Giai đoạn 1, dự án hồ chứa nước Xuân Hoa và hệ thống kênh mương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2010. Giai đoạn 2, dự án nâng cấp đập Cồn Tranh và xây mới hệ thống kênh mương có kinh phí 52 tỉ đồng, được khởi công năm 2009, nhưng hiện nay có những hạng mục đã hoàn thành và có những hạng mục chưa hoàn thành vì thiếu vốn.
Dấu hiệu thi công dối
Ngày 24/2, có mặt ở đập Cồn Tranh, nghe chúng tôi hỏi về đập, một người dân nói: “Không hiểu người ta thi công đập Cồn Tranh kiểu gì. Đập vừa tích nước thì lại khô trơ đáy, trong khi đồng ruộng không có nước tưới tiêu, nhà thầu điều động máy móc, công nhân đến thi công lại”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn thiết kế công trình, cho biết đập Cồn Tranh thi công lại để đảm bảo an toàn cho đập. Khi tích nước, một bên tràn của đập chính bị xói lộng bên trong, nước thấm, chảy qua thân đập, ảnh hưởng đến công trình rất nghiêm trọng.
Mái ngoài thân đập đã bị mưa làm xói, trôi, xuất hiện rất nhiều đá sỏi, cuội
Có những điểm cốt thép nổi trên mặt bê tông
Theo ông Khánh, khi đến hiện trường kiểm tra điểm xói lở của thân đập, ông phát hiện đất đắp đập có trộn lẫn nhiều đá cuội, không đúng với thiết kế. Để đảm bảo cho an toàn đập vào mùa mưa, chủ đầu tư cùng với nhà thầu, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát thống nhất bỏ tiền túi ra làm lại hơn 22m thân đập...
Trong thiết kế, mái ngoài thân đập được lu lèn lát cỏ, mái trong được đổ bê tông cốt thép. Chưa bàn giao nhưng mái ngoài thân đập đã bị mưa làm xói, trôi, xuất hiện rất nhiều đá sỏi, đặc biệt là đá cuội to bằng nắm tay. Mái trong của thân đập được đổ bằng bê tông dày 15cm, nhưng đơn vị thi công hạng mục này làm ẩu, khi có những điểm cốt thép nổi trên mặt bê tông, thậm chí độ dày bê tông có những điểm không đạt với yêu cầu thiết kế.
Chưa rõ đúng, sai
Ông Nguyễn Xuân Hành, Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nói: “Xói lở ở đập Cồn Tranh là do tràn cũ của đập. Khi muốn nâng cấp sửa chữa lại tràn thì đơn vị tư vấn thiết kế không đồng ý. Ngoài ra ở khu vực thi công thiếu đất đắp đập, đất trộn đá sỏi rất nhiều, đáng ra nhà thầu phải cho người nhặt từng hòn đá vứt đi khi lu lèn. Hiện công trình này chưa bàn giao, có khuyết, lỗi nào thì chúng tôi sửa chữa lại”.
Phía đơn vị tư vấn thiết kế, ông Nguyễn Quốc Khánh khẳng định, trong thiết kế đất đắp đập Cồn Tranh không có thành phần sỏi, đá cuội. Khi thiết kế đơn vị đã chỉ rõ các điểm lấy đất để đắp đập đã được khảo sát, thí nghiệm. Nguyên nhân xói lở là do đất đắp đập không đảm bảo, nhiều đá cuội trộn lẫn vào. “Ra hiện trường tôi chụp ảnh, thấy điểm xói lở có rất nhiều đá cuội mới dám kết luận. Hiện chúng tôi đã lấy các mẫu đất được thi công tại đập Cồn Tranh về thí nghiệm để biết nhà thầu sử dụng đúng chưa”, ông Khánh nói.
Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế đều thừa nhận, khi thi công gói thầu đắp thân đập Cồn Tranh, nhà thầu Hà Thành không đủ năng lực, thi công rất ẩu. Sau khi thực hiện xong hạng mục đắp đất, nhà thầu này được thay bằng nhà thầu Tấn Đạt để thực hiện tiếp các hạng mục như đổ tường bê tông chắn sóng, lát mái bê tông...
Cũng theo ông Khánh “Tại thời điểm thi công, đơn vị Hà Thành thi công ẩu và bỏ bê. Nhưng để kết luận đất đắp toàn thân đập có đạt yêu cầu như thiết kế hay không thì cần phải có ý kiến cơ quan chức năng”.
Sau khi xem những hình ảnh về các hạng mục thi công ẩu, không đúng thiết kế, ông Nguyễn Xuân Hành giải thích: mái đất lát cỏ bị xỏi lở, xuất hiện nhiều đá, sỏi là do quá trình thi công, công nhân vứt đá xuống. Còn hiện tượng cốt thép nổi trên bề mặt bê tông, là do mưa, nhà thầu Tấn Đạt thi công không kỹ…
Theo PNO
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn