Nguyễn Thái Dương sinh năm 1979 tại Quảng Ninh, trong một gia đình nông dân nghèo. Sau cơn sốt bại liệt thuở bé, chân phải của Dương không phát triển bình thường được nữa.
Tốt nghiệp phổ thông, Dương học trung cấp kế toán nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khiến anh đành bỏ dở. Năm 1998, Dương theo bác họ lên Tây Nguyên. Sẵn năng khiếu nghệ thuật, anh thi chuyên ngành guitare vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, đạt điểm thứ nhì đầu vào, điểm khá đầu ra, nhưng hiệu trưởng trường năm đó lại cho rằng Dương khuyết tật nên không cấp bằng cho anh. Xoay sở mãi không xong, Dương phải gửi đơn kêu cứu. Báo Tiền Phong vào cuộc đấu tranh đến cùng, Dương mừng vui nhận được bằng tốt nghiệp, cưới được một người vợ nhân hậu đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Tật học. Từ đó, hạnh phúc của mái ấm nhỏ này gắn liền với sự nghiệp dạy dỗ trẻ em khuyết tật.
Thầy Ân đón các em đi học về.
Sau một thời gian dạy tại trường chuyên biệt Vi Nhân (thành phố Buôn Ma Thuột), thầy Dương nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Phát huy sở trường, thầy Dương đã lập được nhiều nhóm nhạc cho trẻ khiếm thị, tự kỷ. “Trước đây những lúc buồn chán tôi thường tìm đến âm nhạc. Chính âm nhạc đã giúp tôi giải tỏa mặc cảm, muộn phiền, nên khi có cơ hội, tôi muốn truyền hết khả năng đàn, hát của mình sang cho các em thấy đời vui hơn” – Thầy Dương tâm sự.
Để hiểu được những học trò câm lặng, thầy Dương đã tự trau dồi, học thêm về ngôn ngữ ký hiệu. Sự tận tụy của thầy đã ngày càng kéo học trò lại gần, gắn bó hơn. Sau mỗi giờ học, các em khiếm thị vui vẻ hát theo thầy. Nhiều em tự tin tham gia các cuộc thi văn nghệ dành cho người khuyết tật và giành giải thưởng cao. Đã có 2 học trò của thầy Dương thi đậu vào Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Thầy Dương còn thành lập nhóm nhạc “Nhịp sống” cho các bạn trẻ khuyết tật , mỗi năm lưu diễn vài lượt qua các xã, huyện để gây quỹ cho các câu lạc bộ khuyết tật vùng sâu, động viên những người cùng cảnh ngộ khẳng định mình “tàn nhưng không phế”. Thấy rõ chuỗi nỗ lực không ngừng của Dương, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã đề cử Dương làm Chủ nhiệm CLB Thanh niên Khuyết tật tỉnh. Đến nay đã 4 năm thầy Dương được tín nhiệm với vị trí này.
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk nhận xét: Thầy Dương rất năng nổ, nhiệt tình trong giảng dạy. Thầy dành tình thương, quan tâm đặc biệt cho các em giúp các em vượt qua khó khăn, mặc cảm để học tập tốt. Thầy Dương là tấm gương sáng để các em học sinh khuyết tật vươn lên, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.
Thầy Dương dạy các em học thủ công
“Cha yêu ” của hàng trăm trẻ khiếm thị
Đến trường khuyết tật Vi Nhân hỏi thầy giáo Quản Văn Ân, ai cũng quý trọng khen thầy đã giỏi, lại vô cùng tận tâm với học trò. Quản Văn Ân (38 tuổi, quê Thái Bình) vốn là sinh viên giỏi trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Tương lai đang rộng mở phía trước với chàng trai trẻ bỗng nhiên đóng sập vì một tai nạn giao thông, mất hẳn mắt trái. “Tôi gần như ngã quỵ mất phương hướng và chỉ muốn chết khi biết mình có nguy cơ mù hoàn toàn. Sau nhiều lần chữa trị, thị lực của tôi mới còn được 2/10 ở mắt phải” - Anh Ân chia sẻ.
Ân tự nhốt mình trong bốn bức tường cho đến khi cùng gia đình vào Đắk Lắk sinh sống, năm 2001. Niềm vui dần trở lại khi anh được vào trường chuyên biệt Vi Nhân. Khi thuần thục chữ nổi, anh được soeur Nhất cử đi học một khóa nghiệp vụ dạy trẻ khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đến Vi Nhân, ai cũng phải thầm khen khi thấy cách thầy Ân tận tụy dạy các em khiếm thị tập đi, tập đứng, học chữ, massage. Em Hồ Thị Ái Vi (lớp 7A, trường THCS Phạm Hồng Thái) cho biết: Em học với thầy Ân được hơn một năm rồi. Thầy rất hiền, dạy dễ hiểu và thương chúng em lắm. Nhiều hôm, trên lớp em chưa hiểu bài, về hỏi thầy đều chỉ dạy đến khi em hiểu và làm được mới thôi.
14 năm gắn bó với trường Vi Nhân, thầy Ân xem tất cả học sinh như con của mình. Đôi mắt nhìn không còn rõ nhưng ngày ngày thầy vẫn nhận nhiệm vụ đưa đón các em khiếm thị đến trường. Sau giờ dạy buổi sáng, bất kể mưa nắng, thầy Ân rà xe máy chạy chầm chậm đi đón 3 học sinh khiếm thị học tại trường trung học cơ sở Phạm Hồng Thái về trường Vi Nhân học tiếp buổi chiều.
Cảnh thầy mờ ân cần dẫn dắt các trò mù khiến nhiều người rơi nước mắt vì khâm phục, biết ơn. Chính sự quan tâm, gần gũi của thầy đã giúp nhiều học sinh trường khuyết tật Vi Nhân đạt kết quả cao trong học tập như em Lê Đình Phùng, Nguyễn Xuân Dưng đậu Học viện âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Thanh đậu đại học Đông Á cơ sở tại Đắk Lắk…
Huỳnh Thị Trinh, hiệu trưởng trường khuyết tật Vi Nhân cho biết: Thầy Ân là thầy giáo tuyệt vời, yêu thương học sinh hết lòng. Các em nhỏ nhờ thầy đều tiến bộ học giỏi, chăm ngoan.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn