Cơ quan chức năng bị qua mặt
Khẳng định với PV, ông Lê Anh Tuấn- Phó trưởng Phòng Thanh tra, pháp chế Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, ngay khi phát hiện rừng phi lao ở thôn Ba Đồng, thuộc xã Kỳ Phương (Kỳ Anh- Hà Tĩnh) bị chặt phá, Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh đã đến hiện trường kiểm tra và đình chỉ việc khai thác vì phía Công ty Grobest Việt Nam không xuất trình được giấy tờ, thủ tục hợp lệ. Qua kiểm tra tại chỗ, diện tích bị khai thác 1,57ha, với mật độ 350 cây/ha.
“Phía công ty có xuất trình được một số giấy tờ thủ tục pháp lý, nhưng không có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ ven biển sang nuôi tôm trên cát, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như dự án đầu tư trên rừng chuyển đổi mục đích sử dụng…”- Ông Tuấn nói.
Mặc dù đã bị Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh đình chỉ việc chặt phá rừng để hoàn thiện thủ tục, nhưng những ngày sau đó đơn vị thi công vẫn bất chấp, tiếp tục triệt hạ rừng phi lao phòng hộ ven biển. Đến ngày 01/8 đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vào kiểm tra hiện trường, đã xác định có khoảng 9ha rừng phi lao thuộc rừng phòng hộ ven biển ở thôn Ba Đồng bị chặt phá.
Một gốc cây cổ thụ bị xẻ còn sót lại trên cát
Theo khẳng của ông Hán Duy Anh- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh khẳng định diện tích rừng phi lao ở thôn Ba Đồng là rừng phòng hộ, bởi "Đến thời điểm này (ngày 08/8- PV) phía Công ty nuôi tôm chưa gửi một thủ tục nào để xin chuyển đổi rừng phòng hộ ở thôn Ba Đồng sang nuôi tôm trên cát".
Về Việc chặt phá rừng phi lao phòng hộ này, ông Lê Anh Tuấn khẳng định, phía công ty Grobest đã sai phạm nghiêm trọng khi chặt phá rừng phòng hộ mà chưa có thủ tục chuyển đổi. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, theo Nghị định 157 ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi phá rừng phòng hộ từ 2.000 m2 đến 3000 m2. Nếu phá rừng phòng hộ trên 3 ha sẽ bị khởi tố xử lý hình sự.
Trong khi lực lượng kiểm lâm, lâm nghiệp bị “qua mặt”, thì lực lượng bảo vệ môi trường cũng không được doanh nghiệp trình dự án xin ý kiến, mặc dù đây là dự án nuôi tôm trên cát sạch, có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và môi trường sinh thái xung quanh dự án.
Theo ông Phạm Văn Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trưởng - Sở TNMT Hà Tĩnh, thì phía công ty Grobest Việt Nam chưa có đánh giá tác động môi trường mà vẫn tiến hành thi công, triển khai dự án là sai phạm hoàn toàn. Ông Bình nói: "Rõ ràng Công ty đã sai về nguyên tắc vì khi chưa được phép mà đã chặt phá rừng. Như thế là sai hoàn toàn rồi".
Tìm hiểu thêm, PV được biết, ngày 06/8, đoàn Công tác do Cảnh sát môi trưởng - Công an tỉnh chủ trì cùng với Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng TNMT huyện Kỳ Anh đã vào thôn Ba Đồng để kiểm tra và xác định vùng đất của dự án nuôi tôm cách mặt nước biển khoảng 200m. Lúc này dự án đang thi công san ủi, đào hồ nuôi tôm. Đoàn công tác đã yêu cầu đại diện công ty Grobest Việt Nam cung cấp hồ sơ thủ tục, nhưng vị cán bộ này không cung cấp được văn bản nào.
“Xin hãy cứu những ha rừng còn lại”
Đó là lời cầu cứu thảm thiết của những người dân không chỉ ở thôn Ba Đồng, mà còn là những người dân xã Kỳ Nam ở liền kề ngay đó. Bởi người dân nơi đây cũng đang sắp bị mất rừng phòng hộ ven biển bởi dự án nuôi tôm sau quyết định cấp 114 ha đất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho công ty Grobest Việt Nam.
Trong lúc đó, từ năm 2000, tại xã Kỳ Nam cũng đã có một công ty được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho 90 ha đất để thực hiện dự án nuôi tôm, nhưng sau hơn 10 năm triển khai không hiệu quả, đã lâm vào tình trạng phá sản, phải thu hồi, vậy mà đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục “ưu ái” cho một doanh nghiệp khác vào nuôi tôm bằng được trên địa bàn, bằng văn bản số 1390/UBND-NL ngày 10/4/2014 đồng ý cho Cty TNHH GROBEST Việt triển khai dự án nuôi tôm trên cát theo công nghệ sạch với diện tích 40 ha ở thôn Ba Đồng xã Kỳ Phương và 114 ha ở xã Kỳ Nam.
Để làm được điều này, UBND tỉnh đã phải có công văn điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu kinh tế Vũng Áng, điều chỉnh khu đất khoảng 40h tại thôn Ba Đồng (nơi có rừng phi lao cổ thụ phòng hộ) từ cây xanh sinh thái tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản; điều chỉnh 114 ha tại xã Kỳ Nam từ đất tổ hợp dịch vụ du lịch đô thị và dịch vụ mật độ cao, bãi đỗ xe, giao thông; cây xanh; bãi cát sang đất nuôi trồng thủy sản.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vin- Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết hiện xã chưa nắm rõ dự án nuôi tôm 114 ha đó có lấy rừng phòng hộ của xã như ở Kỳ Phương hay không. “Nhưng vụ phá rừng ở thôn Ba Đồng xã Kỳ Phương để nuôi tôm thì anh em cán bộ xã có đến xem. Dừ nếu chặt phá rừng phi lao ở ven biển của xã để nuôi tôm như ở Kỳ Phương thì chắc chắn người dân sẽ phản đối. Ngay cả đại diện chính quyền xã chúng tôi cũng phản đối"- Ông Vin cho biết.
Xin chuyển tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây lên chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, để giữ lại dải rừng phòng hộ ít ỏi còn sót lại vùng ven biển này. Cũng như kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trọng việc để rừng phòng hộ ở thôn Ba Đồng bị triệt hạ, khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích, cũng như thủ tục theo pháp luật quy định.
Theo Bùi Tiến/báo bảo vệ pháp luật số 65
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn