Từ đầu năm tới nay, hiện tượng phân biệt vùng miền - vốn không phải là mới- lại nóng lên lần nữa khi nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp phía nam, thẳng thừng hoặc khéo léo, từ chối nhận lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, dù họ đang rất thiếu công nhân và sẵn sàng trả thêm nhiều khoản “khuyến mãi”, phí hoa hồng để tuyển người. Nhiều công ty còn có lúc dán thông báo không nhận người các tỉnh đó, sau bị phản ứng nên mới gỡ xuống.
Người lao động Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa chật vật xin việc tại KCX Linh Trung 2, TP HCM. Ảnh: T.Trang |
Không chỉ công nhân, điều này cũng xảy ra với việc tuyển dụng lao động trí thức, tuy tế nhị và ít phổ biến hơn. Nếu có năng lực, ngoại hình tương đương hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút so với ứng cử viên khác, những người đến từ các tỉnh trên có nhiều nguy cơ bị loại. Thậm chí có ông chủ còn ra chỉ thị ngầm cho bộ phận nhân sự: người Nghệ An có thể nhận nhưng không được quá hai người, còn người Thanh Hóa thì đừng.
Trong đời sống, sự kỳ thị về gốc gác này cũng nhan nhản. Không ít bậc phụ huynh khi con đưa người yêu về ra mắt đã nở nang mặt mày vì hài lòng với hình thức, tính tình, học vấn của “đối tượng”, nhưng khi nghe nói đến “gốc gác” của nàng dâu/chàng rể tương lai thì quay ngoắt 180 độ: “Con đã nghĩ kỹ chưa? Nó là dân Thanh Hóa đấy”, hoặc hạ tối hậu thư: “Mày không được lấy nó”.
Ngay cả các tin rao vặt dán ở cột điện, trên đường phố hay đăng trên mạng cũng không ngần ngại bày tỏ sự tẩy chay này: “Cho thuê nhà, phòng đẹp, giá phải chăng, không nhận người Nghệ An, Hà Tĩnh”, hay: “Nam sinh viên tìm người ở ghép, dân Thanh Hóa đừng hỏi”…
Thái độ phân biệt đối xử công khai đó không chỉ khiến nhiều người Thanh – Nghệ - Tĩnh chạnh lòng mà ngay cả người ở nơi khác cũng thấy phản cảm, bởi với họ, đó là lối ứng xử kém văn minh, thể hiện tầm nhận thức và văn hóa thấp kém khi vơ đũa cả nắm và xúc phạm cả một cộng đồng người. Một người Hà Nội gốc bình luận về chuyện doanh nghiệp từ chối tuyển lao động từ ba tỉnh trên: “Cứ xét quê quán như thế thì chẳng lẽ những vĩ nhân gốc Nghệ đến chỗ họ xin việc cũng bị loại hay sao?”
Thật khó hiểu khi một người có thể coi chuyện người da trắng kỳ thị, phân biệt đối xử với người da đen là man rợ, có thể phẫn nộ khi biết lao động Việt Nam bị coi thường, bị tẩy chay hay “cho vào sổ đen” ở một số nước thì lại cũng chính người ấy thản nhiên xếp những người đồng bào của mình vào diện “không chơi được” chỉ vì họ sinh ra từ một tỉnh nào đó, điều mà họ không được phép chọn lựa. Trong khi Việt Nam đang muốn vươn ra hòa nhập với thế giới thì lại chính người Việt tự dựng hàng rào ngăn cách với những người cùng dân tộc mình.
Nhưng sự kỳ thị có lẽ không phải vô cơ xuất hiện. Các doanh nghiệp phải quay lưng với lao động ở một số tỉnh trong khi đang cần người như khát nước chắc chắn không phải chỉ vì ý thích đỏng đảnh của kẻ có tiền. Chính nhiều người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng thừa nhận, một số thói xấu có tần suất xuất hiện cao ở các đồng hương của họ đã tạo nên và làm nặng thêm thành kiến đối với quê hương họ. Có điều, việc một số con người có những hành vi chưa đẹp có đủ để người ta kết tội cả một vùng quê? Và bao nhiêu con người tốt đẹp, đáng kính khác cũng bị xúc phạm chỉ vì một vài “con sâu” như vậy liệu có đáng không? Các bạn đọc muốn chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về điều này, xin click vào 'Ý kiến của bạn' ở dưới.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn