Sau khi cấp GCNQSDĐ, người dân huyện Tân Kỳ hết sức bức xúc trước sự việc khiếu kiện, khiếu nại về vấn đề chiếm dụng đất công trái pháp luật. Nhưng sự việc này vẫn chưa chấm dứt, điều đáng nói trong đơn tố cáo chiếm dụng đất đều là những người làm lãnh đạo, chủ chốt, là những cán bộ thuộc ngành Luật pháp, làm việc trong Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ.
Sự việc trên nói đến ông Trần Hồng Điệp – hiện là Chánh án Tòa án huyện Tân Kỳ cùng với một số cán bộ khác trong cơ quan cố tình hợp thức hóa hồ sơ, ngang nhiên chiếm hàng trăm mét vuông đất quy hoạch thuộc Tòa án huyện, rồi “lách luật” từ đất công thành đất cá nhân.
Trước đó, ông Trần Hồng Điệp – hiện là Chánh án Tòa án huyện được UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa 51.1, tờ bản đồ số 6b với diện tích 445m2, vào ngày 21/9/2006. Diện tích lô đất nói trên đang nằm phía sau trụ sở làm việc, trong khuôn viên đất Tòa án huyện.
Liên quan đến vấn đề này ông Trần Hồng Điệp trao đổi với Pv báo
ĐS&TD: “Trước tôi mua nhà của Toà án hợp pháp, thì giờ phải làm bìa cho tôi chứ. Làm gì có chuyện tôi chiếm dụng đất sai trái như trong đơn tố cáo, mà nếu sai thì UBND huyện sai vì đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi vào thời điểm mảnh đất chưa phù hợp quy hoạch”.
Tờ khai nộp tiền sử dụng đất của ông Điệp.
Mà chuyện có gì to lớn gì đâu, sau khi có đơn tố cáo nay đã có quyết định hủy, hiện đang chờ cấp lại vì chẳng có gì sai. “Vì trước tôi mua nhà nằm trên đất thì phải có đất chứ!” Ông Điệp cho biết thêm.
Sau khi nhận được thông tin Pv báo
ĐS&TD đã có cuộc làm việc với phòng tài nguyên huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Tương tự hộ ông Điệp thì hộ bà Trần Thị Trà, hiện cũng đang là cán bộ thuộc Tòa án huyện Tân Kỳ, cũng đã được UBND huyện Tân Kỳ cấp GCNQSDĐ ngày 28/6/2006, mảnh đất thuộc tờ bản đồ số 7, khối 7 thị trấn huyện Tân Kỳ, với tổng diện tích lên tới 442 m2. Trong lúc nguồn đất chưa được xác minh cụ thể.
Được biết: Lúc bà Trà lập gia đình và làm việc tại Toà án thì chưa có đất ở, lúc này Toà cũng chưa có nhà tạm trú cho cán bộ. Nên bà Trà mua vật liệu rồi dựng tạm một căn nhà hai gian ngay tại vườn xoan cạnh trụ sở Tòa án cho tiện công việc. Nhưng sau này, vợ chồng bà Trà đã bán ngôi nhà gỗ đó cho một cán bộ huyện Tân Kỳ, còn đất thì chưa bán vì chưa được cấp thẩm quyền, đất vẫn đang thuộc sự quản lý của UBND thị trấn Tân Kỳ.
Đến năm 2004, bà Trà đã làm đơn xin cấp GCNQSDĐ đối với 442 mét vuông đất nói trên, đồng thời khai nộp tiền sử dụng đất với giá trị hơn 12 triệu đồng và đã được UBND huyện Tân Kỳ cấp GCNQSDĐ vào ngày 28/6/2006.
Phải chăng nộp tiền sử dụng đất là được UBND huyện ký cấp GCNQSDĐ ?
Cán bộ UBND huyện không hiểu luật, hay cố tình lách luật?Xét theo quy định hiện hành về Luật đất đai nói chung, cũng như quy định về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng thì việc cấp GCNQSDĐ cho ông Điệp và bà Trà là trái Luật.
Hồ sơ cho thấy diện tích 445 m2 cho ông Trần Hồng Điệp – Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Tân Kỳ là đất của cơ quan nhà nước vì mảnh đất này nằm trong toàn bộ khuôn viên trụ sở Tòa án huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch năm 1990.
Sơ đồ trích lục, đo vẽ thửa đất bổ sung của ông Điệp.
Bản đồ quy hoạch thì diện tích đất của ông Điệp xin cấp GCNQSDĐ là nằm phía sau trụ sở Tòa án huyện Tân Kỳ, xét về nguồn gốc thì trước đây trên mảnh đất đó có ngôi nhà cấp 4, 3 gian và 1 dãy bếp, là nhà ăn tập thể của cán bộ công nhân viên.
Ngày 16/2/2002, thấy ngôi nhà xuống cấp nên phía Tòa án huyện kết hợp với các ban ngành ủy ban huyện thành lập hội đồng bán đấu giá tài sản là “ngôi nhà” với giá 1 triệu đồng. Ngoài ngôi nhà thì biên bản hóa giá tài sản được lập cũng nêu rõ “không bán bất kỳ tài sản nào khác”.
Sau khi đưa bán đấu giá thì ông Trần Hồng Điệp trúng đấu giá ngôi nhà trên, nhưng mua xong thì ông Điệp không tháo dỡ đi mà vẫn để làm nơi ở tạm cho tới mãi sau này.
Đến ngày 1/10/2004, ông Điệp làm đơn xin được cấp GCNQSDĐ trên chính khu đất mà ngôi nhà ông mua lại. Trong đơn xin cấp đất, ông Điệp cũng đã nêu rõ “xin được cấp quyền sử dụng trên lô đất của cơ quan hiện nay gia đình chúng tôi đang ở”.
Đến ngày 28/12/2004, ông Điệp thực hiện việc khai nộp tiền sử dụng đất hết hơn 12 triệu đồng, với diện tích 250 mét vuông.
Và đến ngày 28/9/2006, thì ông Điệp được UBND huyện cấp GCNQSDĐ với tổng diện tích 466 mét vuông, trong đó 250 mét vuông đất ở và 216 mét vuông đất vườn.
Trường hợp của bà Trần Thị Trà cũng tương tự, trải qua một quá trình “xin ở tạm”. Sau đó đóng tiền và được quyền sử dụng mảnh đất với diện tích 442 mét vuông, trong đó có 250 m2 đất ở và 150 m2 đất vườn.
Phần đất bà Trà cạn cổng Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ.
Trong tờ khai nộp tiền thuế sử dụng đất để có căn cứ làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì bà Trà cũng chỉ khai 250 m2 đất ở. Tổng số tiền bà Trà nộp cho cơ quan thuế khi kê khai là hơn 12 triệu đồng. Giờ đây GCNQSDĐ cho bà Trà lại thêm 150 m2 đất vườn. Vậy diện tích đất vườn này đâu ra?
Như vậy, các ban nghành UBND thị trấn Tân Kỳ và UBND huyện Tân Kỳ “cố tình” hay “thiếu sót” trong lúc xem xét hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho hai trường hợp trên?
Trao đổi với Trưởng và phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: giấy chứng nhận quyền sử dụng liên quan tới hai mảnh đất nói trên đã bị thu hồi, và đang chờ cấp lại.
Phải chăng các nhà chức trách lại tiếp tục có ý định “lập lờ đánh lận con đen”, ý định sẽ tiếp tục làm lại thủ tục và cấp lại giấy chứng nhận sử dụng đất cho hai cá nhân nói trên, dựa trên việc “quy hoạch mới đã được bổ sung, đang chờ tỉnh phê duyệt”.
Theo Doãn Đạt – Trí Thức Đời sống & Tiêu dùng