Khi ấy chưa có các trang mạng xã hội và blog rầm rộ, nên hằng tuần những bài tản văn ngắn như Ai cho mày chê con tao xấu, Gửi Đoàn của tôi, Nhân trường hợp chị Thỏ Bông, Nhật ký (gã) đào đường... thành một thức ăn nuôi độc giả đặng tiêu hóa những vấn đề thời sự.
Những vấn đề có khi cũng nhỏ thôi, nhưng người viết đã mở ra vô số cánh cửa, cánh nào cũng hứng gió ào ạt về.
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Thuận Thắng |
Sau mười năm, đọc lại những tản văn ấy giữa bối cảnh ai cũng có thể viết tản văn và tự xuất bản trên trang mạng cá nhân, vẫn dễ thấy chúng có một vị trí riêng biệt. Có điều đọc lại có khi thấy đau lòng hơn xưa, cái lúc đây đó vẫn phập phồng nghĩ: viết sắc sảo vậy, phản hồi dư luận nồng nhiệt thế, hẳn những tiêu cực ấy chắc sẽ được giải quyết.
Bây giờ thì dễ nhất là... thở dài! Điều ấy càng chứng tỏ viết được những bài như Thảo Hảo cần một khả năng nhìn xa hơn giới hạn của thể loại. Tản văn phải càn lướt được tính thời sự, mà nhiều người hay nương vào những trải nghiệm cá nhân có tính tự sự trữ tình để gánh đỡ cho cái khô khan thông tấn kia.
Nhưng Phan Thị Vàng Anh - tức Thảo Hảo, tức An Bàng - không thèm nhờ hay nương cái gì hết (thậm chí mổ xẻ chính cảm xúc của mình, như người vừa tỉnh bơ nói năng vừa tự phẫu thuật tim ruột mình, ví dụ Thắc mắc thời bình). Chỉ bảy tám trăm chữ, quá lắm là một ngàn chữ, với một sự kiện đinh, không gì ngoài chuyện thời cuộc, mà Vàng Anh trần mình ra chế biến.
Khi đọc những tản văn đình đám ấy vào khoảng gần chục năm trước, người ta có thể vập ngay vào được như món nóng sốt và khoái trá kinh khủng, ồ lên, xuýt xoa lên. Bây giờ thì khó mà thế, nhưng đọng lại nơi người đọc một giá trị thâm sâu hơn, truyền thống hơn: giá trị văn chương của chúng.
Người ta có thể nói Vàng Anh không khoan nhượng, Vàng Anh khe khắt, Vàng Anh đanh đá, nhưng vấn đề mấu chốt là Vàng Anh ý thức cao độ về ngôn từ. Khi đã lùi xa khỏi sự kiện, tản văn của Phan Thị Vàng Anh là những bài học về phép ứng xử với cuộc sống, với chữ nghĩa, những thứ xem ra giới viết đã bàn nát nước nhưng làm được như thế lại là một chuyện khác, đòi hỏi không được buông tha sự quyết liệt của chính mình. Sự quyết liệt mà đa số chúng ta, sểnh ra là xẹp.
45 câu chuyện và một bức tường Cùng lúc với tập Tạp văn Phan Thị Vàng Anh, 45 truyện ngắn mà Vàng Anh đã viết trong sự nghiệp văn chương của mình lần đầu tiên được tổng hợp lại thành một tập hoàn chỉnh. Ra đời vào giai đoạn văn chương trẻ của Việt Nam được coi là “được mùa” nhất (khoảng năm 1991), Khi người ta trẻ, Hội chợ, Hoa muộn, Có con... của Vàng Anh đột ngột bước ra khỏi phong cách, kỹ thuật, cả về tư tưởng của những người viết cùng thời. Ở đó - trong những truyện rất ngắn không thể cô đọng hơn, sắc nét đến được coi là “lạnh” - mỗi vấn đề được nói đến như một nét cọ đậm màu, làm thay đổi cục diện, cung cấp cách nhìn khác về những bức tranh vốn lòa nhòa màu sắc, vẽ cuộc sống của người trẻ với những nỗi buồn nhàn nhạt, những con đường sống lơ mơ, những thái độ yêu ghét nửa vời... Những nét cọ đậm màu ấy qua mỗi truyện ngắn, dần hiện lên một cách tự nhiên trong lòng người đọc - trên một bức tường vững chãi mà họ xây dựng, ẩn chân dung của một con người sống đâu đó giữa những tác phẩm của Vàng Anh: sống quyết liệt, tự trọng, kiêu hãnh và tràn đầy tình cảm. Vào lúc “người vẽ” bỏ đi mua đất “cất chòi” mới với thơ, phim ngắn, tạp văn... thì ở nơi cũ, bức tường kia càng được củng cố mạnh mẽ hơn, dù 15 năm nay không ai (kể cả tác giả) nghĩ đến việc in lại những truyện ngắn này. Trong giai đoạn xã hội chuyển đổi dữ dội này, khi người ta đang sống thiếu sinh khí hơn, buồn chán nhiều hơn, cô đơn hơn ngày xưa... thì vui (và may) thay, 45 truyện ngắn ấy đang một lần nữa bước vào cuộc sống trở lại... - (Đỗ Du) |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn