Cần “mạnh tay” xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT!

Thứ tư - 07/06/2017 14:28
Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2016, thế nhưng, danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP Hà Tĩnh đang ngày một dài thêm cả về số đơn vị và số tiền nợ đọng. Điều này thực sự làm khó cơ quan BHXH và ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Tĩnh, đơn vị đang quản lý thu BHXH, BHYT của 684 doanh nghiệp, với số tiền phải thu tính đến cuối tháng 11 (bao gồm cả lũy kế) là 105,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, có đến 630 doanh nghiệp còn nợ với tổng số tiền lên đến trên 36 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới 6 tháng 7,4 tỷ đồng, từ 6-12 tháng 9,6 tỷ đồng, từ 12 tháng trở lên 19,3 tỷ đồng. Nghĩa là cứ 10 doanh nghiệp thì có đến 9 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT ít nhất là 1 tháng và phải chịu lãi suất theo quy định hiện hành.

Chưa bao giờ số đơn vị cũng như số tiền nợ BHXH, BHYT trên địa bàn vào thời điểm cuối tháng 11 hàng năm lại cao như năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động không được giải quyết các chế độ trước mắt như: ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp…

“Để làm tốt công tác thu, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động, ngay từ đầu năm, cơ quan BHXH đã tiến hành lập kế hoạch, lên phương án, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng. Công tác thu BHXH, BHYT luôn được tiến hành theo hướng nhanh chóng, thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân. Đối với những doanh nghiệp khó khăn, đơn vị phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tìm cách tháo gỡ; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn thanh kiểm tra để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở... Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác thu BHXH, BHYT trên địa bàn, nhất là khối doanh nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra…” - Giám đốc BHXH thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Quảng trăn trở.

Theo bà Trương Thị Tuyết - Phó Giám đốc BHXH thành phố phụ trách công tác thu, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp này không chỉ gặp khó khi nằm trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2016 là cắt giảm đầu tư công, dẫn đến thiếu việc làm mà nhiều công trình sau khi hoàn công với thời gian dài vẫn chưa được các chủ đầu tư quyết toán.

Cũng xuất phát từ những khó khăn về việc làm, nhiều đơn vị thực tế đã ngừng hoạt động, ngừng đóng BHXH cho người lao động nhưng vẫn chưa nộp hết tiền nợ trước đó. Một số đơn vị cố tình chây ỳ, nhiều lần cơ quan BHXH, các đoàn liên ngành đến trực tiếp làm việc, đôn đốc nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Điển hình như: Công ty CP Sông Đà 27 nợ hơn 3,6 tỷ đồng, Công ty CP và XD Thành Sen hơn 1,9 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn xây dựng Miền Trung 826 triệu đồng, Công ty CP Tư vấn xây dựng Đại Việt 783 triệu đồng…

Đã đến lúc cấp ủy, chính quyền, các ban ngành liên quan, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH. Các tổ chức công đoàn cần phát huy tinh thần trách nhiệm, có các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động trong lĩnh vực BHXH, BHYT, nhất là sớm hoàn thiện các thủ tục khởi kiện các doanh nghiệp chây ỳ theo tinh thần Luật BHXH năm 2014.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây