Hủ tục làm ma trăm triệu và treo người chết trong nhà của người H’Mông

Thứ tư - 05/07/2017 15:09
Không những treo người chết nhiều ngày trong nhà, hủ tục làm ma của người H’Mông ở Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn còn tình trạng giết lợn, gà, trâu, bò rình rang. Có nhiều gia đình tiêu tốn cả trăm triệu đồng cho một đám ma.

Từ xa xưa, người H’Mông tổ chức tang ma ngoài những tập tục thể hiện bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống như các bài hát, khèn trống ca ngợi tự nhiên, cỏ, cây, con người hoặc lễ nghi giải thoát linh hồn, ghi nhớ công ơn và ban phước lành cho con cháu... Tuy nhiên, trong tang ma của người Mông hiện còn tồn tại một số hủ tục như có người chết, con cháu người nhà nổ 4 đến 6 phát súng nếu người chết là đàn ông, 7 đến 9 phát súng nếu người chết là đàn bà, con gái để báo hiệu cho dân bản biết.

Đặc biệt, người chết ở đây được đưa lên một cái cáng đan bằng tre hoặc nứa treo lên vách gian nhà giữa ở tầm cao ngang ngực và để chừng 3 ngày mới mang đi chôn hoặc có thể lâu hơn nếu không chọn được ngày đẹp hoặc con cháu chưa có mặt đầy đủ. Không những vậy, mỗi một đám ma sẽ được con cái, anh em trong dòng họ mang trâu, bò, lợn, gà đến mổ ăn rình rang rồi còn chia cho bà con hàng xóm, dân bản.

Một góc bản làng H'Mông

Lần đầu nghe hủ tục treo người chết trong nhà nhiều ngày cho đến tục giết mổ hàng chục trâu bò rình rang, tôi không khỏi giật mình. Thấy tôi tò mò, trưởng bản Tà Cóm (xã Trung Lý) Thào A Thái giải thích: “Người H’Mông rất coi trọng việc tang ma và cho rằng lo tang ma cho người chết tốt hay không sẽ có ảnh hưởng hưởng tới những người đang sống. Cha ông họ quan niệm, nếu lo tang ma không chu đáo thì gia đình, dòng họ, thậm chí cả bản làng phải gánh chịu hậu quả tai ương, lụi bại. Chính vì vậy, bao đời nay, hủ tục mai táng người chết của người H’Mông không thay đổi. Việc treo người chết lâu trong nhà rồi mới đi chôn là để mọi người đến viếng. Người thân đến viếng phải giết một con gà, luộc chín (để cả  lòng, mề) và một gói cơm, một chai rượu. Thầy mo sẽ đưa đồ lễ của người đến viếng để cúng cho người chết, đội khèn trống thổi bài cúng cơm người chết”.

“Việc góp trâu bò là do phong tục của người H’Mông là khi con cái đi lấy vợ, lấy chồng ở riêng đều được bố mẹ cho một con trâu hoặc một con bò bởi thế khi bố mẹ chết đi, con cái phải báo hiếu bằng cách cũng phải đóng góp lại như thế. Vợ chồng con trai cũng như vợ chồng con gái đều phải góp và nhất thiết phải là trâu, bò. Lợn hoặc gà thì có thể anh em, họ hàng đóng góp. Có những gia đình 9,10 người con thì có đến 9,10 con trâu hay bò, ăn không hết thì chia cho hàng xóm, dân bản” – trưởng bản Thái cho hay.

Cũng theo lý giải của trưởng bản Thái thì dù thừa thải, con cái vẫn phải góp đầy đủ và giết bằng hết số gia súc đó. Nếu không trong năm làm ăn sẽ không thuận lợi, người sống sẽ ốm đau,bệnh tật, người chết sẽ không phù hộ, dòng họ mất phúc lộc.

Trong khi đó, tình trạng tảo hôn và đẻ nhiều ở người HMông vẫn còn tồn tại từ xưa cho đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt được. Rất hiếm hoi mới có thể tìm ở các bản người H’Mông gia đình sinh một hoặc hai con còn hầu như đều từ 3 con trở lên. Có những gia đình có tới 13 -14 đứa con vẫn tiếp tục đẻ.

Ngay tại bản Tà Cóm, gia đình Anh Sùng A Su đã có tới 13 đứa con thế nhưng khi hỏi có còn đẻ nữa không thì A Su hồn nhiên trả lời chúng tôi “cho mẹ nó đẻ hết trứng luôn”.

Nói như vậy để biết được rằng, nếu có tới 13 đứa con thì khi chết, 13 người con này cũng sẽ góp 13 con trâu, bò để làm ma cho bố mẹ. Ngoài ra còn gà lơn trong nhà có sẵn hoặc anh em họ hàng góp lại.

Trưởng bản Thái cho biết, mỗi một con trâu, bò to cũng có giá 30 triệu trở lên, con nhỏ cũng tầm 15-20 triệu. Như vậy, đám ma nào nhỏ nhất cũng mấy chục triệu, còn nhiều thì có tới hàng trăm triệu quy ra từ giá trị trâu, bò, lợn, gà.

Những đám ma trăm triệu

Trưởng bản Thái bảo nếu ngồi liệt kê những đám ma tiêu tốn giá trị gần trăm triệu hay vài trăm triệu thì không thể nhớ hết vì phong tục của người H’Mông bao lâu nay là vậy. Bởi thế mà dù cho nhà nghèo, các con cũng phải cố mà góp cho có hiếu với bố mẹ, tổ tiên.

Ông vẫn còn nhớ đám ma bà nội ông vào năm 1993, bà nội ông sinh được 7 người con. Khi bà mất, 7 người con góp 7 con trâu, ngoài ra còn số lợn gà trong nhà rồi anh em góp thêm thành ra thịt nhiều vô kể. Sau khi làm lễ, ăn uống trong gia đình rồi chia cho dân làng nhưng ngày đó bản chỉ có 13 hộ gia đình nên chia rồi mà vẫn còn thừa rất nhiều. Cuối cùng, phải mang số thịt đã giết mổ đó phơi khô và dùng ăn cả năm.

Trưởng bản Thào A Thái đang kể về hủ tục làm ma của người H’Mông

Cách ngày chúng tôi lên thăm bản Tà Cóm chừng mấy ngày, tại đây cũng vừa tổ chức một đám ma mà theo bà con trong bản là đám ma “to” nhất từ trước đến nay. Số lượng trâu, bò, lợn, gà tính ra phải gần 300 triệu.

Đó là gia đình cụ Sùng A Dơ. Vợ cụ Dơ là cụ Hạng Thị Dợ mất, lập tức 9 người con góp 9 con bò. Trong nhà cụ Dơ có con thêm một con trâu và anh em họ hàng nhà cụ Dơ góp thêm 32 con lợn. Cụ Dợ được treo 7 ngày trong nhà mới được mang đi chôn cất.

“Hôm đó, sau khi cúng xong, nhà cụ cũng mang đi chia cho bà con hàng xóm nhưng vẫn còn nhiều thịt lắm. Vì là trưởng bản hơn nữa lại phục vụ trong đám của cụ Dợ nên sau khi xong việc tôi được gia đình cụ biếu 40 kg thịt bò” – trưởng bản Thái cho biết.

Có thể khẳng định, hệ lụy từ những hủ tục trong tang ma của người H’Mông là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến cảnh nghèo khó, lạc hậu. Tuy nhiên, để xóa bỏ những hủ tục này lại không hề đơn giản.

Nhà cụ Sùng A Dơ không khá giả gì nhưng cụ đã làm một đám ma “to”  nhất bản từ trước đến nay với giá trị khoảng gần 300 triệu

Ông Mai Văn Châu, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Mường Lát cho biết: “Việc làm ma của người H’Mông vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu. Mặc dù đã tuyên truyền nhiều để người dân hiểu về việc ô nhiễm môi trường khi treo người chết nhiều ngày trong nhà hay việc lãng phí trong việc giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, tuy nhiên, vẫn đề này chưa thể dứt điểm được. Một số xã ở phía ngoài như Pù Nhi, Nhi Sơn… đã dần được thay đổi, hiện đã có một số dòng họ đưa người chết vào quan tài. Còn phần lớn các bản vùng sâu, vùng xa thì chưa thể tuyên truyền để người dân hiểu một sớm một chiều được mà cần phải có thời gian”.

Cũng theo ông Châu thì do hủ tục đã ăn sâu vào tâm tưởng bà con, nếu thay đổi hủ tục cần phải có sự thống nhất của cả dòng họ. Bởi nếu khi thay đổi mà dòng họ xảy ra vấn đề gì thì người thay đổi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nên nhiều khi họ còn e dè khi quyết định.

Theo Nguyễn Thùy Dantri

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây