Bạn tôi định cư ở Australia ngót nghét cũng đến gần 20 năm. Lâu rồi chị mới có dịp về quê hương ăn Tết cùng gia đình. Vừa gặp mặt bạn bè, chị than thở rằng, sao cùng là người Việt mà văn hóa đi chùa khác nhau quá.
Người Việt ở Australia đi chùa không phải là để cúng bái hay cầu xin. Họ đến chùa là như một lần được trở về với không gian ấm cúng của quê hương, để học cách sống thiện tâm, thành người chân-thiện-mỹ, đưa triết lý đó vào cuộc sống.
Chị nói: “Đến các chùa, thấy ai cũng cố phải đặt bằng được tiền vào tượng phật mà thấy lạ lùng. Tiền rơi cả xuống đất, bất chấp, coi như thế là an lòng, thành tâm đến với Đức Phật. Có cúng tiền thì mới được Đức Phật chứng giám lòng thành".
Chị tâm sự, chuyện gia đình người em trai đi dâng sao giải hạn cũng làm chị ngạc nhiên không kém, bỗng chốc mất 17 triệu đồng. Người chồng được thầy phán là năm nay sao nặng giải hết 6 triệu, sao nhẹ hết 2 triệu.
Tôi trộm nghĩ, chẳng cứ đâu xa, nhìn biển người đến dâng sao ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) mới thấy sự lo sợ vô hình đang ám ảnh trong tâm tưởng không ít người dân, nhất là các bạn trẻ.
Người dân tràn ra đường trong một buổi dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. Nguồn ảnh: Báo giao thông
Sư thầy Thích Giác Nguyên nói rằng, người ta lo ngại ai không làm lễ dâng sao giải hạn là tâm cả năm không yên. Đi đường chẳng may đụng xe, ngã nhẹ thì cũng an ủi là đã dâng sao giải hạn, nếu không thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra. Thế là tin. Không dâng sao giải hạn thì ngã nặng lại đổ cho tại không thành tâm. Tâm không an thì làm việc gì cũng lo ngay ngáy, làm sao tĩnh tâm để làm việc cho tốt.
Tam tạng kinh điển Phật giáo không đề cập đến cúng sao giải hạn. Đức Phật cũng không dạy đệ tử về việc này? Vậy, vì sao ở các chùa vẫn diễn ra việc dâng sao, giải hạn? Không ít sư trụ trì các chùa đã giải thích rằng, do nhu cầu của người dân và nghi lễ này là tín ngưỡng dân gian.
Và chính cái gọi là “tín ngưỡng dân gian ấy” đã biến nhiều người trở thành “tín đồ mê muội”. Dư luận đã từng ngỡ ngàng khi thấy sư thầy ở chùa này chạy xe SH, sư thầy ở chùa kia đi xe đắt tiền như Ford Mustang… dùng điện thoại có giá trị đến hơn nửa tỷ đồng. Có sư thầy còn khoe toàn bộ tài sản sang trọng của mình lên facebook.
Ai là người tài ba đến mức có thể “giải hạn tập thể” cho cả vài nghìn người? Rồi cứ nghĩ “đến chùa cầu cúng là được Đức Phật ban phát cho lộc, làm đâu trúng đó”. Nói như cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ thì đó là một sai lầm lớn nhất khi đến chùa. Phật không ban lộc cho những người dâng lễ nhiều. Những người nghèo chẳng lẽ Phật không ban phước, ban lộc?
Cổ nhân có dạy rằng: Gieo nhân nào gặt quả đó. Ở đời, không ai không làm mà lại được hưởng thành quả do người khác đem lại. Sống ở đời mà luôn làm việc ác, mong sao được hưởng thiện, phúc?
Đến lễ chùa chính là để tâm tĩnh, hướng đến việc thiện, tránh xa cái ác. Phật ở trong tâm. Đạo Phật ra đời mục đích là để khuyên con người hướng thiện, làm điều lành, lánh xa điều dữ.
Nếu cứ để nỗi sợ hãi vô hình ám ảnh trong trong tâm tưởng thì làm sao có niềm tin. Niềm tin của con người do chính mình tạo nên, đâu phải cứ cầu với vái là có được.
Hòa thượng Thích Thanh Duệ cho hay: Họa và phúc đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn