“Nếu mà chồng em chết, nhà em trả nợ 3 đời cũng không hết”
Không có tiền, vợ xin đưa chồng về quê chờ chết
Đó là hoàn cảnh đáng thương của chị Phạm Thị Thảo (SN 1980, trú xóm Khe Lau, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An), có chồng là anh Trần Danh Tuyên (SN 1979). Anh Tuyên bị căn bệnh suy đa tạng đang được cấp cứu và điều trị tại Khoa bệnh nhiệt đới (BVHNĐK Nghệ An).
Vết thương đơn giản ở ngón chân đã chuyển sang uốn ván.
Việc chuyển sang uốn ván dẫn tới suy đa tạng và anh Tuyên phải cấp cứu.
Chia sẻ cùng PV Dân trí, chị Thảo cho biết: Trước đó những ngày cuối tháng 6/2016, anh Tuyên có tham gia trận đá bóng tại địa phương. Trong lúc đá bóng, đầu ngón cái bàn chân phải va quệt trúng hòn đá trên sân.
Vết thương khiến anh Tuyên bị chảy máu nhiều và được gia đình đưa đến trạm Y tế xã xử lý và khâu 6 mũi cầm máu.
“Cứ nghĩ vết thương đơn giản, sẽ chóng lành, không ngờ, 5 ngày sau, chồng em lên cơn co giật méo mồm, toàn thân quỵ xuống không thể đi được nữa. Hôm đó (2/7), gia đình gọi xe cấp cứu và đưa xuống BVĐK TP Vinh.
Tại đây qua kiểm tra, các bác sỹ cho biết anh bị nha bào uốn ván phát triển, xâm nhập vào hệ thống máu trong cơ thể, đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng, co giật cơ. Phía bệnh viện bảo phải đưa đến cấp cứu tại BVHNĐK Nghệ An thì mới có cơ hội”, chị Thảo nói trong nước mắt.
Tại Khoa bệnh nhiệt đới (BVHNĐK Nghệ An) anh Tuyên được các bác sỹ tận tình cứu giúp, bước đầu đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên để điều trị cho anh phải mất khá nhiều thời gian và tốn tiền.
TS.BS Quế Anh Trâm - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới cho biết: “Bệnh nhân Tuyên nhập viện đã hơn 2 tuần nhưng trong tình trạng nguy kịch, uốn ván gây suy đa tạng, suy gan, suy thận, viêm phổi, phải mở khí quản, thở máy, dùng thuốc an thần, kháng sinh, giãn cơ.
Khoa bệnh nhiệt đới đã từng điều trị cho nhiều ca bệnh uốn ván, nhưng đây là trường hợp diễn biến phức tạp và nhanh nhất, chỉ trong thời gian rất ngắn là sáng - chiều. Với hội chẩn từ khoa Hồi sức Tích cực chống độc, chúng tôi đã tiến hành lọc máu liên tục 3 lần cho bệnh nhân (25 triệu/lần lọc).
Tuy nhiên tình trạng suy tạng vẫn chưa được cải thiện nhiều nên cần phải tiếp tục duy trì áp dụng kỹ thuật cao này trong thời gian tới. Tiên lượng bệnh nhân phải điều trị lâu dài với chi phí cả trăm triệu đồng”.
Cũng theo TS.BS Quế Anh Trâm nếu gia đình có tiền thì bệnh nhân Tuyên ít nhất phải lọc máu 3 lần nữa thì mạng sống bệnh nhân cứu được là rất cao.
Nghe bác sĩ bảo còn cứu được mạng chồng, chị Thảo đứng cạnh giường bệnh khóc sướt mướt, nhưng nét mặt chị như trong tuyệt vọng. Bởi chị hiểu hơn ai hết, bây giờ gia đình chị trong nhà không có gì ngoài mảnh vườn nhỏ, mấy sào ruộng và nợ nần thì biết lấy đâu ra tiền mà cứu chồng mình trong lúc khốn đốn này.
“Gia đình em làm nông anh à. Cả nhà em được một con trâu cũng đã bán rồi. 3 lần lọc máu, nhà em cũng đi vay gần 100 triệu đồng rồi, giờ trong nhà khánh kiệt không còn cái gì nữa cả. Nếu chồng em chết đi, thì nhà em trả nợ 3 đời cũng không hết. Chắc em xin đưa chồng về quê chờ ...”, chị Thảo bỏ dở câu nói trong nước mắt đau đớn.
“3 đứa con em còn quá nhỏ biết bấu víu vào đâu”
“Chồng em là trụ cột của gia đình, nhưng nay đang nằm trong bệnh viện với căn bệnh uốn ván, hiện đang nguy kịch do biến chứng suy đa tạng mà các bác sỹ bảo thì em cũng không biết kêu ai nữa rồi.
Anh em ai cũng nghèo cả, vay mượn cũng được ít giờ cũng không ai cho vay. Rồi đây, 3 đứa con nhỏ của em không biết bấu víu vào đâu, em đau đớn lắm”, chị Thảo nói đoạn rồi trên khóe mắt những giọt nước mắt lại rơi.
Cũng theo chị Thảo, thì gia cảnh của mình thuộc hộ cận nghèo tại xã Nam Kim, bản thân chồng là trụ cột chính trong gia đình nhưng giờ đang thập tử nhất sinh nơi bệnh viện và không biết sẽ ra sao nếu nhưng không cứu được tính mạng chồng.
Chị nghẹn ngào trong dòng nước mắt lã chã rơi, vợ anh Tuyên chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mồ côi từ nhỏ của chồng, dù không muốn 3 đứa con nhỏ dại lại phải rơi vào cảnh mất cha sớm, nhưng gia đình đã “sức cùng lực kiệt”.
“Nếu chồng em không còn trên thế gian này nữa thì em và 3 đứa con (cháu Trần Khắc Sơn (SN 2001, học lớp 9), cháu Trần Thị Thủy (SN 2005, học lớp 5) và cháu Trần Khắc Chung (SN 2008, học lớp 3) cũng sẽ đi vào đường cùng của cuộc sống thôi. Giờ thì gia cảnh của em không còn chi nữa cả, tru (trâu) được một con đã bán rồi, ruộng vườn cũng không có cây chi đáng giá mà bán kiếm tiền nữa rồi….”, bỏ lửng câu nói chị Thảo lại nắm tay chồng đang nằm trên giường bệnh khóc nức nở.
100 triệu vay mượn rất nhiều nơi; được bác sỹ theo dõi sát sao và áp dụng các phác đồ tích cực… Nhưng tình trạng bệnh tình của anh Tuyên vẫn đang trong cơn thập tử nhất sinh. Nhiều lần gia đình xin bác sỹ đem anh Tuyên về chờ chết nhưng bằng tình thương, trách nhiệm và sẽ nỗ lực hết mình các bác sỹ Khoa bệnh nhiệt đới, BVHNĐK Nghệ An chưa cho chị Thảo đưa chồng mình về.
“Còn nước còn tát, chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi giá và mong rằng khi bài báo lên trang có thêm người giúp đỡ và mạng sống của anh Tuyên cũng sẽ được nhen nhóm trở lại là điều có thể. Chúng tôi hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình anh ấy…”, một bác sỹ điều trị cho bệnh nhân Tuyên chia sẻ.
Để có tiền tiếp tục cứu chồng, chị Thảo đã huy động toàn bộ anh em nội ngoại, hàng xóm láng giềng, bán những thứ có thể mong giữ được mạng sống của chồng. Nhưng xem ra sự “kêu gọi” đó với chị lúc này là khó thực hiện, bởi chị hiểu hơn ai hết, mọi người ở quê ai cũng nghèo và chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn