Phản đối thu phí "vô lý" tại BOT Cầu Rác, hàng trăm người dân treo băng rôn đòi quyền lợi

Thứ ba - 06/06/2017 21:48
Sáng nay (16/4), hàng trăm người dân đã điều khiển xe ô tô treo băng rôn, khẩu hiệu “Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao bắt chúng tôi trả tiền” ở đầu xe và tập trung ở Trạm Thu Phí BOT cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để đòi quyền lợi.
Theo đó, hàng nghìn người dân không khỏi thắc mắc, bức xúc khi cho răng mình không hề tham gia tuyến tránh của BOT - Trạm thu phí cầu Rác của Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (trực thuộc Tập đoàn Sông Đà) mà vẫn phải “cõng phí”. Đây không chỉ là thắc mắc của người tham gia phương tiện ô tô ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (2 bên cầu Rác) mà còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp vận tải và các phương tiện ở các địa phương khác lưu thông qua đây.

Hàng chục xe ô tô treo băng rôn khẩu hiệu phản đối thu phí vô lý ở BOT Cầu Rác

Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty CP Vận tải Ô tô Hà Tĩnh cho biết: “Lộ trình tuyến xe buýt số 01: Bến xe buýt Thạch Quý – đường Nguyễn Công Trứ - đường Hải thượng Lãn Ông - đường Trần Phú - đường Hà Huy Tập – QL 1A – Thị trấn Cẩm Xuyên – QL 1A – Thị trấn Kỳ Anh – QL 1A – Ngã ba vào Cảng Vũng Áng – Cảng Vũng Áng (Kỳ Phương) và ngược lại. Tuyến xe buýt tuyến số 01 của Công ty chúng tôi không hề đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh, không sử dụng dịch vụ BOT của Trạm thu phí Cầu Rác, nhưng vẫn phải đóng phí. Tính ra mỗi quý tiêu tốn hơn 100 triệu đồng phí qua trạm này”.

Tôi ở nhà TX Kỳ Anh, hàng ngày lưu thông trên Quốc lộ 1A, qua trạm thu phí Cầu Rác để tới TP Hà Tĩnh để làm việc và ngược lại. Tôi không hề lưu thông 1m đường nào tuyến tránh TP Hà Tĩnh nhưng mỗi lần đi qua Trạm thu phí này, tôi vẫn phải nộp tiền phí. Với xe dưới 12 chỗ ngỗi như của tôi, năm 2013 đã tăng từ 12.000/lượt đồng lên 20.000 đồng/lượt, nay lại tăng lên 35.000 đồng/lượt. Tôi không lưu thông qua đoạn đường được thu phí theo hợp đồng dự án BOT của Cty Hạ Tầng Sông Đà mà vẫn mất phí là vô lý – anh Hoàng bức xúc nói.

Chưa nói tới người dân các tỉnh khác, riêng người dân ở khu vực có trạm thu phí Cầu Rác như xã Cẩm Lạc, Cẩm Trung, Cẩm Hà, Cẩm lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Khang chỉ lưu thông một đoạn đường ngắn, nằm cách xa tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh cả mấy chục km, nhưng mỗi lần lưu thông qua đây cũng phải mua vé khiến người dân bức xúc.

 Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà thông báo tăng giá vé và biểu mức thu phí kèm theo từ 0h ngày 19/2/2016 

Cô N.T.T (giáo viên trường Tiểu Học Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) tâm sự: “Nhà tôi ở xã Cẩm Lạc, bên kia Cầu Rác, từ nhà tôi đến trường khoảng 4km. Một ngày tôi phải đi qua cầu Rác ít nhất 3 lần, tôi không hề thấy đoạn đường thu phí BOT đâu chứ không phải là đi qua đó. Vậy mà tôi cũng phải mua vé khi đi qua đây, hôm nay tăng vé là như thế mỗi ngày tôi đã mất gần 100 nghìn tiền phí. Tôi thấy thế là bất hợp lý quá. Mong các cơ quan liên quan cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn”.

Được biết, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km, bắt đầu tại  xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Công trình do Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (trực thuộc Tập đoàn Sông Đà) làm chủ đầu tư và được đưa vào sử dụng khai thác từ tháng 1/2009.

Liên quan về vấn đề, đa số người dân ở thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên kịch liệt phản đối tình trạng không sử dụng tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh nhưng vẫn phải trả phí vô lý tại Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì ông Trịnh Xuân Phúc – Tổng GĐ Cty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà phân trần: “Nếu nói theo công bằng tuyệt đối là đi qua dự án nào phải đóng phí dự án đó nhưng cuộc đời không bao giờ có công bằng tuyệt đối, tôi không đi nhưng người nhà tôi đi”.

“Trạm thu phí Cầu Rác thành lập từ năm 1979 với mục đích để thu phí trên QL1 do Sở giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Sau đó xã hội hóa nên đã mời doanh nghiệp tham gia về đầu tư. Tại thời điểm đó, công ty Sông Đà có quan hệ tốt nên đã vào đầu tư Hà Tĩnh. Sau đó chính phủ có văn bản quyết định giữ nguyên trạng trạm thu phí chứ nhà đầu tư không tự quyết định trạm thu phí được đặt ở vị trí nào” - ông Phúc thông tin thêm.

Thiết nghĩ, Giám đốc Công ty hạ tầng Sông Đà Hà Tĩnh trả lời như thế đã thấu tình đạt lý chưa và hợp lòng dân không? Và trạm thu phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dùng để thu phí cho đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh theo Hợp đồng BOT, tuy nhiên trạm thu phí lại được đặt lại ở tận xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, cách xa hơn 20km) khiến một lượng lớn phương tiện không hề lưu thông qua tuyến đường tránh nhưng vẫn phải nộp phí, đang là câu hỏi lớn của hàng nghìn người dân cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời?

Bùi Trung - Hoàng Hiệp/VTOTO


Theo Đại lộ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây