TT. Huế: Ồ ạt tràn về thôn quê mua cau non bán sang TQ

Thứ ba - 06/06/2017 17:28
Thời gian vừa qua, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh TT – Huế đua nhau lùng sục cau non để thu gom, bán cho thương lái Trung Quốc. Thực hư việc có xuất khẩu sang Trung Quốc hay không, ngay cả nhiều chủ buôn cũng không nắm rõ. Chỉ biết rằng, hàng chục tấn cau non đang bị triệt hạ mỗi ngày…
Tận thu cau non…

Nhiều người dân trên địa bàn thị xã Hương Trà (TP. Huế), huyện Nam Đông cho biết, tình trạng thương lái thu gom, mua cau non đã diễn ra nhiều tháng nay trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên nổi lên rầm rộ trong khoảng thời gian 2 tháng gần đây.

Công nhân đang thực hiện công đoạn tách bỏ quả ra khỏi buồng và loại bỏ quả cau già. Mỗi ngày cơ sở này thu mua hàng trăm buồng cau non

Điều đặc biệt, so với giá cả những năm trước đây, năm nay các thương lái mua cau ngay từ đầu mùa với giá cao hơn 5 – 7 ngàn đồng so với những năm trước.

“Nhà tôi có mấy cây cau mới cho ra quả, thấy thương lái trả được giá nên tôi bán và thu được gần 2 triệu đồng. Tính ra, mỗi kg cau non cũng bán được 13 – 14 ngàn đồng” - anh Sang (trú tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông) cho biết.

Cũng theo một số người dân trồng cau tại huyện Nam Đông, các chủ buôn người Hải Phòng, Hưng Yên…sau khi lùng sục các nhà dân để mua cau non, họ chở hàng chục tạ cau về tại các cơ sở thu mua tập trung tại xã Hương Lộc, Hương Hòa, sau đó xuất đi đâu không ai rõ.

Trong khi đó, tình trạng thương lái tìm mua cau non trên địa bàn TP Huế và các huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà thời gian qua cũng trở nên rầm rộ.

Ghi nhận của PV cho thấy, mỗi ngày, hàng chục tấn cau non được “vặt” khỏi cây và được đầu nậu đưa về tập trung tại các điểm thu mua lập sẵn.

Tại những điểm này, hàng ngàn quả cau còn để nguyên buồng, nằm chỏng trơ chờ xe đến thu gom.

Một người dân tại phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) cho hay, bình thường mỗi năm, sau tháng 9 thì cau mới bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, việc thu mua cau non của các thương lái với mức giá cao, tính ra bán lãi hơn nhiều so với cau đến vụ nên người dân trong vùng đua nhau hái bán.

“Có những gia đình trồng nhiều, mỗi lần bán cau non cũng thu về cả chục triệu đồng mà chi phí bỏ ra thì rất ít. Việc họ mua làm gì chúng tôi cũng không cần biết, chỉ biết mình bán được cau non và thu tiền thôi anh ạ” – chị Nguyễn Hương (trú phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) cho biết.

Bán sang Trung Quốc làm kẹo?

Trên thực tế, việc hàng chục thương lái đồng loạt rải đi khắp các địa phương để thu mua cau non với giá “ngất ngưởng” khiến nhiều người cảm thấy “lạ” và bất ngờ.

Hình ảnh công đoạn luộc cau, sơ chế trước khi đóng gói, bán sang Trung Quốc

Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn, ngay cả người dân và thương lái trực tiếp mua – bán cau cũng không hề hay biết mục đích của các chủ buôn mua cau non để làm gì.

Ông Phạm Văn Nghiêm, Tổ trưởng tổ dân phố 7 (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) xác nhận: “Cách đây khoảng tháng rưỡi, các lái buôn bắt đầu đi thu mua cau non. Cau già họ không mua. Chỉ những trái cau chưa lột, còn non mới được giá. Giá dao động từ 7.000 – 12.000 đồng/kg (kể cả cuống buồng).

Tôi cũng không biết họ mua để làm gì, chỉ thấy được giá là tôi bán. Bà con xung quanh đây cũng bán nhiều lắm”.

Theo một người dân địa phương đi thu mua cau, cách đây gần hai tháng, giá cau nhập cho các thương lái chỉ 10.000/ kg nhưng mấy tuần gần đây, họ nhập với giá 14.000 -15.000 đồng/kg.

Hàng ngày, những người lái buôn cau sẽ tỏa đi khắp nơi để lùng sục, thu mua cau non. Hễ nhà nào có cau là họ vào hỏi mua rồi về nhập lại cho một đầu mối với giá cao hơn để kiếm tiền chênh lệch.

“Tôi chỉ mua cau ở người dân rồi nhập cho lái buôn, việc họ sử dụng cau non làm gì, bán sáng Trung Quốc hay không thì tôi không biết” – người phụ nữ mua cau cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, ngày 6/9, chúng tôi đã có mặt tại một cơ sở đầu mối thu mua cau non trên địa bàn phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà). Chủ cơ sở là một người đàn ông quê Hải Phòng.

Cơ sở này có rất nhiều nhân công đang làm việc. Theo đó, mỗi buồng cau non sau khi được thu mua và đưa về tập kết tại đây sẽ được sơ chế qua nhiều công đoạn trước khi đưa vào đóng gói để xuất sang Trung Quốc.

Ghi nhận của PV cho thấy, cau non sau khi được mua về, sẽ có 3- 4 người thực hiện hiện loại bỏ những quả già, bóc tách từng quả ra khỏi buồng rồi đem vào nồi luộc, sấy khô rồi đóng bì.

“Tất cả cau non sau khi sấy khô, được đóng gói vào bì và chúng tôi sẽ cho xe chở ra Bắc để bán sang Trung Quốc” - người đàn ông quê Hải Phòng cho biết.

Cũng theo lí giải của người này, cau non sấy khô được bán sang Trung Quốc để làm kẹo cau hoặc dùng để ăn trong những ngày lạnh (?!)
Theo Quang Thanh Vietnamnet

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây