TP.HCM: Bốn đơn vị cùng quản lý, kênh rạch vẫn ô nhiễm

Thứ bảy - 10/06/2017 09:43
Những bất cập trong công tác quản lý đã góp phần vào việc ô nhiễm và suy giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước sông, kênh rạch tại TP.HCM.
Đứng trước thực trạng cấp bách về tình hình ô nhiễm và sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước, sáng 18/12, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức hội thảo “Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM”.

Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cấp quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường từ các Viện nghiên cứu, trường ĐH cũng như một số hộ dân tiêu biểu ở 24 quận  huyện.

Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm, những ảnh hưởng của chất thải ô nhiễm từ hệ thống sông, kênh, rạch đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, hội thảo cũng nêu lên những khó khăn trong việc quản lý và những giải pháp cho việc cải thiện nguồn nước tuyến tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. 

Chất lượng nguồn nước hệ thống sông, kênh rạch tại TP.HCM đang bị ô nhiễm và suy giảm nghiêm trọng.

Vấn đề ô nhiễm nước kênh, rạch tại các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM là vấn để đã được cảnh báo từ rất lâu. Dù nhiều giải pháp đã được triển khai áp dụng nhưng đến nay, chất lượng nước kênh rạch vẫn chưa được cải thiện đáng kể, mùi hôi từ bùn lắng đọng khi nước ròng, rác nổi khi nước lớn vẫn còn tồn tại, làm mất vẻ mỹ  quan của TP.HCM, một TP năng động với các hoạt động thu hút khách du lịch mạnh mẽ.

Có thể nói, hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn TP như thoát nước mưa, cấp nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp, phát triển giao thông đường thủy….

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, cộng với tốc độ gia tăng nhanh của  dân số, đô thị hóa, phát triển công nghiệp… đã khiến cho tình trạng lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh rạch xảy ra rất nhiều.

Điều này làm cho cho lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí bị khai tử và là nơi phát sinh hành loạt dịch bệnh, gây nguy hại cho đời sống, sức khỏe của người dân.

Đáng nói hơn, thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý kênh rạch hiện nay. Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho thấy, trên toàn địa bàn TP có tổng thể 3.268 tuyến sông, kênh rạch với tồng chiều dài hơn 5.000 km nhưng có đến 4 đơn vị cùng đang quản lý.

Cụ thể, Khu quản lý thủy nội địa quản lý 112 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 975km. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2.247 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng gần 3.000 km. Trung tâm chống ngập quản lý 680 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 845 km. Còn lại UBND quận, huyện quản lý 229 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 331 km.

Bất cập hơn, 4 đơn vị nói trên chỉ quản lý khai thác, sử dụng và cấp phép xả thải ra sông, kênh rạch, còn chất lượng nguồn thải không đảm bảo yêu cầu thì lại do Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm. Điều này đã dẫn tới thực tế là Sở Tài nguyên & Môi trường không nắm rõ đối tượng xả thải vào nguồn nước nên không thể lên kế hoạch kiểm tra định kỳ.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành và có hiệu lực, trong đó có quy định xử phạt về về hành vi vi phạm xả thải của người dân xuống hệ thống kênh rạch. Thế nhưng, Luật lại không quy định rõ đơn vị nào có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt, gây lúng túng cho phía chính quyền địa phương.

Trao đổi tại hội nghị, TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Tài nguyên & Môi trường, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước tại TP.HCM là một chương trình có tính lâu dài, toàn diện. Muốn làm được điều này, không phải chỉ có sự cố gắng từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mà còn phải từ ý thức của người dân.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng mạng lưới thu gom rác, tăng cường các biện pháp quản lý, đăng ký xả thải vào nguồn nước…, cũng cần phải có thêm những biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục và xử phạt đến với người dân một cách kịp thời.

Theo Thiện An Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây