Ở xứ sở nông nghiệp với nhiều tai ương, biến cố, cư dân đã gửi gắm nỗi niềm, ước vọng vào hệ thống thần linh được tôn sùng, xưng tụng. Tính đa thần trong tín ngưỡng của người Việt đã phản ánh rõ nét tâm thức, nỗi niềm của những con người lập quốc từ nghề nông. Và bởi xuất phát từ nghề nghiệp với đặc trưng theo “tiết” (thời tiết), cư dân đã chọn thời điểm để tế lễ, đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Lễ hội từ đó mà hình thành.
Lễ rước trang trọng, tôn nghiêm, mang đầy đủ ý nghĩa lễ hội dân gian tại đền Hương Nao (xã Thạch Tân - Thạch Hà). |
Vào mùa xuân và thu, khi công việc đồng áng rảnh rỗi, người dân đã lập nên lễ hội nhiều nơi. Vùng Kinh Bắc thường truyền khẩu: “Mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu nhớ về hội Gióng”. Ở Hà Tĩnh, lễ hội tập trung nhiều vào tháng Giêng và tháng 6 (chủ yếu là lễ Kỳ phúc lục ngoạt). Bên cạnh đó, còn có nhiều lễ hội được tổ chức vào ngày húy kỵ của các danh nhân, những tên tuổi vì dân, vì nước.
Về lễ hội, mỗi vùng thường có mỗi lễ hội riêng. Ngoài phần tế lễ mang ý nghĩa tạ ơn và xin thần thánh bảo ban, phù trợ là phần hội, gồm các hoạt động vui chơi, giải trí hết sức phong phú. Có thể nhận thấy rõ điều này ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh với 28 lễ hội lớn, tiêu biểu như: lễ hội cầu cho biển yên, thu được nhiều cá - lễ cầu ngư (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên, Cương Gián - Nghi Xuân); lễ tạ nhân thần (Lê Khôi ở Thạch Hà); lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng, tôn giáo (lễ hội chùa Hương); hội xuân ở Trung Lễ (Đức Thọ)… Ở các lễ hội này, cư dân đã tổ chức nhiều hoạt động quen thuộc như: đua thuyền, thi đấu cờ người, đi cà kheo, kéo co, vạt cù, văn nghệ dân gian, kể vè trình nhật… Các hoạt động này vừa thể hiện niềm vui thỏa thích của dân gian, vừa là kênh giao lưu, cộng cảm giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Sức lan tỏa của lễ hội vì thế được mở rộng.
Trong tính nguyên thủy của nó, lễ hội là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và phần trần thế. Hai yếu tố này tuy khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ. Lễ dù là phần cung kính, thể hiện tâm thành, ý tốt đối với các thế lực siêu nhiên và có lễ thể hiện ý thức nguồn cội rõ nét (thờ nhân thần) nhưng thực chất cũng là phục vụ cho phần tinh thần của con người tại thế. Phần hội được biểu hiện như sự buông xả trong niềm vui dân gian, chừng mực nào đó là cách giải tỏa khỏi các bế tắc, cấm kị trong đời sống (rõ nhất là các lễ hội phồn thực).
Sự biến đổi của lễ hội ngày nay
Từ chỗ là hình thức sinh hoạt văn hóa xã hội phân bố theo không gian, được tổ chức trong phạm vi nhất định, ngày nay, nhiều lễ hội đã phát triển trên quy mô rộng, thu hút người dân tứ phương. Đi cùng với sự thay đổi ấy là hệ thống dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân. Với tâm lý “đầu năm đi lễ”, “đầu năm cầu phúc”, người dân đã nô nức đi lễ đền, chùa, nhất là tại các đền, chùa nổi tiếng linh thiêng. Tại đây, hệ thống dịch vụ như: bãi đỗ xe, hệ thống cáp treo, quầy hàng bán đồ lễ, đồ tế lễ, lưu niệm, ăn uống… được hình thành, phát triển.
Nghi thức cúng tế Đền Đương cảnh Thành hoàng thôn Thọ xã Thạch Tiến (Thạch Hà) |
Không thể phủ nhận hiệu quả của các loại hình dịch vụ này, song, sự lộn xộn là một thực tế rõ ràng. Thậm chí, một số loại hình dịch vụ được bố trí sát với nơi thờ tự đã thực sự “xâm thực” chốn linh thiêng, làm cho chốn thâm nghiêm nhốn nháo như nơi trần thế. Cha ông xưa luôn suy tính kỹ càng và ứng xử một cách có quan niệm về việc chọn địa thế dựng các điểm thờ tự, bởi thế, chùa Hương nằm ở thế đắc địa, cách xa nơi sinh hoạt cõi trần, như chạm đến tầng mây. Ấy vậy nhưng, những nơi này đang bị các loại dịch vụ kéo gần với cõi tục.
Chùa Hương, đền Củi và nhiều nơi khác đang cho thấy hệ thống dịch vụ hoạt động mạnh mẽ đến mức thái quá. Điều này đã phản ánh rõ nét tâm lý cộng đồng trong thời đại mới. Đó là sự hiểu biết chưa đầy đủ về tín ngưỡng, thậm chí là tâm lý thực dụng một cách rõ ràng. Từ đây đã ảnh hưởng rất lớn đến chốn linh thiêng và tính chất lễ hội. Phần hội trong lễ hội đã nhạt dần. Đấy là sự biến đổi rất cần được cảnh tỉnh.
Như chúng ta đã biết, lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần hội thể hiện tâm thức dân gian, vui vẻ nhưng nghĩa tình, thuần phác, tạo nên sự gắn kết con người với con người. Và, cũng vì thế, lễ hội thường mang đặc trưng từng vùng, miền. Ngày nay, phần hội đang lép vế so với phần lễ do tâm lý đến nơi linh thiêng cốt để cầu an, cầu phúc. Ở một số địa điểm, phần hội được tổ chức nhưng là các trò giải trí hiện đại (thậm chí, có cả việc mời ca sĩ đến hát ca khúc thời hiện đại) nên rất thiếu chiều sâu.
Điều này vô tình đã tạo ra khoảng trống giữa người thực hiện trò vui chơi, đám đông thời hiện đại và cộng đồng trong truyền thống. Các trò trong phần lễ xưa kia thường gắn với từng vùng, từng lễ, vì thế nên vùng biển thì đi cà kheo; vùng sông nước thì đua thuyền; vùng thượng thì đánh đu, vạt cù; vùng ví, giặm thì tổ chức thành đám hát… Cũng phải nói thêm rằng, do tác động từ truyền thông và kỹ thuật hiện đại nên các trò vui chơi dân gian khó phục hồi. Ngoài ra, không phải người quản lý nào cũng ưa thích việc tổ chức phần hội vì nhiều lý do, trong đó có cả vấn đề an ninh trật tự lẫn kinh phí thực hiện, cũng như nguồn thu. Nếu so với đầu tư dịch vụ và đầu tư phần hội thì rõ ràng, sự chênh lệch là điều dễ nhận thấy.
Để quản lý lễ hội có hiệu quả
Để quản lý lễ hội hiệu quả, điều đầu tiên các cấp, ngành cần hướng đến là nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về giá trị của lễ hội. Thực trạng hiện nay là nhiều người đi lễ nhưng không hiểu rõ lễ gì, không hiểu được nguồn gốc, lai lịch, thần tích, không gian văn hóa. Công tác tuyên truyền cần chú trọng về mặt chiều sâu. Tuyên truyền không chỉ là tập trung về sự thu hút của lễ hội mà quan trọng là tuyên truyền về ý nghĩa, không gian văn hóa, quan niệm của truyền thống về thờ tự, đi kèm với đó là cách ứng xử văn hóa, khát vọng của cư dân. Trong vấn đề này có sự hòa quyện của di sản vật thể và phi vật thể. Từ đây, công tác kiểm kê cần được tính đến để tránh mai một. Đây được xem là căn cứ để người làm công tác quản lý văn hóa đánh giá việc tổ chức lễ hội để từng bước chấn chỉnh.
Các cụ cao niên trong làng làm Lễ tế Đức thánh tổ thợ rèn. |
Nhiệm vụ của người quản lý văn hóa không chỉ là khôi phục các lễ hội, giữ đúng bản chất mà còn phải tạo được sự đồng thuận của người dân, đưa người dân trở thành chủ nhân, chủ thể của lễ hội, đồng thời, đảm bảo cho họ các lợi ích thiết thực. Nhà quản lý thông minh phải là người khơi dậy sự hứng thú của cộng đồng trong việc tổ chức lễ hội, khơi dậy ở họ tinh thần làng xã, tìm được vẻ tự nhiên, tính chân thật của lễ hội.
Điều này rất cần sự điều tiết của nhà quản lý. Cần tuân thủ các văn bản quy định về tổ chức lễ hội của trung ương, tỉnh. Điều mấu chốt là phải thực hiện đúng quy định, song cần làm tươi mới lễ hội bằng những quy tắc thẩm mĩ của cộng đồng trong việc đưa người dân thành chủ thể, làm cho các lễ hội hiện lên phong phú, đa dạng trong các nét bản sắc. Đấy thực chất là việc làm cho lễ hội thực sự là của dân gian, thực hành các phương thức nghi lễ, diễn hội trong khuôn khổ pháp luật.
Trong chuyến công tác về Hà Tĩnh, đến thăm chùa Hương vào cuối năm 2014, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã tâm sự với tôi: “Điều quan trọng tại các di tích ấy là không gian tâm linh; không gian này cần được chú trọng để giữ gìn. Các dịch vụ có vai trò của nó nhưng nếu không quản lý tốt thì lâu dài sẽ dễ bị biến đổi, tác động đến không gian tâm linh và ý nghĩa của di tích”. Tiến sĩ Hậu cũng bày tỏ băn khoăn khi có vẻ như nhiều địa phương đang bộc lộ sự sốt sắng trong việc khai thác giá trị kinh tế từ các di tích, lễ hội. Theo bà, đấy là cách mà giới nghiên cứu gọi là khai thác… từ ngọn.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn