Thực hiện theo QĐ 1702 LNTC- GDĐT của liên sở Tài chính và Giáo dục, bước vào năm học 2016 – 2017, UBND huyện Thạch Hà có QĐ 1602/UBND, trong đó nêu rõ: sau khi có văn bản của các sở giáo dục về các khoản đầu năm, UBND huyện giao Phòng Tài chính – Kế hoạch và Giáo dục – Đào tạo căn cứ điều kiện, tinh hình kinh tế xã hội, đời sống dân sinh của từng vùng, từng địa phương thẩm định, rà soát cụ thể từng vùng, từng địa phương thẩm định, rà soát cụ thể từng danh mục thu, chi đề xuất UBND huyện, thường trực HĐND xem xét, thống nhất. Trên cơ sở phương án thống nhất bằng văn bản của UBND huyện, thường trực HĐND huyện các cơ sở mới được phép thu.
Dù UBND huyện triển khai các bước chặt chẽ nhưng nhiều trường vẫn phớt lờ công văn của huyện, ngang nhiên thu nhiều khoản bất hợp lý. Đơn cử, tại trường THCS Hàm Nghi, ngoài số tiền 1.750.000 bình quân mỗi học sinh phải đóng, mỗi học sinh còn phải đóng các khoản như: Tiền giữ xe đạp 50.000/ năm, xe đạp điện 100.000/năm; tiền vệ sinh 30.000/ năm, tiền nước 40.000, tiền hoạt động trải nghiệm 70.000; tiền hồ sơ lớp 6 là 30.000; tiền liên lạc điện tử 40.000, tiền học thêm 720.000/60 buổi… Trong những khoản thu trên thì có những khoản UBND huyện đã có văn bản không đồng ý nhưng trường vẫn tự ý thu.
Trường THCS Hàm Nghi (huyện Thạch Hà)
Tương tự, tại trường tiểu học Thị Trấn Thạch Hà, các danh mục nhà trường thu, tính qua cũng hơn 15 khoản, mỗi học sinh phải “cõng lưng” gần 5.000.000. Trong đó, có nhiều khoản gây “bức xúc” như: Tiền phục vụ bán trú 900.000, tiền ri - đô 50.000, tiền nước uống 80.000, tiền quỹ lớp 200.000, tiền lao động phu huynh 130.000, tiền tạp chí toán tuổi thơ 100.000, tiền hỗ trợ ngoài giờ lên lớp 120.000, tiền giấy kiểm tra 50.000, tiền hỗ trợ hoạt động ngoài giờ đội sao 120.000…
Liên quan đến các khoản thu “vô lý” này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng trường THCS Hàm Nghi. Cô Loan cho biết: Trong quá trình trình các khoản thu đến các bậc phụ huynh, nhà trường có vận động chút ít từ phụ huynh. Tất cả những khoản thu ngoài xây dựng cơ bản, tiền bảo hiểm, học phí… nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh, các khoản thu nằm ngoài quy định thì đều dựa trên tinh thần tự nguyện, có biên bản làm việc.
Cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng trường THCS Hàm Nghi phân trần với PV
Khi phóng viên tỏ ra không đồng tình với các khoản thu gồm thu tiền lệ phí nộp hồ sơ vào lớp 6; tiền vệ sinh, thu hoạt động trải nghiệm; tiền giữ xe, cô Loan phân trần: “Đây là những khoản tự nguyện, với khoản thu tiền giữ xe thì bảo vệ nhà trường dù đã có lương, tuy nhiên quá thấp (cụ thể 2,5 triệu đồng/ tháng) nên nhà trường muốn tạo điều kiện thêm cho bảo vệ có thêm thu nhập, do đó kêu gọi phụ huynh đóng góp hỗ trợ thêm”.
Thiết nghĩ, việc xã hội hóa công tác giáo dục là một chủ trương đúng nhưng không vận dụng thái quá để gây thêm gánh nặng cho phụ huynh, học sinh, đặc biệt đối với những vùng còn gặp nhiều khó khăn như huyện Thạch Hà. Đặc biệt, trong đợt lũ lụt vừa qua huyện Thạch Hà cũng là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nên đời sống nhân dân càng thêm nhiều cơ cực.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn