Đầu con tê giác trưng bày ở Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và đầu con tê giác mất sừng ở nhà ông Trầm Bê. Ảnh: Sáu Nghệ . |
Tê giác tặng ông Trầm Bê không rõ là con nào?
Theo tờ khai với hải quan ngày 24-10-2006 của ông Ngô Thành Nhân (ở 30 Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5, TPHCM), con tê giác nhập về là loại tê giác trắng có hai sừng, được gắn hai chíp. Cơ quan hải quan cũng xác nhận con tê giác là hàng đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm.
Con tê giác được đặt trong 2 kiện gỗ, có trọng lượng 855 kg, hàng có xuất xứ từ Nam Phi. Giá trị của con tê giác này theo ông Nhân khai lúc đó là 25.000 USD.
Trong tờ biên lai thu thuế của Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV, ông Nhân phải nộp tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng là hơn 41 triệu đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Phụ trách Cites Việt Nam (Cơ quan Quản lý thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), xác nhận, trong danh sách nhập khẩu tê giác do cơ quan Cites cấp năm 2006, có tên ông Ngô Thành Nhân. Từ đó đến nay, ông Nhân chưa nhập tê giác thêm lần nào nữa.
Theo ông Tùng, hằng năm, Nam Phi có cấp quota, cho săn bắn một lượng nhất định. Giấy phép này được cấp cho cá nhân vào trực tiếp săn bắn, người này được quyền sở hữu cá nhân “chiến lợi phẩm” và được nhập về, nhưng không được buôn bán vì mục đích thương mại.
Nếu ông Nhân được cơ quan phía Nam Phi cấp phép, thì con tê giác đó do chính ông Nhân vào rừng săn bắn.
Ông Tùng cho hay, Công ước Cites quốc tế chưa nói rõ có cấm cho, tặng hay không, nên không thể cấm người ta tặng, biếu.
Tuy nhiên, con tê giác tại nhà ông Trầm Bê, có khớp hay không với giấy tờ nhập khẩu, thì chưa thể khẳng định. “Con tê giác đi kèm với sừng. Muốn xác định phải rà chíp, trong khi chip gắn trên sừng, đã bị mất trộm, thì không thể kiểm tra được”.
Ngừng nhập khẩu tê giác từ tháng 6-2012
Cites Việt Nam cho biết, mẫu vật săn bắn là sở hữu cá nhân, nên việc kiểm tra, kiểm soát hay phát hiện việc buôn bán rất khó khăn.
Từ năm 2006 tới nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác từ nước ngoài vào Việt Nam, chủ yếu từ châu Phi, và 4 vụ buôn bán sừng tê giác trong nước, tịch thu hơn 100 kg sừng tê giác.
Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy, sừng tê giác nhập vào Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không, gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Theo cơ quan Cites, qua kiểm tra ngẫu nhiên gần đây, phần lớn người nhập khẩu tê giác hợp pháp về Việt Nam không còn lưu giữ mẫu vật, họ đều khai báo đã cho hoặc chia nhỏ ra cho bạn bè và người thân, một số thì chạm khắc hay tiện thành đồ lưu niệm, không ai khai báo đã bán.
Thực tế, cơ quan chức năng rất khó theo dõi, giám sát việc sử dụng sừng tê giác được nhập về hợp pháp hoặc tìm ra bằng chứng buôn bán các mẫu vật này. Đối với tê giác sống, đến nay, có 24 cá thể được nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam và được các cơ sở nuôi dưỡng tốt, được quản lý, giám sát chặt chẽ, không có vi phạm.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết. “Từ tháng 6-2012, Bộ NN&PTNT đã ngừng cấp phép cho nhập tê giác vào Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó là Nam Phi vẫn cấp phép cho săn bắn, nên việc kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu khó khăn”.
Ông Trầm Bê có mấy con tê giác?
Chiều 8-10, PV Tiền Phong làm việc với đại tá Bùi Văn Phúc, Trưởng phòng Tuyên huấn của Cục Chính trị, Quân khu 9 về con tê giác liên quan đến ông Trầm Bê.
Đại tá Phúc sau khi trao đổi với lãnh đạo Cục Chính trị, đã trả lời là con tê giác từng trưng bày ở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 9, là của ông Trầm Bê cho mượn như lời phát biểu với báo chí của Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân khu 9.
Trả lời báo chí, Trung tướng Phong cho biết gần 10 năm trước, khi còn đương chức, ông đến nhà ông Trầm Bê thấy một con tê giác (khô) nguyên cả sừng nên đã mượn về trưng bày.
Khoảng 5 năm sau, con tê giác có biểu hiện bị nấm mốc, một số chỗ trên thân bị thủng nên Trung tướng Phong trả lại cho ông Trầm Bê để bảo quản, phục chế.
PV Tiền Phong đề nghị được xuống nơi từng trưng bày con tê giác. Đại tá Phúc từ chối.
Con tê giác trưng bày ở Bộ Tư lệnh Quân khu 9, trước đây, PV Tiền Phong đã mấy lần trực tiếp thấy, do được mời vào. Đó là gian phòng tiếp giáp ngay sau sảnh chính, thường tổ chức tiệc liên hoan các dịp lễ tết.
Con tê giác trưng bày sát cửa ra vào, để trong tủ kính, đứng trên bệ xi măng có 6-7 bụi cỏ mà theo giới thiệu là cỏ từ châu Phi.
Nay so sánh ảnh chụp đầu hai con tê giác, lúc còn nguyên cặp sừng để trong tủ kính ở Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và con tê giác đã mất sừng để trong nhà ông Trầm Bê ở xã Hàm Giang (Trà Cú, Trà Vinh), một số người am hiểu cho rằng có vẻ khác nhau.
Theo Tienphong.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn