Nhiều đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise

Thứ tư - 02/05/2018 23:52
Hồ sơ Paradise được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế công bố mới đây xuất hiện nhiều cái tên là cá nhân, tổ chức có liên quan đến Việt Nam hoặc địa chỉ tại Việt Nam.
Tính tới ngày 23/11, trong 25.000 pháp nhân liên quan xuất hiện trong Hồ sơ Paradise (Hồ sơ Thiên đường) có 32 công ty nước ngoài, 214 cá nhân, 23 công ty trung gian và 205 địa chỉ có liên quan đến Việt Nam.

Theo Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các “thiên đường thuế” liên quan Việt Nam, có 15 doanh nghiệp đặt tại quần đảo Virgin (Anh), 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.

Đây đều là những “thiên đường thuế” của thế giới, Chính phủ các quốc gia tại đây chủ trương áp dụng mức thuế suất cực kỳ ưu đãi, gần như bằng 0% cho các doanh nghiệp thành lập tại đây.

Nhiều cá nhân có tên thuần Việt, địa chỉ Việt Nam 

Trong danh sách các pháp nhân có liên quan tới Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Vietnam Paiho Ltd., Sheraton Sai Gon, Vietnam Equity Holding do Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) quản lý; Quỹ đầu tư Vietnam Asset Management Ltd; Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý, Newmont Vietnam Pty Ltd…


Ngoài ra, danh sách có nhiều công ty liên quan tới các địa điểm tại Việt Nam như Phú Quốc, Hội An, Hà Nội, TP.HCM.

Danh sách cũng có nhiều cái tên quen thuộc với giới tài chính trong nước như Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital; Nguyen Louis T, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư SAM hay ông Dominic Tymothy Charles, Tổng giám đốc Dragon Capital...

Trong hồ sơ cũng có một số cái tên thuần, đặc trưng Việt Nam như Cong Giang Bui, Quang Luu, Khanh Luu, Ninh Nguyen Quang, Huynh Phongthanh, Quang Hien Vu... 

Bên cạnh hàng trăm cái tên liên quan đến Việt Nam, Hồ sơ Paradise lần này cũng tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia, tài phiệt thế giới. Mỹ có gần 8.000 pháp nhân nước ngoài, 27.000 cá nhân; Trung Quốc có gần 4.700 pháp nhân, 39.000 cá nhân…

Chuyên gia cảnh báo tìm hiểu kỹ để tránh gian lận thuế

Theo các chuyên gia, luật sư, việc các doanh nghiệp FDI hay những doanh nghiệp trong nước thành lập các công ty con ở những nơi được coi là “thiên đường thuế” không còn xa lạ với Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc các đơn vị này mang tiền đi đầu tư nước ngoài, đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp luôn luôn muốn tối đa hóa phần giảm thuế. Đặc biệt, nhiều quốc gia, địa điểm trên thế giới khuyến khích đầu tư nên áp ưu đãi thuế lớn, thậm chí về 0%.

Việc cá nhân, doanh nghiệp Việt chuyển tiền ra nước ngoài có 2 hình thức một là chuyển tiền hợp pháp thông qua hoạt động đầu tư thì phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan đồng ý mới được chuyển tiền. Hai là chuyển tiền theo công việc như du học, du lịch khi đó số tiền được chuyển sẽ rất hạn chế.

Cùng với Bahamas và quần đảo Cook., Panama được xem là những "thiên đường thuế" cho các doanh nghiệp, đại gia với chính sách ưu đãi thuế tối đa của Chính phủ tại đây. Ảnh minh họa: Mossack Fonseca.

"Trong trường hợp doanh nghiệp được Nhà nước phê duyệt đi đầu tư sẽ không có vấn đề gì. Việc các quốc gia giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp thành lập tại đó cũng là chính sách riêng của họ", ông Tín cho biết.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc có nhiều đại gia, doanh nghiệp Việt có tên trong các danh sách như công bố mới đây thì các cơ quan quản lý cần kiểm soát kỹ việc chuyển tiền đi đầu tư nước ngoài với mục đích gì, có đúng với đề án đã xin phép và được phê duyệt hay không.

"Có nhiều trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài đúng đề án nhưng lại chuyển tiền ngược về Việt Nam để đầu tư. Như vậy là không thực hiện dự án gì ở nước ngoài, khi đó Nhà nước cần kiểm soát", vị chuyên gia cho biết.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm trong đề án đầu tư nước ngoài cũng có quy định sau khi đầu tư xong sẽ tái đầu tư lại về Việt Nam, nhưng Nhà nước cần phải kiểm soát, thanh tra.

"Chuyển tiền đi đầu tư nước ngoài được khuyến khích nhưng phải đúng đề án được phê duyệt. Khi phát hiện không đúng đề án dự kiến thì phải thu hồi, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Tín cho biết.

Để quản lý được các khoản đầu tư nước ngoài, tránh những gian lận về thuế, theo ông Tín cần phải có sự liên hệ liên thông giữa Chính phủ với chính quyền sở tại, nơi các dự án được phê duyệt đầu tư, tránh trường hợp lập các công ty, pháp nhân nước ngoài để rửa tiền, trốn thuế rồi đầu tư về Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên đại gia, doanh nghiệp Việt Nam có tên trong các hồ sơ của nước ngoài.

Trước đó, nhiều đại gia với khối tài sản lên tới hàng tỷ USD cũng xuất hiện trong các hồ sơ quốc tế như Hồ sơ Panama (một trong những hồ sơ công bố về các pháp nhân, cá nhân có hoạt động liên quan tới rửa tiền, trốn thuế thông qua các công ty ma thành lập tại các thiên đường thuế trên thế giới).

Trong hồ sơ Panama công bố vào năm ngoài, 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian liên quan tới Việt Nam.

Năm 2015, cũng chính ICJC đã công bố tài liệu về việc hơn 100.000 khách hàng, thuộc hơn 200 quốc gia mở tài khoản tại ngân hàng HSBC, chi nhánh Thụy Sĩ từ 1988 đến 2007. Trong đó, có 26 khách hàng liên quan đến Việt Nam trong danh sách này, với tổng tài sản 37,5 triệu USD và người có tài sản lớn nhất là 12,2 triệu USD.

Cuối 2014, một ngân hàng Thụy Sĩ  đã có báo cáo về giới siêu giàu trên thế giới có tài sản trên 30 triệu USD. Trong đó, Việt Nam có 210 đại diện với tổng giá trị tài sản lên tới 20 tỷ USD khi đó.

Quang Thắng


Theo Zing.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây