Nhu cầu sử dụng tai nghe của người dùng ngày càng tăng, đặc biệt là sự ưa thích của giới trẻ dành cho những dòng tai nghe có chất lượng âm thanh ổn định, thiết kế đẹp mắt, trẻ trung và có nhiều mẫu mã để chọn lựa. Đánh đúng vào tâm lý ham rẻ của người dùng, nhiều cửa hàng bán lẻ liên tục đưa ra nhiều chiêu trò giảm sốc, xả hàng để bán các phụ kiện nhái, trong đó có tai nghe mang mác chính hãng với giá tưởng chừng như rất rẻ.
Ở Hà Nội, người tiêu dùng sẽ không khó khăn bắt gặp những cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trên các đường phố. Tất cả các loại tai nghe từ rẻ tới đắt, từ sản phẩm của Sony, Beats by Dr Dre đến Apple… đều được bày bán một cách tràn lan trên thị trường. Các sản phẩm này có giá cũng rất đa dạng, có những sản phẩm chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Nhìn bằng mắt thường, các loại tai nghe nhái trở nên muôn hình vạn trạng và đạt tới mức hoàn hảo, khó thể phân biệt từ hình thức hoặc nghe thử ban đầu.
Sản phẩm được làm nhái nhiều nhất hiện nay là các loại tai nghe của Beats by Dr Dre. Với kiểu dáng bắt mắt, thương hiệu này đang được nhiều giới trẻ ưa chuộng. Các loại hàng nhái của Beats đang trở nên khá bát nháo trên thị trường. Từ các loại chỉ có giá chỉ 50.000 - 70.000 đồng đến các loại nhái cũng có giá đến 700.000 - 800.000 đồng. Trong khi với loại xịn, tai nghe này thường có giá không dưới 1 triệu đồng. Về chất lượng âm thanh, một số cửa hàng quảng cáo rằng chất âm của hàng nhái mà họ bán ra đạt đến 80 thậm chí 90% chất lượng âm thanh gốc. Thử nghiệm thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Các loại tai nghe nhái, kém chất lượng được bày bán trên thị trường chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, các loại tai nghe này có mẫu mã giống hệt tai nghe chính hãng, tuy nhiên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy chất lượng của những loại tai nghe này cũng không được đảm bảo.
Tuy các loại sản phẩm này đang tạo một phân khúc phù hợp cho người dùng có thể thưởng thức tai nghe chất lượng cao với mức giá vừa phải. Nhưng với các mô hình kinh doanh không rõ ràng về xuất xứ và phân định chất lượng, nhiều người tiêu dùng có thể là nạn nhân của những sản phẩm nhái này.
Cụ thể là gần đây, một phụ nữ người Australia trên chuyến bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới Melbourne (Australia) đã gặp phải một tai nạn với chiếc tai nghe. Chuyện là khi cô gái này đang nghe nhạc trên chuyến bay thì bỗng dưng chiếc tai nghe toé lửa rồi bốc cháy khiến cô bị bỏng rát, khuôn mặt đen xì. Dù đã nhanh chóng vứt chiếc tai nghe xuống đất nhưng tay cô cũng bị phồng rộp bởi vụ nổ từ tai nghe. Còn tại Trung Quốc, một học sinh đã bị điện giật dẫn tới tử vong khi vừa nghe nhạc vừa cắm tai nghe nghe nhạc. Nguyên nhân là do tai nghe bị chập điện, vô tình tạo thành một dây dẫn thẳng từ ổ điện tới người dùng.
Các loại tai nghe nhái, kém chất lượng được làm từ những nguyên liệu tái chế, mức độ kiểm soát hạn chế. Nút tai nghe khi dùng nhiều dễ gây ẩm tạo điều kiện cho nấm phát triển gây viêm ống tai ngoài, chàm ống tai, nhiễm nấm. Nếu đeo phải loại tai nghe thiết kế không vừa vặn sẽ gây ra đau cửa tai, đau đầu.
Theo các chuyên gia, sử dụng các loại tai nghe kém chất lượng trong thời gian dài gây ra suy nhược tế bào thần kinh trong. Nghe tai nghe nhiều giờ khiến ốc trong làm việc quá sức, giảm khả năng cảm nhận tiếng nói. Vì vậy, khi người khác nói thì có tiếng lùng bùng không nghe rõ.
Mua sản phẩm giả, nhái có thể gây hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc, người dùng trước khi mua phụ kiện nên tìm đến các địa chỉ tin cậy, kiểm tra sản phẩm kỹ càng cũng như tìm hiểu các thông tin liên quan trước khi quyết định lựa chọn.
Một trong những cách cơ bản đên phân biệt các loại tai nghe nhái đó là giá thành sản phẩm. Thông thường, những tai nghe hàng nhái dù có mẫu mã giống hệt sản phẩm thật thì giá cả của chúng vẫn chênh lệch nhau khá nhiều. Khi mua hàng nếu thấy giá thành của sản phẩm nhỏ hơn nhiều thì người mua cũng cần phải xem xét bởi khả năng sản phẩm là hàng nhái sẽ rất cao. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều sản phẩm là hàng giả, hàng nhái nhưng lại được bán ra thị trường bằng giá hàng chính hãng thì người mua cần phải dựa vào những dấu hiệu khác để phân biệt sản phẩm thật, giả như dòng in trên dây hay số serial của sản phẩm.
Các chuyên gia công nghệ cho biết, các thiết bị tai nghe chính hãng cũng được cảnh báo về mức độ giật nhẹ khi sử dụng. Thế nên việc sử dụng các loại tai nghe giả, kém chất lượng là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là sử dụng trong thời gian dài hay trong lúc ngủ.
Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng các loại tai nghe chụp và cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của sản phẩm khi mua. Điều này góp phần giảm bớt những nguy hại từ tai nghe mang lại. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sử dụng, biết sử dụng đúng cách và hợp lý, không sử dụng tai nghe trong thời gian dài, vệ sinh tai nghe thường xuyên tránh các bệnh nấm, ngứaNguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn