1 súng bắn điện màu đen, 2 dao nhọn báng gấp, 4 bình xịt hơi cay; 2 gậy dùi cui màu đen, dạng bấm dài 60cm; 9 máy điện thoại và sim thuê bao trả trước…, đó là số “đồ nghề” mà Nguyễn Văn Phước đã mua bằng tiền tạm ứng trước của Đinh Quốc Tính, nhà ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, để thực hiện phi vụ bắt cóc em Ngô Thế Tâm, học sinh lớp 11 (Báo ANTĐ đã thông tin).
Theo thông tin PV ANTĐ nắm được qua trao đổi với đồn Công an Bắc Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội, “trùm” Phước ra tù từ năm 2010 về tội cướp tài sản, song kể từ thời điểm đó đến khi bị bắt, tay anh chị này rất tinh quái, không gây ra bất cứ vụ việc gì tại nơi cư trú. Phước thường xuyên vắng mặt ở nhà, và mỗi khi trở về, y rất ít khi giao tiếp với hàng xóm. Sự “ở ẩn” của Nguyễn Văn Phước có lẽ mục đích chính để che giấu những hành vi phạm tội của y, và điều này đã thể hiện rất rõ qua phi vụ bắt cóc em Tâm.
Một trinh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Phước nhận “hợp đồng” đòi số tiền 1 tỷ đồng của anh Cường - chú em Tâm, với Đinh Quốc Tính. Thỏa thuận ban đầu, Phước sẽ tạm ứng khoảng 30 triệu đồng để mua phương tiện thực hiện phi vụ bắt cóc. Sáng 2-10, Phước trực tiếp cùng một số đàn em đi xe ô tô 7 chỗ lên Thái Nguyên, rình bắt cóc em Tâm. Phát hiện cậu học sinh lớp 11 vừa rời quán ăn sáng, đám bắt cóc ập đến, ốp Tâm lên xe. Em Tâm định phản ứng, lập tức bị “nhận” mấy cú đấm, tát vào mặt. Một số người dân chứng kiến sự việc nhưng không kịp hô hoán, bởi diễn biến sự việc quá nhanh cũng như tính chất manh động của số thanh niên lạ mặt.
Ngày 7-10, 3 ngày sau khi giải cứu an toàn, thành công em Tâm, CQĐT Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Cục CSHS đã làm sáng tỏ được nhiều tình tiết trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Anh Ngô Thế Cường và chị Nông Thu Hương nhận em Ngô Thế Tâm, cháu ruột chị Hương làm con nuôi. Anh Cường là Phó Giám đốc phụ trách maketing một công ty chuyên doanh thức ăn chăn nuôi, trụ sở tại Sông Công, Thái Nguyên. Quá trình kinh doanh, công ty của anh Cường có nợ bà Nhã, quê quán Hoằng Hóa, Thanh Hóa, số tiền 500 triệu đồng tiền hàng. Ngày 29-9, bà Nhã đã liên lạc mời anh Cường về Hải Dương, và yêu cầu anh Cường viết giấy nợ nhưng anh Cường không viết vì cho rằng đây là khoản nợ của công ty chứ không phải cá nhân. Vì thế, bà Nhã cùng một số đối tượng đã ép anh Cường và lái xe của anh lên xe của bà Nhã, chở thẳng về Hoằng Hóa.
Tại nhà bà Nhã, các đối tượng đã lấy hết sim điện thoại của anh Cường và lái xe nhằm mục đích không cho họ liên lạc ra ngoài. Lợi dụng sơ hở của các đối tượng xấu, lái xe của anh Cường đã liên lạc được về công ty thông báo sự việc bị bắt giữ. Công ty của anh Cường đã cử người vào trình báo với CAH Hoằng Hóa và giải cứu được anh Cường. Tuy nhiên, trong thời gian anh Cường đang làm việc với CAH Hoằng Hóa thì xảy ra vụ em Tâm bị bắt cóc.
Sáng 4-10, khi lực lượng công an ập vào nhà nghỉ ở xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, Nguyễn Văn Phước còn nghênh ngang: “Tôi sẽ kiện các ông vì vào phòng nghỉ của tôi trái pháp luật!”. Thế nhưng, Phước và đồng bọn đã nhanh chóng bị khống chế, bắt giữ. Khi bị bắt, số đối tượng này ném sim điện thoại đang dùng vào đế giày nhưng đã bị các trinh sát phát hiện. Trong 3 đối tượng, chỉ có duy nhất Phước được liên lạc điện thoại với nhóm đang giam giữ em Tâm để chỉ đạo, chứ nhóm kia cũng không được liên lạc ngược lại. Cùng với việc điều tra, xử lý nhóm Nguyễn Văn Phước, cơ quan công an đang điều tra mở rộng vụ việc anh Cường bị bắt giữ tại nhà một hộ dân ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Theo An ninh thủ đô
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn