh Cương chết là phạm vào hai ngôi mộ thiếu nữ?!
Bà Tạ Thị Vy, một trong số những góa phụ sống tại khu đồi này chia sẻ, trước khi mất, chồng bà hoàn toàn khỏe mạnh. Bất ngờ bị lâm bệnh, gia đình có đưa ông tới bệnh viện nhưng các bác sĩ nói không nghiêm trọng và cho về. Hiện nay, các gia đình đều ở trong tâm trạng hoang mang tột cùng. Bà Tạ Thị Vy thở dài: "Tôi chỉ sợ sau này con cái bị ảnh hưởng lời nguyền xưa, càng chuyển đi sớm ngày nào tôi càng yên tâm ngày ấy".
Không chỉ vậy, con trai của những gia đình trên khu đồi này cũng rất khó lấy vợ. Nhiều cô gái vẫn tin vào lời nguyền xưa mà sợ chồng mình sẽ bị bắt đi. Hồi tháng 5 vừa qua, do quá hoảng loạn, các gia đình cử đại diện mời "thầy" đến xem và cúng bái, yểm bùa nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Bà Nguyễn Thị Viễn nói trong lo sợ: "Tối nào, con gái tôi cũng trông thấy những con đom đóm to bằng bóng đèn, nó sợ không ngủ được. Gia đình bà Trịnh Thị Phượng do sợ lại xảy ra sự trùng hợp chết người nên vừa mới chuyển nhà đi hôm mùng 3 tháng trước. Không biết, sẽ còn những ai phải mất mạng vì lời nguyền ác độc kia nữa?...".
Ông Hà Quang Tường, trưởng thôn Đanh cho biết, người dân bắt đầu lên sinh sống tại khu đồi cách đây chừng hơn 30 năm, tính ra hiện nay, số đàn ông chết trẻ là 6 người. Lời nguyền về việc chỉ có phụ nữ được sống trên khu đồi là do tích xưa để lại, tuy nhiên, sự thực lại trùng hợp đến khó tin. Những người đàn ông này thường chết đột ngột, có khi buổi chiều vẫn làm đồng bình thường nhưng tối đã chết, họ chết không kịp kêu ai, có gia đình người nhà cũng chẳng kịp đưa đi viện.
Theo ông Dương Văn Bẩy, Phó chủ tịch xã Thành Công, có thể trường hợp những người đàn ông chết trẻ là do bệnh tật, do cảm và vô tình trùng nhau chứ không phải sự linh nghiệm của lời nguyền. "Quan điểm của chúng tôi là khi chưa có một sự nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể của một nhà ngoại cảm hay một người nghiên cứu lĩnh vực tâm linh thì khó xác định và đưa ra kết luận cuối cùng. Hiện tại, những gia đình có điều kiện mua nhà nơi khác để chuyển đi là chuyện cá nhân, lãnh đạo xã không thể can thiệp, cũng rất khó để giải thích cho người dân hiểu. Tôi được biết nhiều người dân vẫn lén lút tới khu đồi đó đào vàng, có người còn mời cả thầy cúng đến khấn vái chỉ giúp vị trí chôn vàng vì tin vào lời đồn", ông Bẩy nói.
Cũng theo ông Bẩy, lời nguyền và những câu chuyện thời xưa như một phần của lịch sử thôn để kể lại cho con cháu các đời sau. Tuy nhiên, ông Bẩy cũng khuyến cáo không thể lợi dụng chuyện này để biến thành mê tín dị đoan. "Chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân yên tâm làm ăn, sản xuất, tránh trường hợp người này nói với người kia, thêu dệt thêm những chuyện ly kỳ khiến tâm lý người dân hoang mang", ông Bẩy nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn