Theo tiếng gọi của tổ quốc về nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Căm-phu-chia, năm 1977, người thanh niên Hoàng Trọng Cường lên đường nhập ngũ và được biên chế ở Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Ngày 22-4-1977, trong trận đánh ở Nhà máy đường Công-pông-chư-pư (cách thủ đô PhNômPênh 3km), anh bị thương lần thứ nhất và được đưa về điều trị ở Quân đoàn. Đến lần bị thương thứ hai - khi những mảnh vỡ của một quả pháo cối xuyên vùng mông, đùi - với tỷ lệ thương tật trên 95% thì Hoàng Trọng Cường phải giã từ đồng đội để về điều trị, rồi nằm an dưỡng hết bệnh viện quân đoàn, bệnh viện 175, đoàn an dưỡng và cuối cùng là Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.
Năm 2007, khi bệnh tình khả quan hơn, đặc biệt là lúc tìm được nửa đích thực của mình thì anh cùng chị Hoàng Thị Lan (quê Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu - Nghệ An) - người đã chia ngọt sẻ bùi với anh nhiều năm ròng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An - quyết định về lại miền quê nghèo ven biển Thịnh Lộc để xây dựng tổ ấm.
Thương binh Hoàng Trọng Cường xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập và noi theo |
Mới 5 năm lại đây thôi, nhưng anh Cường không ngờ bản thân và gia đình đã tạo nên bước ngoặt lớn vậy. Từ chỗ ở nhờ nhà đứa cháu, rồi được chính quyền địa phương cấp cho 350m2 đất làm chỗ ở, đến nay, anh đã có một ngôi nhà mái bằng tươm tất và khu chuồng trại chăn nuôi lợn khoảng 200m2. Trong chuồng nhà, ngoài 1 con đực giống cùng 12 con nái, lúc nhiều có đến cả trăm con lợn con và lợn thịt. Đôi nạng inox và chiếc xe lăn là những người bạn đưa anh lên nhà trên, chuồng dưới, vừa là phương tiện để anh đi lại thăm thú, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè và bà con chòm xóm.
Hoàng Trọng Cường bảo: "Chỉ khi mình ngủ thì hai chiếc nạng và cỗ xe lăn mới được nghỉ, còn hễ thức thì lúc cưỡi xe cho lợn ăn, ăn xong lại bắt vòi ra tắm cho chúng theo chu kỳ lặp đi lặp lại từ 3 - 4 lần mỗi ngày. Bà nhà lành lặn thì vất vả ra ngoài kiếm rau, mua cám, còn mình chân cẳng không đi lại được thì phải nhờ anh nạng, anh xe mà chạy vòng quanh hết lên nhà rồi xuống chuồng. Hồi còn ở trại điều dưỡng, từng nhận khoán chăn nuôi rồi nên giờ về nhà làm thấy khỏe re. Nuôi lợn vất nhất lúc phối đẻ, còn lại cứ cho chúng ăn uống sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên và tiêm phòng định kỳ là béo tốt cả thôi".
Mát tay, hay làm nên vợ chồng anh gần như chưa gặp trở ngại nào lớn trong nghề chăn nuôi lợn thịt. Ấn tượng nhất vẫn là năm 2011 vừa qua doanh thu trên 600 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, được sự quan tâm của Phòng NN&PTNT huyện cùng chính quyền địa phương, trong năm 2011 vừa qua, anh đã mạnh dạn vận động các hộ gia đình thương binh, chính sách để thành lập HTX Thương binh 27-7 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. 2 ha đất hoang hóa ở xứ đồng Rành Rành, Cửa Chùa đang rộng vòng tay đón 20 xã viên vào đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô đàn nái từ 300 - 400 con, mỗi năm dự kiến xuất chuồng khoảng 1.000 con lợn thịt.
"Bọn mình đang hoàn thiện giấy tờ đất. Xong rồi sẽ nhờ ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm 2 tỷ đồng nữa để đầu tư khu chăn nuôi khép kín và làm thêm các dịch vụ khác như: thức ăn gia súc, con giống, tiêu thụ sản phẩm, chế biến thực phẩm…", anh Cường cho hay.
Hết việc nhà lại đến việc hợp tác nên thời gian gần đây, Chủ nhiệm Cường liên tiếp tái phát vết thương, rồi suy thận phải lọc máu tuần 3 lần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thế nhưng, "còn sức là còn chiến đấu", câu nói tưởng chỉ thấy trong thời chiến, song, với người thương binh 1/4 Hoàng Trọng Cường, nó vẫn luôn là mệnh lệnh hành động trong tim người lính cụ Hồ.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn