Tiết mục mở màn của CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phường Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh).
Liên hoan để bảo tồn di sản văn hóa
Dân ca ví, giặm là bản sắc văn hóa, hấp dẫn và lôi cuốn lòng người bằng tình cảm đằm thắm, mộc mạc, thủy chung của người dân Nghệ-Tĩnh. Trong 2 ngày diễn ra liên hoan, những câu hát ví, giặm đã được các câu lạc bộ tham gia mang đến dưới nhiều hình thức khác nhau đáp ứng quy định phải có ít nhất 60% tiết mục có yếu tố nguyên gốc, cùng với đó là dân ca phát triển gắn với lao động sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Nhiều CLB đã chú trọng yếu tố nguyên gốc ở môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, cảnh trí thông qua các thể hát chính như ví, giặm, xẩm.
Phát biểu khai mạc liên hoan, ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đã khái quát tầm quan trọng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đối với đời sống cộng đồng cũng như ý nghĩa của liên hoan. Là nơi tạo cơ hội để các CLB gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong các ngành, các tổ chức đoàn thể, địa phương nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân ca, ví giặm.
Ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh phát biểu khai mạc liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2016.
Để tiến tới liên hoan toàn tỉnh, nhiều tháng qua, liên hoan dân ca ví, giặm đã được tổ chức ở các cấp cơ sở, huyện, thị xã, thành phố, liên hoan toàn tỉnh đã lựa chọn được 26 CLB xuất sắc đến từ 14 đơn vị trong tỉnh.
Khép lại một kì liên hoan thành công
Liên hoan dân ca, ví giặm toàn tỉnh đã thành công ngoài mong đợi, các câu lạc bộ đã mang đến liên hoan nhiều tiết mục hay, đặc sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, tình yêu con người, đem lại chất lượng cao cho liên hoan.
Một tiết mục thể hiện tinh thần lao động qua làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại liên hoan.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tiết mục sử dụng đạo cụ không khớp; diễn xướng còn lạm dụng âm ngữ địa phương hay nói lái gây khó hiểu cho khán giả và làm giảm tính nghiêm túc, hóm hỉnh, tinh tế của dân ca ví, giặm. Qua các chương trình biểu diễn của các CLB cũng cho thấy lực lượng nghệ nhân cao tuổi và tác giả viết, soạn lời cho dân ca ví, giặm ngày càng ít. Một số địa phương chưa sâu sát với các CLB tham gia cũng như chưa tổ chức tốt liên hoan tại các cơ sở.
Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 kết thúc sau 2 ngày tranh tài. Ban tổ chức đã chọn trao 2 giải nhất cho huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh đồng thời, cũng trao trao giải A cho những tiết mục xuất sắc nhất cùng nhiều giải phụ khác. Đó là sự ghi nhận quý giá đồng thời là sự động viên, khích lệ đối với những nỗ lực, đóng góp của các câu lạc bộ trong việc dựng gìn giữ và phát huy những giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh. Sau liên hoan, Ban tổ chức đã lựa chọn được 9 CLB tiêu biểu, đại diện cho tỉnh Hà Tĩnh tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp liên tỉnh tổ chức tại Nghệ An vào tháng 10/2016.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn