So với những năm trước, 2 năm gần đây, hầu hết các ngân hàng đều thay đổi xu hướng cho vay.
Nếu như bất động sản trước đây luôn dành được sự ưu tiên từ các ngân hàng thì bây giờ, cho vay tiêu dùng mới là mục tiêu chính.
Nếu biết rằng trên thế giới, 70% các khoản cho vay đến từ dịch vụ, chỉ 30% tới từ tín dụng thì tại Việt Nam, con số lại đi theo chiều hướng ngược lại là 30% dịch vụ và 70% tín dụng.
Thị trường tín dụng gặp khó khăn buộc các ngân hàng phải có giải pháp cũng như thay đổi định hướng cho vay.
Cũng chính bởi điều này, các ngân hàng hiện nay đều hướng tới việc mở rộng số lượng khách hàng, chấp nhận cho vay nhiều khoản nhỏ thay vì tập trung cho số ít đối tượng vay lớn như trước.
Định hướng mở rộng số lượng đối tượng cho vay cũng khiến các nhân viên ngân hàng phải thay đổi hướng đi. Mối quan tâm của các nhân viên bây giờ chính là việc làm thế nào để có nhiều khách hàng hơn nữa.Hình minh họa
Hương Giang, một nhân viên ngân hàng chia sẻ: "Thường thì đến tháng 12, mọi công việc trong năm hầu như đã hoàn thiện.
Nếu có điều gì còn vướng bận thì đa số nhân viên chỉ tập trung vào những hạng mục có cơ hội hoàn thành, chấp nhận bỏ qua các chỉ tiêu không thể đạt".
Giang cho biết, tháng 12 đối với nhiều nhân viên là thời điểm "điền vào chỗ trống", nghĩa là cố gắng hoàn thành nốt những phần việc còn dang dở.
Nghe có vẻ dễ, song để làm được việc này không hề đơn giản. Việc kêu gọi bạn bè, người thân hay gửi email mời gọi làm thẻ tín dụng để hoàn thành chỉ tiêu khiến Giang nhiều khi mất ngủ.
Trong khi đó, đối với các khách hàng lớn, làm thế nào để huy động thêm tiền gửi từ họ cũng là cả một vấn đề nan giải.
Thông thường, ngân hàng sẽ có một cơ sở dữ liệu riêng các khách hàng, và việc chăm sóc những khách hàng này sẽ được đảm nhiệm bởi các nhân viên.
Những nhân viên này có nhiệm vụ chính là làm thế nào có thể huy động được nhiều hơn nữa tiền gửi thông qua việc giới thiệu các dịch vụ, chính sách cũng như quan hệ tốt với khách hàng.
Ông Quang, một người có tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng cho biết thường xuyên nhận được điện thoại cũng như tin nhắn, thư điện tử về các chương trình huy động vốn với nhiều ưu đãi.
Điều này cũng dể hiểu nếu biết rằng các nhân viên ngân hàng phải chịu sức ép hoàn thành chỉ tiêu tương đối lớn.
Đối với nhiều người công tác trong ngành ngân hàng, họ tự coi bản thân mình như những người làm thuê chuyên nghiệp.
Và đã đi làm thuê thì phải chuyên nghiệp, muốn được trả lương cao, thưởng cao thì càng phải chuyên nghiệp hơn. Thông thường, thưởng sẽ đi kèm với lương, lương cao thì thưởng sẽ cao.
Vị trí càng cao, trách nhiệm càng nhiều thì thu nhập sẽ tương đương với chức vụ. Điều này thúc đẩy các nhân viên phải nỗ lực hết mình, và cũng dễ hiểu nếu họ phải chịu sức ép lớn đối với công việc của mình.
Cán bộ phụ trách nhân sự và nguồn lực một ngân hàng cổ phần cỡ vừa ở Hà Nội tiết lộ, vị trí và cấp bậc nào cũng sẽ có các chỉ tiêu.
Việc đánh giá năng lực, kết quả công việc của từng nhân sự cũng sẽ căn cứ vào mức độ hoàn thành các chỉ tiêu này.
Do đó, càng gần đến kỳ "chốt sổ", người làm trong ngành càng áp lực, nhất là những bộ phận chưa hoàn thành chỉ tiêu.
Chuyện gác bỏ gần như tất cả những công việc khác để tập trung "chạy nước rút" chỉ tiêu, ở một số bộ phận nhân sự ngân hàng trong giai đoạn này, theo chia sẻ của cán bộ nói trên, là phổ biến.Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn