Do thiếu kiểm tra, giám sát, nên việc thi công tuyến đường vào khu vực hệ thống hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) diễn ra tùy tiện, dẫn đến nhiều sai sót, kém chất lượng...
Dù chưa bàn giao, nhưng đường đã hỏng THIẾT KẾ MỘT ĐÀNG, THI CÔNG MỘT NẺO... Dự án xây dựng tuyến đường vào khu vực hệ thống hang động núi lửa Krông Nô (gọi tắt là tuyến đường) được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2196a/QĐ-UBND ngày 25/9/2017. Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án huyện Krông Nô làm đại diện chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng Hoàng Dũng (Gia Nghĩa). Tuyến đường có quy mô đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 2,3 km, kinh phí đầu tư 1,9 tỷ đồng (trích từ ngân sách tỉnh). Công trình gồm có các hạng mục chính như nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước. Đầu năm 2018, tuyến đường được triển khai xây dựng và đến nay đã hoàn thiện được 1,7/2,3km. Xét về lợi ích tổng thể, việc xây dựng tuyến đường là rất cần thiết, vì nó phục vụ cho nhu cầu đi lại để nghiên cứu, tham quan hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Thế nhưng, việc thi công tuyến đường trong thời gian qua lại xảy ra nhiều điều tiếng, khiến cho dư luận bức xúc. Theo thiết kế đã được phê duyệt, tuyến đường rộng 1,5 m và được lát ghép bằng đá xô bồ (đá bọt núi lửa) góp nhặt tại hiện trường. Giữa các viên đá được chít bằng vữa xi măng để tạo sự liên kết vững chãi. Đường có thành hai bên cũng được lát bằng đá xô bồ và chít vữa xi măng.
Gờ chắn hai bên đường đã bị vỡ Yêu cầu thiết kế là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công lại làm theo kiểu khác. Cụ thể, sau khi lát ghép đá, đơn vị thi công đã đổ một lớp vữa xi măng phía trên mặt đường, thay vì chít mạch bằng vữa xi măng. Đối với hạng mục thành hai bên đường, đơn vị cũng xây bằng bê tông chứ không ghép đá và chít mạch bằng vữa xi măng theo như thiết kế. Với những thay đổi này, tuyến đường gần như đã trở thành đường bê tông, không bảo đảm về mặt thẩm mỹ. Tệ hại hơn, dù đang trong quá trình thi công, nhưng tuyến đường đã bộc lộ sự yếu kém về chất lượng. Mặt đường rất yếu ớt, nhiều đoạn bị sụt lún, các viên đá hầu như không bám nhau, nhiều chỗ đã bị bong tróc vữa xi măng. Thành hai bên đường cũng được làm rất sơ sài, kém chất lượng, nhiều đoạn đã bị vỡ, gãy. Ở đây xin được nói thêm, sở dĩ đường được thiết kế đơn sơ như nói trên là nhằm bảo đảm cảnh quan tự nhiên, không bê tông hóa tại khu vực hang động núi lửa. Do đó, việc đơn vị thi công tùy tiện thay đổi thiết kế tuyến đường đã khiến cho cảnh quan trong khu vực đang xây dựng công viên địa chất toàn cầu phần nào bị tác động, mất vẻ tự nhiên.
Người dân dùng đá bao quanh một lỗ thủng nhằm đề phòng du khách bị hỏng chân
CHỦ ĐẦU TƯ LƠ LÀ Ngày 19/3/2018, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Nô đã tiến hành kiểm tra thi công tuyến đường và kết quả được ghi trong báo cáo là đường được thi công không đúng với thiết kế, chất lượng kém. Về nguyên nhân, Phòng Kinh tế và Hạ tầng nhận định nhà thầu thi công như vậy là nhằm giảm chi phí nhân công. Phòng Kinh tế và Hạ tầng cũng chỉ ra sự gian lận trong thi công. Cụ thể, tại hồ sơ phê duyệt làm đường, loại xi măng được sử dụng để thi công là xi măng Hà Tiên, với đơn giá hơn 1,9 triệu đồng/1 tấn. Thế nhưng, đơn vị thi công lại tự ý thay đổi, dùng xi măng Fico, có giá chỉ hơn 1,7 triệu đồng/tấn. Trong Báo cáo số 19/BC-KT&HT ngày 19/3/2018, Phòng Kinh tế và Hạ tầng kết luận: “Sử dụng không đúng chủng loại vật liệu cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình”. Việc thi công sai với thiết kế gần như đã biến tuyến đường này thành đường bê tông Trao đổi về quá trình xây dựng tuyến đường, ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, dù tuyến đường chưa được bàn giao, nhưng đã bộc lộ khá nhiều vấn đề hạn chế, bất cập. Trước hết, đó là việc thi công tuyến đường không đạt với yêu cầu thiết kế, chất lượng chưa bảo đảm, nhiều đoạn đã bị hư hỏng, sụt lún. Đặc biệt, việc thi công đường sai thiết kế đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên trong khu vực đang được vận động UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Về nguyên nhân, theo ông Danh, trước hết là do sự lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát đối với đơn vị thi công. Ban Quản lý các dự án huyện Krông Nô là đại diện chủ đầu tư, nhưng đã thiếu sự giám sát, dẫn tới không kịp thời phát hiện các sai phạm của đơn vị thi công. Về phương hướng xử lý, ông Danh khẳng định: “UBND huyện yêu cầu thứ nhất là đập bỏ hoàn toàn, khắc phục lại, phê bình Ban Quản lý dự án là chủ đầu tư công trình. Thứ hai là phải làm việc cụ thể với đơn vị thi công để khắc phục, làm lại đúng với thiết kế ban đầu, không có chuyện bao che!”.
Ngàn Sâu
Theo Báo Đắk Nông