Những đồ giả cổ được nhóm người lạ thông tin là phát hiện ở vùng biển
xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) với giá trên trời: 1,5 tỷ đồng.
Về xuất xứ của nhóm “cổ vật”, chủ nhân không cho biết cụ thể phát hiện được ở đâu, chỉ nói chung chung là đào được ở vùng ven biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, nơi có đại công trình của Formosa và đang tìm người để bán với giá 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đây hoàn toàn là đồ giả cổ chứ không phải cổ vật thật. |
Hà Tĩnh là vùng đất “địa linh”, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa cổ. Vì thế, từ lâu nơi này được biết đến là “lãnh địa của giới chơi đồ cổ”; người nhiều nơi thường xuyên đến săn đón những món đồ có giá trị. Đó cũng chính là cơ hội để những người buôn bán trái phép đồ cổ thực hiện hành vi lừa đảo. Thời gian gần đây, sự việc đã ở mức báo động.
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến Bảo tàng Hà Tĩnh (số 17, đường Nguyễn Tất Thành, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) tình cờ gặp 2 người đàn ông đến đây để hỏi ông Nguyễn Trí Sơn- Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh về “bảo bối” mà họ vừa đào được. Hai người tự giới thiệu tên là Danh và Tiến quê ở xóm 7 xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm nghề đào hà thủ ô. Cả hai mang vẻ mặt rất bình thản, tự nhiên, kể rành rọt về quá trình đào được vật báu. Họ kể: Cách đây khoảng 1 tháng, khi đào hà thủ ô ở vùng núi xã Cẩm Minh thì bỗng nhiên phát hiện có một bình sành trong đó có 3 mòn đồ cổ gồm 1 hồ lô bát tiên và 2 con cóc ngậm tiền. Tuy nhiên, khi đào đất không may đã làm vỡ mất bình sành nên không lấy cái bình mà chỉ đưa 3 món đồ đó về nhà.
Người đàn ông tên Danh nói: “Khi mới đào thấy chúng tôi không hề biết đây là đồ cổ, chỉ khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết là chúng rất quý hiếm”. Vừa nói, hai người vừa chìa ảnh chụp hiện vật trên điện thoại ra cho chúng tôi xem. Ông Sơn đề nghị họ chuyển ảnh vào mail để xem trên máy tính cho rõ, nhưng do họ không rành công nghệ thông tin nên tôi được cầm chiếc điện thoại để “xử lý kỹ thuật”.
Khi chúng tôi gặng hỏi tại sao không đem hiện vật đến để xem cho cụ thể thì hai anh Danh và Tiến giải thích: “Đây không phải đồ của chúng tôi mà của ông bác, gia đình ông ấy hôm nay có đám cưới nên không đi được, chúng tôi ra hỏi trước xem tình hình thế nào”. Hai người đàn ông “lạ” này còn dò hỏi ông Nguyễn Trí Sơn rằng: Như bộ đồ cổ này thì giá khoảng bao nhiêu? Ông Sơn nói: Giá bao nhiêu là do các anh đưa ra. Nếu đó là đồ cổ thật thì bao nhiêu tôi cũng mua nhưng các anh phải cho tôi xem hiện vật thì mới định giá được. Sau đó hai người hẹn chúng tôi khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều ngày mai đến nhà để “mục sở thị” hiện vật.
Tuy nhiên, đầu giờ chiều hôm sau, người đàn ông “lạ” lại gọi điện thúc giục chúng tôi vào xã Cẩm Minh để xem những món đồ cổ quý giá như lời họ nói. Khi đến nhà người đàn ông tên Danh ở xóm 7 xã Cẩm Minh chúng tôi lại được nghe câu chuyện khác hoàn toàn. Sở hữu bộ hiện vật này là ông T- cậu ruột của anh Danh. Ông T mới từ Đắc Lắc ra Hà Tĩnh vào buổi sáng thì chiều gọi chúng tôi đến. Ông T kể: Cách đây khoảng một tháng, ông mua bộ đồ cổ này từ một thầy cúng trong làng (huyện Krông-pắc tỉnh Đắc Lắc).
Trước đó, một nhóm công nhân khi làm công trình đào mương bêtông sâu khoảng 1,5m thì máy xúc đào được một bình sành trong đó có chứa 3 món đồ cổ. Thấy vậy, nhóm công nhân này sợ quá, ngỡ là có mồ mả nên mời thầy cúng đến làm lễ tạ. Khi thầy cúng đến thì phát hiện trong bình sành có bộ đồ này nên mang về. Ông T thấy bộ đồ cổ này đẹp nên mua về chơi, nhưng sau đó biết đây là đồ có giá trị, là bảo vật quốc gia nên muốn bán lại cho cơ quan chức năng bảo quản, lưu giữ, phục vụ nghiên cứu.
Ký hiệu chữ Hán dưới đáy bình hồ lô.
Một nhóm công nhân khi làm công trình đào mương bêtông sâu khoảng 1,5m thì máy xúc đào được một bình sành trong đó có chứa 3 món đồ cổ. Thấy vậy, họ sợ quá, ngỡ là có mồ mả nên mời thầy cúng đến làm lễ tạ. Khi thầy cúng đến thì phát hiện trong bình sành có bộ đồ này nên mang về. Một người thấy bộ đồ cổ này đẹp nên mua về chơi, nay bán lại. Nhưng, đó chỉ là một trong những chiêu thức lừa của người bán đồ giả cổ. |
Cầm trên tay bộ đồ đồng, các cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh không khỏi băn khoăn khi dưới đáy hồ lô có chữ Hán ghi “Tuyên Đức niên chế”, trong khi dưới bụng một con cóc lại ghi “Càn Long niên chế”. Còn một con cóc còn lại, cùng cấu tạo tương tự, nhưng lại ghi một dòng chữ theo hình thức chữ khoa đẩu, không cùng dạng chữ với 2 đồ vật khác. Về cấu tạo, 3 đồ vật này đều không có dấu vết thời gian theo năm tháng. Đáng nói hơn, 2 con cóc đầu có 9 quan tiền trên thân thể nhưng lại có hình dáng “cách điệu” 3 chân. Ông T khẳng định: “Khi đào lên đất bám đầy, thấy bẩn quá nên tôi đã đem chùi, đánh bóng cho đẹp”. Về giá cả, ông T nói: “Ông thầy cúng đã bán cho tôi với giá 16 triệu đồng, các anh xem giá bao nhiêu thì cứ trả”.
Chúng tôi cũng hỏi ông T: -Tại sao anh không bán ở Đắc Lắc mà phải lặn lội ra Hà Tĩnh làm gì? Ông T nói: -Ở Đắc Lắc họ không trọng đồ cổ, hơn nữa tôi quê ở Hà Tĩnh nên muốn đem đồ có giá trị này về cho quê hương…!?. Ông Nguyễn Trí Sơn đã thẳng thắn nói: Nếu như lời anh Danh và anh Tiến nói hôm qua là đào được nhóm hiện vật này ở vùng núi xã Cẩm Minh thì chúng tôi sẽ đến hiện trường xác thực và giá bao nhiêu chúng tôi cũng mua để phục vụ nghiên cứu. Nhưng đây lại đưa từ Đắc Lắc ra, nguồn gốc lại không rõ ràng vì thế không thể mua được.
Sau đó đoàn của chúng tôi đến UBND xã Cẩm Minh, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Khiên khẳng định: “Xã chưa hề nghe thông tin nào về việc người dân phát hiện thấy đồ cổ. Chúng tôi sẽ cử cán bộ văn hóa xuống kiểm tra và lập biên bản để tránh trường hợp có người bị lừa”. Ông Nguyễn Trí Sơn cũng nhấn mạnh: “Đây hoàn toàn là đổ giả cổ vì thế xã cần có những động thái cảnh tỉnh người dân kẻo có người mất tiền oan”.
Ngoài ra, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cũng nhận định: Chiếc hồ lô của ông T rất giống với chiếc bình hồ lô giả cổ của ông Trần Công Viên (ở thôn An Lâu 1, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) mua với giá 12 triệu đồng. Chi tiết trên bình và 4 chữ Hán phía dưới đều ghi là “Tuyên Đức niên chế” và ông Viên cũng mua ở Đắc Lắc. Rất có thể hai chiếc hồ lô này là một. Ông T có thể bị lừa nên muốn bán lại để gỡ gạc!
Liên quan đến đồ giả cổ, cách đây đúng 1 năm (tháng 8/2015), tại xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh), người dân cho biết phát hiện được một số cổ vật quý, gồm 1 bình hồ lô, 2 con cóc và 1 tượng Phật. Tất cả đều đúc bằng đồng, có kiểu dáng cổ. Trong đó, chiếc bình hồ lô có chiều cao hơn 20cm, đường kính đáy khoảng 10cm, xung quanh phần đáy dưới có đúc nổi các “ông tiên” với các sắc thái mặt, tư thế và đội mũ khác nhau; phần phía trên trang trí nhiều hình hoa lá cách điệu; phần giữa thân bình là hình bát quái và dưới đáy có 4 chữ Hán “Đại Thanh niên chế”. Hai con cóc có hình dáng kỳ dị, đáy có 8 cạnh, chính giữa đáy có hình tròn và khắc nổi 4 chữ Hán “Khang Hy niên chế”. Tượng Phật tư thế ngồi, khuôn mặt rạng rỡ vui vẻ, cổ đeo tràng hạt, bụng phệ, hai chân trần, tay phải cầm bình nước cam lồ, tay trái cầm “thỏi vàng”, đáy tượng cũng có khắc nổi 4 chữ Hán “Càn Long niên chế”.
Khi gặng hỏi về xuất xứ của nhóm “cổ vật” này thì chủ nhân không cho biết cụ thể phát hiện được ở đâu, chỉ nói chung chung là đào được ở vùng ven biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, nơi có đại công trình của Formosa và đang tìm người để bán với giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cổ vật ở Trung ương, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đây hoàn toàn là đồ giả cổ chứ không phải cổ vật thật.
Một câu chuyện khác ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Cũng vào thời điểm trên, người dân địa phương bắt gặp một nhóm người nói tiếng 3 miền Bắc - Trung - Nam, mặc trang phục giống công nhân xây dựng, tay chân lấm lem bùn đất. Nhóm người này nói rằng, trong quá trình thi công công trường xây dựng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, vô tình phát hiện được một số “cổ vật” và đang dò hỏi người dân địa phương, ai có nhu cầu mua mới cho xem.
Nhiều người dân sau khi trao đổi với nhau, thấy nhiều điểm nghi vấn nên đã gọi điện thoại cho cơ quan chuyên môn để hỏi chi tiết, cụ thể về “cổ vật”. Và tình cờ, nhóm người này sau khi nghe lỏm được cuộc điện thoại giữa người dân với cơ quan chuyên môn đã quyết định không cho xem “cổ vật” và nhanh chóng rời khỏi địa phương mà không một lời từ biệt.
Những câu chuyện trên cho thấy hiện có một số người lợi dụng sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực đồ cổ của người dân để buôn bán đồ giả nhằm trục lợi bất chính. Mánh lới của các đối tượng này là thường rao với giá cao ngất ngưởng để tăng giá trị của đồ giả cổ. Chỉ cần người mua ra giá có hời một ít là tẩu tán ngay vì thế nhiều người dân mất tiền oan. Vì vậy, dân cũng cần cảnh giác mà chính quyền cũng cần tỉnh táo để xử lý, tránh việc tiếp tay cho những kẻ buôn bán đồ giả.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn