Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới Bệnh viện Quân y 103 thăm hỏi và tặng quà cháu Lý Chương Bình - bệnh nhân được ghép phổi từ người cho sống thành công đầu tiên tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe của người bố và người bác ruột đã hiến tặng một phần cơ thế mình để hồi sinh sự sống cho con trai và cháu ruột của mình.
Trước đó, ngày 21/2, ca ghép phổi thành công từ người cho sống đầu tiên diễn ra tại Bệnh viện 103. Ca mổ kéo dài khoảng 11 giờ với sự tham gia của các chuyên gia tới từ Nhật Bản và hơn 100 nhân viên y tế của Học viện Quân y 103.
3 kíp mổ hoạt động đồng thời, trong đó 2 ca lấy thùy dưới phổi của bố và bác ruột để thay thế cả 2 lá phổi cho bé. Hiện sau mổ tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhân diễn tiến rất tốt.
Từ ngày biết tin cháu Ly Chương Bình (7 tuổi, Quản Bạ, Hà Giang) chuẩn bị được ghép phổi, cả gia đình cháu cùng xuống Hà Nội. Trong phòng bệnh dành cho hai bệnh nhân hiến phổi (là bác ruột và bố ruột bé) có đầy đủ bà ngoại bé Bình, mẹ bé, mẹ vợ của bác trai ruột… Tất cả đều rất phấn khởi, bởi từ nay bé Bình đã khỏe lại, có thể đi học, tăng cân, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.
Các bác sĩ tiến hành ghép phổi cho bé Bình. Ảnh: BVCC.
Bà Chạo Thị Mười (SN 1951) – bà ngoại bé Bình xúc động đến mức ai hỏi điều gì bà cũng một câu cảm ơn tới các y bác sĩ trong và ngoài nước đã ghép phổi cho cháu ngoại của bà. “Giờ thì cháu tôi đã khỏe lại rồi!” – bà Mười nhắc đi nhắc lại.
Bình là con trai thứ 2 trong gia đình. Chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình cho biết, khi mới hơn 2 tháng tuổi, Bình bắt đầu ốm nặng nhưng tới 3 tuổi anh chị mới đưa con đi viện khám, khi đó bé đã bị viêm phổi, ho hen thường xuyên. Điều trị ở viện 1 tuần mãi không khỏe, anh chị đưa con về nhà, hái thuốc Nam uống nhưng bé không khỏi hẳn. Đặc biệt cứ vào mùa Đông lại càng ốm nặng hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thăm và tặng quà cho anh Lý Cù Giang (bố ruột bé Bình). Ảnh: V.Thu.
Đến năm 2016, Bình bắt đầu ốm nặng hơn, gia đình chị Tâm đưa con đi viện tỉnh, điều trị hơn 2 tuần hết tình trạng cổ khò khè, anh chị lại đưa con về nhà.
“Không biết con ăn phải cái gì lại tái phát, tôi lại lại đưa con về viện tỉnh, hơn 2 ngày sau, các bác sĩ chuyển lên BV Nhi Trung ương. Nằm ở đó được 1 tháng thì thẻ hết hạn BHYT, gia đình xin bệnh viện cho con chuyển tuyến xuống BV 103. Con lại nằm viện được 1 tháng, gia đình lại ngược về Hà Giang. Sau đó các bác sĩ bảo phải ghép phổi mới cứu sống được bé. Tốt nhất là phổi của người khỏe mạnh trong gia đình” – chị Tâm nói.
Đôi vợ chồng trẻ này cho biết, anh chị chỉ mong ước con mình nhanh chóng bình phục để đi học. Năm 2016 cháu đã đến tuổi vào lớp 1 rồi nhưng do ốm yếu nên cháu không đi học được.
Trong thời gian ở nhà, các bác sĩ ở Bệnh viện 103 liên lạc gia đình hỏi thăm sức khỏe bé Bình thường xuyên. Chị Tâm xúc động nhớ lại, khi gia đình bàn bạc chuyện lấy phổi ở đâu để ghép cho con, bất ngờ anh trai chồng cũng đồng ý rất nhanh mà không suy nghĩ.
“Vậy là em, chồng em và anh trai chồng cùng đi đăng ký. Sau rất nhiều lần xét nghiệm, chỉ có bố cháu và bác ruột được hiến phổi cho con. Sau đó, các bác sĩ đã cho xe lên đón em bé xuống để ghép phổi” – chị Tâm nhớ lại.
Trước khi lên bàn ghép, Bình được chẩn đoán bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai bên phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3.
Bộ trưởng vào tận buồng bệnh đặc biệt thăm bệnh nhi Ly Chương Bình.
Anh Ly Cù Toàn (SN1987) - bác ruột cháu Bình.
Anh Ly Cù Toàn - người bác ruột cháu Bình rất xúc động khi lần đầu tiên được gặp Bộ trưởng Bộ Y tế. Tâm sự với Bộ trưởng, anh Toàn cho biết, anh đã có hai con (1 trai, 1 gái), khi biết tin cháu Bình cần ghép phổi, anh đã tự nguyện hiến cho cháu để cứu sống cháu.
“Cháu của mình bị bệnh, thương lắm! Lúc đầu em cũng hơi lo lắng, sợ, nhưng các bác sĩ động viên, phân tích nên cũng yên tâm. Phổi lấy đi một phần rồi lại giãn ra, không sao!” – anh Toàn nói.
Anh Toàn cũng cho biết, trước đây anh cũng đã nghe nói đến hiến tạng ở trên đài, trên tivi. Bản thân anh cũng muốn hiến tạng cho những ai cần, kể cả người dưng, nhưng không biết làm thế nào. “Biết thế thôi chứ tôi cũng không biết ghép tạng nó hình thù ra sao!” – anh Toàn thật thà chia sẻ.
Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của các bệnh nhân, Bộ trưởng cũng động viên hai gia đình chỉ nên dừng lại ở 2 con, kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con khỏe mạnh.
Hiện nay, hai bệnh nhân cho phổi đã có thể ăn uống bình thường. GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, cháu Bình đã hồi phục, thậm chí còn giơ tay bắt, nói được. Theo GS Quyết, với tình hình của cháu Bình như hiện nay thì có thể nói là ca mổ đã rất thành công.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.
“Đây là một sáng tạo, quyết tâm rất cao, trong sự tranh thủ hỗ trợ hợp tác của bạn bè quốc tế” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống. Bộ trưởng cũng khẳng định đây là thành tích đáng tự hào đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý đến nhu cầu ghép tạng của Việt Nam hiện rất lớn, tuy nhiên, nguồn tạng được hiến (đặc biệt từ người chết não) vẫn còn rất ít ỏi, vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ về ý nghĩa của việc hiến tạng. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, Bệnh viện cần có mối liên hệ chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng để có nguồn tạng ghép cho bệnh nhân.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn