Gần đây nhất, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện Bộ Công thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê và cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ. Việc “tái khởi động” mỏ sắt này sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận hiện đang được xem xét để đưa vào quy hoạch.
Nguồn nước xung quanh khu vực mỏ bị ô nhiễm nặng nề |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn mà hiệu quả "không mang tới gì cả". Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển không nhỏ, lấy quặng sắt lên được mặt đất đã quá tốn kém chứ chưa nói tới là vận chuyển tới Ninh Thuận hay đâu đó để sản xuất thép.
Trong khi đó, cũng như Bộ Công thương thì Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông giữ quyền chi phối đối với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018).
TKV cũng khẳng định, mọi thủ tục pháp lý như thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, đấu nối hạ tầng giao thông đã được chấp thuận. Tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần góp là 2.033 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn giai đoạn 1.
Tuy nhiên, tổng vốn góp mới được khoảng 1.809 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Về việc này, TKV đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án góp vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án.
Văn bản của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu chưa nên khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê |
Tại Hà Tĩnh, nơi có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, vừa có công văn ngày 22/12/2016, thông cáo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này.
Theo bản kết luận nêu trên, Dự án mỏ sắt Thạch Khê là mỏ lớn nhất Đông Nam Á, có trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD. Phục vụ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh.
Mặc dù Chính phủ, bộ ngành trung ương, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng từ sau khi khởi công (tháng 9/2009) dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết. Yêu cầu khắc phục tồn đọng trước rồi mới cho khởi động lại.
Văn bản cũng nói rõ, đây là dự án lớn, phải có thời gian khai thác lâu dài, chủ đầu tư lại yếu kém, không huy động được nguồn vốn. Đó là chưa nói đến, vị trí khai thác mỏ sát biển. Các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường (tụt mực sa mạc hóa, hang caster, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lí nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản.
Văn bản cũng chỉ ra, chủ đầu tư đó là chưa triển khai phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động của địa phương…
Với những bất cập trên, tháng 7/2011 Thủ tướng Chính phủ phải cho tạm dừng bốc đất tầng phủ và tái cơ cấu cổ đông của TIC. Việc tạm dừng dự án đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng dự án và của nhiều doanh nghiệp liên quan.
Trước những tồn tại, yếu kém trên, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển gây nhiều thiệt hại cho tỉnh và người dân, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương một khi chủ đầu tư TIC chưa đáp ứng, giải quyết được các tồn tại đã nêu thì chưa cho khởi động lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng đồng thời đề nghị Trung ương có quy định cụ thể về thời gian rà soát, đánh giá hoàn thiện các nội dung liên quan đến dự án.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng giao UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chủ trương, giải pháp, bố trí vốn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhân dân vùng dự án và nhiều vấn đề tồn động khác liên quan đến dự án này.
Một nắm quặng cũng không cho ra khỏi địa bàn
Trước đó, chiều 16/12, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiên Dũng với lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Tĩnh bàn về các vấn vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Hà Tĩnh triển khai trong năm 2016, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đề cập đến vấn đề có nên hay không khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê, trong khi còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Cuộc họp vào chiều ngày 16/12 với đoàn của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cương quyết “Không nắm quặng rời khỏi địa bàn |
Trong buổi làm việc Bí thư Sơn đã thẳng thắn trình bày, trong khi chưa có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ về việc có nên khởi động lại mỏ sắt không thì chúng tôi cương quyết không để một “Nắm quặng rời khỏi địa bàn”.
Vì vậy, yêu cầu nhà đầu tư đã ngừng hoạt động mỏ sắt thì tuyệt đối không được dùng máy múc quặng thô lên khỏi mặt đất, để bán. Quyết tâm là không cho xuất quặng thô, buộc nhà đầu tư phải xây dựng nhà máy, phải tinh luyện thép để xuất bán ra thị trường.
Bí thư Lê Đình Sơn nói rõ lập trường của tỉnh nhà là, thời gian qua, Trung ương và địa phương đang gồng mình khắc phục sự cố môi trường, từng bước đi vào ổn định, giờ đòi khởi động lại mỏ sắt vào thời điểm này là không nên?
"Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không thể nóng vội được" – ông Sơn nhấn mạnh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn