Nóng tuần lễ hiện trường BOT

Thứ tư - 02/05/2018 17:59
Tuần lễ đầu tiên của năm mới 2018, trong khi thời hạn ban đầu để đưa ra giải pháp cho điểm nóng BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã hết mà vẫn chưa có giải pháp nào thì vấn đề BOT nóng ran trở lại, lần này là trên diện rộng, tại hầu khắp các trạm BOT dọc quốc lộ 1 từ miền Trung trở vào miền Nam, cũng với nan đề đặt không đúng chỗ, thu không đúng đối tượng. Từ các trạm tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa đến Cần Thơ, Sóc Trăng, các tài xế không chỉ phản ứng bằng cách trả phí qua trạm bằng tiền lẻ mà lần này chủ yếu là công nhiên không trả tiền, thậm chí đã có động thái cực đoan tông vào thanh chắn. Và khác với những lần trước, cả tài xế xe biển số xanh hay người được cho là cán bộ đi xe biển số trắng cũng tham gia phản đối việc thu phí vô lý.
Đã có nhiều tài xế bày tỏ sự phản đối khi qua trạm thu phí BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp. Ảnh minh họa: Trung Chánh.

 

Không chỉ gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ huyết mạch, các diễn biến căng thẳng này còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội trên diện rộng. Có điều, mừng là trước các tình huống cụ thể vừa qua, phản ứng trở lại của các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền các địa phương, đã có phần chủ động và mang tính đối thoại hơn. Ngoài sự cố một tài xế bị “người lạ” mặt đánh tại trạm BOT Sóc Trăng (mà điều này cần được xác minh làm rõ nhanh chóng) thì việc Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ xuất hiện tại hiện trường BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trong lúc dầu sôi lửa bỏng yêu cầu chủ đầu tư xả trạm và ra lệnh xử phạt chủ đầu tư về hành vi trước đó không chịu xả trạm là một động thái hạ nhiệt hữu hiệu. Nếu nhìn lại cách phản ứng của Công an Tiền Giang hay Đồng Nai trước đây, như mời tài xế lên làm việc hay giam xe, thu bằng lái của họ (mà sau này có trường hợp đã phải thu hồi quyết định và xin lỗi) thì sự xuất hiện để “đối thoại” của Phó giám đốc Công an Sóc Trăng tại hiện trường trạm BOT của tỉnh này cũng được ghi nhận là một hành động hạ nhiệt đúng hướng.

Nhưng chính quyền địa phương hay công an chỉ là đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn mình quản lý, họ không phải là bên liên quan trực tiếp đến vấn đề đặt trạm thu phí bất hợp lý, mà dưới góc độ nào đó, họ còn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi trên quốc lộ đáng ra là công sản. Cho nên, không khó hiểu việc chính quyền tỉnh Thái Nguyên đề nghị bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu trên địa bàn tỉnh này, âu cũng là cách giải thoát gánh nặng tiềm ẩn cho mình. Cũng vì vậy mà dễ hiểu thế đứng và lựa chọn của chính quyền Bình Định, khi chủ tịch tỉnh này lên tiếng phản đối và cho biết sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục giảm phí qua trạm BOT Nam Bình Định đúng như thỏa thuận trước đó chứ không được “lật kèo” hứa giảm nhiều hơn mà giảm chỉ bấy nhiêu. Cá biệt, nhờ có điều kiện tài chính, tỉnh Bình Dương còn bỏ ngân sách ra mua lại một dự án BOT để xả trạm cho người dân đi miễn phí.

Trước các kết luận kiểm toán, thanh tra, trước chỉ đạo rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ để có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như ở trạm BOT Cai Lậy của Chính phủ, Thủ tướng, giải pháp mà Bộ GTVT và các chủ đầu tư đang hướng đến là tính toán giảm phí và miễn phí cho một số đối tượng. Nhưng có thể thấy, với mười mấy trạm thu phí đặt sai vị trí dọc quốc lộ 1, giảm phí không phải là lời giải đáng được mong đợi nhất. Bỏ qua chuyện “lật kèo” về mức giảm ở Bình Định, chẳng phải dù một số chủ đầu tư đã chủ động giảm, thậm chí có chủ đầu tư còn được báo chí mô tả là họp “khẩn” trong đêm để giảm, nhưng dân tình vẫn phản đối không thôi đó sao?

Có thể đối với Bộ GTVT và chủ đầu tư, giảm phí là “biện pháp tối ưu” cho những quyết định đầu tư đã rồi trong quá khứ, nhưng rõ ràng nó không “chặt chẽ” trong mắt người dân chiếu theo nguyên tắc căn bản có đi mới có thu. Đó là chưa nói về mặt kỹ thuật tài chính, giảm phí mà tăng thời gian thu thì cũng chỉ là đẩy lùi thiệt hại hầu bao của người dân về thì tương lai mà thôi. Đó là chưa nói, những thỏa thuận giảm giá riêng lẽ đối với từng dự án có thể mang đến những kết quả nặng - nhẹ khác nhau tùy vào khả năng thương lượng bí mật của từng chủ đầu tư và sự “nhìn mặt” phản ứng của dư luận.

Vì vậy, hãy xem những gì đã diễn ra trong “tuần lễ BOT” vừa qua là một dữ liệu đầu vào từ hiện trường đáng giá, nó phản ánh lòng dân, để Bộ GTVT và các chủ đầu tư ngồi vào phòng họp bàn phương án trình Chính phủ. Có lẽ vấn đề các trạm BOT trên quốc lộ 1 hiện nay cần giải pháp tổng thể, đồng bộ chứ không thể riêng lẽ vì nếu như vậy có thể kích hoạt những phản ứng dây chuyền ở nơi này, nơi khác. Cho đến nay, thật đáng tiếc, chúng ta đã phải chứng kiến những phản ứng với không chỉ một BOT kiểu Cai Lậy.


Theo Thesaigontimes.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây