Thương hiệu kẹo cu đơ Hà Tĩnh được nhiều địa phương biết đến.
Trong các sản phẩm của Hà Tĩnh, chỉ duy nhất có kẹo cu đơ là quen thuộc tại thị trường 4 tỉnh: Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Tĩnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã chú trọng vào việc xây dựng uy tín và quảng bá thương hiệu. Các mặt hàng còn lại tồn tại một cách hắt hiu, trong đó Công ty Thủy sản Nam Kỳ Anh đã chấm dứt hợp đồng do không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Điều này sẽ là bình thường nếu các doanh nghiệp của tỉnh không thể sản xuất được, đằng này các sản phẩm trong tầm tay nhưng các cá nhân, tổ chức lại không biết nắm bắt để vào cửa siêu thị. Rau, củ, quả, nước mắm… là những mặt hàng như vậy. Và, Co.op Mart hiện vẫn còn nhiều khoảng trống ở lĩnh vực này.
Nhà phân phối... bó tay
“Từ đầu năm đến nay, siêu thị đã tiêu thụ khoảng 5-7 tỷ đồng từ các mặt hàng rau, củ, quả. Lượng hàng này chủ yếu được nhập về từ Đà Lạt nên chi phí vận chuyển khá lớn. Biết vậy, nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khả dĩ hơn. Thiếu hụt rau củ quả, chúng tôi phải hợp đồng với các tư thương của Hà Tĩnh” - Giám đốc Co.op Mart - Văn Quốc Hoàn cho hay.
Do ảnh hưởng của tình hình lạm phát kéo dài, sức mua của siêu thị từ đầu năm đến nay bị giảm sút; tăng trưởng chỉ đạt hơn 20% so với mức gần 40% như những năm trước, ngày 14/6/2012, Co.op Mart đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt các nhà sản xuất trên địa bàn để tiếp cận với nguồn cung, đồng thời giúp các cá nhân tiêu thụ sản phẩm. Kết quả thu được thật đáng buồn. Trong số 16 doanh nghiệp đã ký kết cung cấp các sản phẩm cho siêu thị thì các doanh nghiệp nước mắm, đồ mộc… đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các nhà sản xuất thờ ơ? Không khó tìm câu trả lời. Đó là thủ tục pháp lý. Để qua “cửa ải” siêu thị, ngoài việc cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, các thủ tục thuế thì giấy phép VSATTP được coi là yếu tố trở ngại lớn nhất. Thêm nữa, tư tưởng kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì” vốn đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng nhà sản xuất trên địa bàn. Nghĩa là kinh doanh theo kiểu chụp giựt, “tiền trao cháo múc” mà không hề nghĩ đến lợi thế lâu dài là “lời ít nhưng nhiều người mua” nhờ quảng bá thương hiệu qua kênh siêu thị để tìm kiếm khách hàng.
Theo baocongthuong.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn