Đoạn kết xót xa của một nữ bộ đội Trường Sơn
Có người lập gia đình, cuộc sống ấm êm, con cái thành đạt, nhưng vẫn còn đó không ít những trường hợp cuộc đời dang dở, không may mắn, luôn phải gồng mình chống chọi với bệnh tật, với cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Câu chuyện về nữ bộ đội Trường Sơn Trần Thị Hải (ở xóm 4, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là một trong những cảnh đời xót xa như thế.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, bom đạn quân thù dày xéo quê hương. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thiếu nữ Trần Thị Hải cùng biết bao bạn bè cùng trang lứa đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 4, Sư 470 thuộc Quân đoàn 9 - Binh đoàn 12, làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (hay còn gọi là đường 14 từ Đắk Lắk vào đến Sông Bé).
Mỗi bước đi trên đường Trường Sơn ngày ấy đều trong bom rơi đạn nổ, khói lửa ngút trời, cái chết luôn cận kề rình rập nhưng bà Hải cùng với đồng đội vẫn kiên cường bám trụ “một khắc không đi, một tấc không dời” để đào đất, phá bom, san đường cho những chuyến xe ra tiền tuyến, góp phần làm nên những chiến thắng thần kỳ, giang san thu về một mối.
Năm 1984, bà Hải phục viên trở về địa phương, tham gia lao động, sản xuất xây dựng quê hương rồi phải lòng và kết hôn với người con trai cùng làng. Hai đứa con một trai, một gái lần lượt ra đời, những tưởng bà Hải sẽ có được một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn.
Thế nhưng, niềm vui, hạnh phúc chưa được “tày gang” thì cuộc hôn nhân đổ vỡ. Người chồng ra đi để lại cho bà Hải 2 đứa con thơ, khó khăn, vất vả là thế nhưng người cựu bộ đội Trường Sơn ấy vẫn không một lời than vãn mà cam chịu tần tảo vượt qua mọi khó khăn để chăm lo gia đình, nuôi con cái trưởng thành. Người ta thường nói “cây muốn lặng mà gió chẳng ngưng”, éo le cho số phận, lớn lên người con trai lại bỏ mẹ theo cha, đẩy bà Hải rơi vào hụt hẫng.
Trong căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, còn lại hai mẹ con với những “bữa cơm, bữa cháo” nương tựa lẫn nhau qua ngày. Năm 2006, thấy trong người uể oải, đôi bàn chân khó di chuyển, hai mẹ con bà Hải phải chạy vạy, vay mượn tiền của anh em, bà con lối xóm để đi thăm khám và rồi phải đối mặt với cú sốc tinh thần vì căn bệnh viêm tủy sống.
Bà Trần Thị Hải nghẹn ngào: “Thăm khám từ bệnh viện huyện, xuống tỉnh rồi ra trung ương, bác sỹ kết luận bị viêm tủy sống, muốn chạy chữa, ghép tủy chi phí phải hết 500 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ con côi cút, kiếm ăn từng bữa, đi viện còn phải vay thì lấy mô ra số tiền lớn như rứa để chữa trị. Thôi thì đành nhắm mắt cam chịu để cho đôi chân liệt dần và chịu ngồi xe lăn do bà con chòm xóm thương tình mua cho”.
Từ căn bệnh viêm tủy sống không có tiền chữa trị đã biến chứng ra nhiều bệnh khác. Đặc biệt, bà thường xuyên bị tụt huyết áp nên lúc nào cũng phải có thuốc bên mình. Bà bảo: “Sống được đến bây giờ là nhờ vào uống thuốc, mỗi lần mua là mất cả tiền trăm, nhiều khi không đủ tiền chỉ biết cắn răng chịu đựng rồi ngất đi lúc nào không biết. May có con gái và bà con chòm xóm phát hiện đưa đi trạm xá kịp thời”.
Dẫu trên mình nhiều bệnh tật, không thể đi lại như người thường nhưng bà Hải vẫn không chịu khuất phục trước hoàn cảnh mà kiên cường, lạc quan. Dường như tinh thần của người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã tiếp thêm sức mạnh cho bà. Hàng ngày, bà vẫn thường phụ giúp con gái nuôi gà, trồng rau, chăm chút ít cây táo, cây ổi trong vườn để có thêm thu nhập và trang trải khoản nợ mấy chục triệu vay mượn của bà con trong làng.
Bà nói: “Ngày trước, trong chiến trường chết hụt vài lần rồi, bom đạn quân thù còn xem nhẹ thì bệnh tật mình phải cố mà sống, là chỗ dựa tinh thần cho con”.
Ông Nguyễn Văn Tuệ - xóm trưởng xóm 4, xã Mỹ Thành cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Hải thuộc diện đặc biệt khó khăn, bản thân lại mang bệnh tật. Chính quyền địa phương, cấp ủy ban, xóm thường xuyên thăm hỏi, động viên và đã làm cho bà hưởng chế độ người khuyết tật. Bà cũng rất nghị lực, nhưng từ khi cô con gái đến tuổi rồi cất bước theo chồng, cuộc sống quá khó khăn cô cùng chồng phải từ biệt quê hương Nam tiến (vào miền Nam) tìm kế “mưu sinh” thì bà Hải cũng phần nào xuống tinh thần. Sống một mình không người thân, nhưng bà rất sạch sẽ nên dẫu không đi lại được nhưng bà vẫn gắng sức để lao động, quét nhà chăm vườn. Bà con lối xóm ai cũng nghèo cả nên thường ngày qua thăm hỏi, động viên tinh thần chứ không giúp được gì nhiều”.
Năm nay bà Hải đã sắp bước vào tuổi 60, cái tuổi đáng lẽ ra được an nhàn, nhưng bà lại một mình cô đơn trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Tiếp chuyện và nhắc đến cuộc đời đầy éo le giọng bà như nghẹn lại. Những tiếng nấc đứt quãng khi nhắc đến ước mơ của bà khi đến tuổi xế chiều: “Giờ bản thân số phận như trời định, tôi chỉ mong ước sao có ít tiền để sửa lại căn nhà cấp bốn đã làm hơn 20 năm trước để có chỗ che nắng, che mưa những ngày cuối đời. Bệnh tật thế này không biết ra đi khi nào”.
Nghe chuyện đời và ước mơ cuối cùng của nữ cựu bộ đội Trường Sơn Trần Thị Hải mà chúng tôi không khỏi xót xa. Mong rằng, bằng sự đồng cảm, sẻ chia cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm xin hãy chung tay giúp đỡ để bà Hải có thêm điều kiện thuốc thang, duy trì sự sống và cũng thực hiện được ước mơ cuối cùng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn