Anh Lê Xuân Kỳ, nhân viên công ty FPT IS FSE, trú tại xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có vóc dáng nhỏ bé, gầy guộc, co ro trong mảnh áo len cũ kỹ, râu tóc bù xù rất lâu ngày chưa được cắt. Đôi mắt anh lõm sâu, quầng thâm vì mất ngủ, chân đi đôi dép lê xỉn màu và bước đi lúc nào cũng chúi về phía trước đầy kham khổ.
5 năm qua, anh Kỳ cùng chiến đấu với căn bệnh nhược cơ của vợ. |
Vợ anh Kỳ, chị Lê Thị Huệ, nhiều năm nay nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhìn vợ thiêm thiếp trên giường bệnh qua khung cửa kính, giọng anh Kỳ đều đều tâm sự: “Vợ tôi bị nhược cơ đã 5 năm nay, bệnh này hiện tại y học chưa chữa trị dứt điểm được. Thông thường, chu kỳ phát bệnh là khoảng 3-4 tháng một lần. Mỗi lần như vậy đều phải đến Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Sau khi lọc máu xong, cơ thể sẽ khá lên một chút nhưng vẫn không thể tự chăm sóc bản thân được mà vẫn cần người hỗ trợ". Chi phí để tiến hành lọc máu trong khoảng 35-50 triệu đồng. Chưa kể, chị phải uống thuốc thường xuyên, cứ 4 tiếng một lần và phải uống mỗi ngày.
Anh ngậm ngùi: “Nhược cơ là một bệnh lý thần kinh - cơ tự miễn, dẫn đến yếu cơ hoặc suy nhược cơ từng đợt. Yếu cơ trong bệnh nhược cơ chủ yếu là các cơ do các dây thần kinh sọ chi phối. Mỗi khi phát bệnh, vợ mình không thở được, không nói được, ăn uống khó khăn, mình phải cho ăn qua ống thông. Thương nhất là mi mắt không nhắm lại được, nên mắt lúc nào cũng mở”. Nuốt giọt nước mắt vào trong, anh nhìn sang phía người vợ thì thầm: “Cố lên em, đừng buông tay, đừng bỏ anh và các con”.
Gia đình khó khăn nên cũng không đỡ đần được gì hai vợ chồng nhiều. Hai đứa con anh đành gửi ông bà chăm sóc. |
Trong 5 năm qua, đã biết bao nhiêu lần anh đưa vợ ngược xuôi suốt chặng đường Thanh Hóa - Hà Nội. “Nếu có ai muốn vẽ sơ đồ bệnh viện thì có lẽ người làm tốt nhất chính là anh Kỳ đấy”, mọi người cùng cười, nhưng sao trong nụ cười lại chứa nhiều xót xa. Mỗi chuyến đi là một lần hy vọng và khi trở về đều mang theo khát khao về điều kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu thì mãi vẫn chưa đến, tài sản trong nhà thì đã chẳng còn gì đáng giá có thể bán. Suốt 5 năm qua, ngoài thời gian chăm sóc khi vợ bệnh, anh lại một mình đơn độc ở Hà Nội làm việc để có chút tiền tích góp đem đi trả nợ.
Hai đứa nhỏ con anh chị mỗi đứa ở với một bên ông bà. Gia đình hai bên nội ngoại cũng khá hoàn cảnh, ông nội vì quá đau buồn mà lên cơn đau tim rồi qua đời. Bà nội và ông bà ngoại thì đã quá già, nửa đời người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi con, giờ lại tần tảo chăm lo cho cháu.
Đứa con thứ 2 của anh sinh thiếu tháng nên khi mới nằm trong lồng kính tại Bệnh viện Thanh Hóa thì bố lại phải đưa mẹ ra đi Bệnh viện Bạch Mai lọc máu. Hơn một tuổi rồi mà chẳng mấy khi được ngậm bầu sữa mẹ và nhận sự chăm sóc đủ đầy của cha. Nước mắt anh trào trên khóe mi, mới 32 tuổi mà vết thời gian đã giăng kín và nhằng nhịt hết trên khuôn mặt gầy gò của anh.
Con gái lớn của anh Kỳ thiệt thòi hơn những bạn cùng trang lứa. |
Ngăn vội dòng nước mắt, anh nín thở chăm chú dõi theo cái trở mình của vợ. Anh thở dài: “Còn nước còn tát, tôi chỉ ước mong duy nhất là căn bệnh này sẽ sớm có phương pháp chữa trị hiệu quả. Tốn kém đến đâu tôi cũng không bỏ cuộc. Tôi thường động viên bà xã rằng: 'Chỉ cần em không buông tay, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua tất cả”.
Theo Xuân Hà Ngoisao.net
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn