Nhiều tỉnh, thành đau đầu với các dự án của “đại gia” HUD

Thứ tư - 07/06/2017 05:33
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là một doanh nghiệp nhà nước lớn có nhiều dự án đầu tư ở các tỉnh thành. Tuy nhiên quá trình đầu tư của HUD khiến nhiều địa phương không hài lòng.
HUD đã tổ chức lễ khởi công hoành tráng khu đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh. Nhưng đến nay,
dự án vẫn "bất động". Ảnh: HUD

Nhiều sai phạm trong kinh doanh bất động sản

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị phải tiến hành khắc phục những nội dung mà thanh tra thành phố đã chỉ ra. Cụ thể là việc chuyển nhượng lô đất ký hiệu NT1 tại khu đô thị mới Định Công cho Trường Mầm non tư thục Bình Minh là trái với quy định vì đây là lô đất được giao để xây dựng công trình công cộng.

Một dự án khác liên quan cũng do HUD làm chủ đầu tư là việc xây dựng công trình trái phép trên ô đất ký hiệu CC3A, B, C trong quy hoạch khu đô thị mới Mỹ Đình 2. Trên cơ sở kết quả thanh tra, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu HUD khôi phục và hoàn trả mặt bằng để triển khai dự án khác theo quy hoạch...

Trước đó, HUD đã khiến UBND tỉnh Hà Tĩnh phải “nổi cáu” vì nhiều lần doanh nghiệp này khất nợ việc nộp tiền sử dụng đất và chậm triển khai khu đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh 9,1ha. Rất nhiều văn bản “đòi nợ” và “dọa” thu hồi dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, nhưng rốt cuộc đến thời điểm này, HUD vẫn chưa thể hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính với Hà Tĩnh (hơn 78 tỉ đồng).

Thực tế, HUD đang triển khai gần 30 dự án bất động sản ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có dự án sử dụng tới hơn 300 ha đất. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số đó vẫn đang được thi công với tốc độ “rùa”. Dự án Khu đô thị mới Nam Lê Chân (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) là ví dụ.

Theo một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, đối với Khu đô thị mới Nam Lê Chân, tỉnh đã tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn tổ chức nhiều hội nghị thống nhất phương án, các mốc thời gian yêu cầu hoàn thành, nhưng kể từ khi bắt đầu thực hiện từ năm 2004 đến nay, nhà đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị thực hiện rất chậm trễ, đặc biệt tuyến đường D5 xây dựng dở dang đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội, an toàn giao thông, an ninh trật tự. Trong khi đó các lý do nhà đầu tư đưa ra chậm tiến độ hoàn toàn không có cơ sở, cá biệt có thời gian nhà đầu tư không có sự chỉ đạo thi công hoàn thiện hạng mục nào.

Còn tại Quảng Ngãi, HUD cũng mang đến một hình ảnh không mấy tốt đẹp khi đầu tư dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ ở cửa ngõ phía đông nam TP Quảng Ngãi. Dự án có quy mô 170 ha, thu hồi từ ruộng lúa hai vụ ăn chắc của nông dân phường Nghĩa Chánh và Nghĩa Dõng. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, dự án được giao đất từ năm 2009 nhưng đến nay dự án gần như “án binh bất động”. Hồi tháng 8-2012, Quãng Ngãi cũng đã phải gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất cho HUD với số tiền là hơn 98 tỷ đồng.

Đi làm xi măng cũng thất bại

Không chỉ kinh doanh bất động sản, HUD còn chạy theo phong trào làm nhà máy xi măng, nhưng kết quả không như ý. Dự án xi măng Đô Lương ở Nghệ An là một minh chứng. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 1461/TTg-CN ngày 27-9-2005. Diện tích mặt bằng nhà máy chính là 42,11 ha, tổng vốn đầu tư 1.739 tỷ đồng, huy động từ vốn đầu tư của các tổng công ty Nhà nước là HUD, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1, trong đó HUD là nhà đầu tư chính. Dự án được khởi công xây dựng ngày 30-9-2007. Theo kế hoạch, dự án đi vào sản xuất năm 2014.

Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai thực hiện đến nay dự án chỉ mới xây dựng xong cơ bản khu Văn phòng nhà máy, dự án thực hiện chậm tiến độ do các cổ đông chính không thu xếp được nguồn vốn để triển khai. Năm 2011, HUD - nhà đầu tư chính, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An chính thức xin thôi không tiếp tục đầu tư dự án. Ngay sau đó, Tập đoàn xi măng The Vissai có văn bản đề nghị được tiếp nhận, đầu tư Dự án xi măng Đô Lương từ HUD.

UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, ban đầu do vốn đầu tư của Dự án là của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước nên theo quy định về kinh doanh vốn nhà nước, UBND tỉnh Nghệ An phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính về các nội dung, thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng Dự án này cho nhà đầu tư mới.

Gần đây, tại hội nghị "Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Giáp Ngọ 2014" ngày 15-2 của Nghệ An, Tập đoàn xi măng The Vissai đã cam kết sẽ đầu tư 7.000 tỉ đồng cho dự án Nhà máy xi măng Đô Lương - Tân Kỳ và bến cảng chuyên dụng phục vụ vận chuyển xi măng.

Thiết nghĩ, với một tổng công ty lớn của Nhà nước về xây dựng, HUD cần phải tạo được uy tín trên thương trường để xứng đáng với những ưu ái mà Nhà nước cũng như các địa phương dành cho doanh nghiệp này. Đáng tiếc, quá trình kinh doanh của HUD với những dự án kể trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của riêng HUD cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác.

                                                                                                                   Nguồn  Lương Bằng
                                                                                                                           (HQ Online)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây