“Nghệ thuật” săn bắt chim trời vì sự khoái khẩu thời thượng

Thứ tư - 02/05/2018 16:34
Người ta mở các “chiến dịch” truy tìm, rình rập và bủa lưới ở những nơi có bóng dáng các chú chim trời tội nghiệp, thậm chí còn dùng cả phương tiện hiện đại để tiến hành các cuộc vây bắt hàng loạt. Sinh mạng bé nhỏ của loài chim được đặt vào “võ đài toé máu” và trên bàn ăn sang trọng..., để phục vụ cho những thú vui, khẩu vị thời thượng. Bây giờ, ở các vùng thôn quê, miền núi, ngày một vắng hơn cánh chim trên cánh đồng, ngọn cây, kẽ lá...
Một “quầy chim” ở ven đại lộ Thăng Long. Ảnh: Phan Mạnh Hưng

Công nghệ săn chim 

Chúng tôi vừa có dịp lên vùng miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và được chứng kiến “nghệ thuật” săn bắt chim trời của người dân nơi đây. Và Bá Sân, một thanh niên người dân tộc Mông, nhà ở gần trung tâm xã Huồi Tụ cho biết, thời gian cuối tháng 7 âm lịch, từng đàn chim sẻ, chim chiền chiện không rõ ở đâu rủ nhau bay về các khu rừng ở Kỳ Sơn trú ngụ. Đây cũng là thời điểm mà người Mông thường tranh thủ đặt bẫy chim ở các cánh rừng theo cách truyền thống, rất đơn giản mà hiệu quả.

Theo đó, bẫy chim chỉ bao gồm một cái lồng đan bằng cật tre, bên trong nhốt một con chim mồi, sau đó, dùng thức ăn có màu hấp dẫn để bẫy “đối tượng” là những con chim rừng. Bí quyết của loại bẫy này nằm ở cái cửa lồng được đan khéo léo bằng cật nứa mỏng hình nắp đơm khiến chim khi đã vào lồng thì hết đường ra.

“Mình sành bẫy chim từ nhỏ. Bây giờ, vẫn thường đi bẫy, vừa là để chơi trong nhà, có khách mua thì bán. Mình biết săn bắt chim trời là không tốt, nhưng với người Mông, bẫy chim là thói quen, là tập quán rồi nên khó bỏ lắm. Nhưng bây giờ chim không còn nhiều như khi mình còn nhỏ. Các loại khướu họa mi, cu gáy do bị bẫy nhiều nên ngày càng hiếm…” - Và Bá Sân chia sẻ với chúng tôi.

Khác với kiểu săn chim của người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An vốn còn ít nhiều hơi hướng văn hóa truyền thống, thời gian gần đây, ở nhiều địa phương như Bình Phước, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… rộ lên nạn săn chim trời để cung cấp cho các nhà hàng chuyên phục vụ các quý ông có nhu cầu… cường dương.

Tại vùng Đồng Xoài (Bình Phước), chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với anh Trương Văn Lâm, nhà ở xã Tân Thành, một người chuyên săn chim sáo, chim sẻ - hai loài có rất sẵn tại vùng này bằng bẫy dính keo và được anh cho biết: “Lang thang ở khắp các cánh đồng, ngày nào “xui”, cũng bẫy được mươi con, nhưng cũng có khi hốt trọn bầy vài chục con. Mỗi ngày như vậy trừ chi phí ăn uống, xăng xe, cũng còn đôi trăm ngàn đồng bỏ túi. Bây giờ, các loài chim rừng, nhất là chim sẻ, chim cu gáy bẫy được, bán cho các nhà hàng đặc sản rất có giá, vì thực khách tin rằng, những loài này là “thần dược”, có tác dụng cường dương, lưu thông khí huyết…”.

Mục sở thị đồ nghề dùng để bẫy chim của anh Lâm, chúng tôi thấy cũng khá đơn giản, gọn nhẹ, chỉ là 2 tấm lưới được đóng khung lại, ràng với nhau bởi những sợi dây dù. Khi đặt bẫy, 2 tấm lưới sẽ trở thành 2 cái cánh, chim mồi được bỏ ở giữa, chân buộc vào một sợi dây. Ngoài ra, còn có chiếc máy phát âm thanh tiếng kêu của các loài chim được nhập từ Trung Quốc. Cái máy này liên tục hoạt động để dụ chim sà xuống khu vực con chim mồi đang bị giật dây. Khi đàn chim sà xuống, người đặt bẫy sẽ kéo dây “cò”, lập tức 2 cánh của cái bẫy sẽ sập xuống và con chim không thể nào thoát được vì mắt lưới rất nhỏ.

Chim ngày càng vắng bóng

Quá trình thực hiện phóng sự này, chúng tôi cũng có một chuyến khảo sát dọc theo đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), nơi có những “chợ cóc” tự phát mọc lên, lấn chiếm vỉa hè để chuyên bán chim. Tại những “siêu thị chim” này có đủ cả, từ chim sẻ, bồ câu, vành khuyên, chích chòe, chìa vôi, cu đất, cò, vạc... Chủng loại phong phú như vậy nên giá cả cũng thật đa dạng, từ các loại phổ thông như cò có giá 30-40 nghìn đồng/con, cu đất 35-40 đồng/con, vạc 100 nghìn đồng/con đến các loại quý hiếm như cu mồi, chìa vôi, từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/con hay đắt hơn thế nữa.

Cứ nhìn cái cảnh các “siêu thị chim” này hoạt động, có thể ước tính, mỗi ngày có hàng nghìn con chim các loại bị đưa lên “đoạn đầu đài” rồi sau đó vào nồi, lên đĩa. Phải chăng, sâu bệnh, dịch hại mỗi lúc một lan nhanh hơn, nhiều hơn, là câu trả lời đích đáng về sự bất cần thiên nhiên mà những người chuyên hành nghề săn bắt chim trời là một “đại diện”?

Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi hiện nay, lưới bẫy chim được giăng như “thiên la địa võng”. Ảnh: Phan Mạnh Hưng

Theo lời giới thiệu của ông Lê Văn Lẫm, một thợ săn chim đang bán “chiến lợi phẩm” tại vỉa hè đại lộ Thăng Long, đoạn đi qua xã Ngọc Mỹ, thì trước đây, khi chưa có máy phát chuyên dùng, các thợ săn chim ở vùng Quốc Oai dùng máy cát-sét thu lại tiếng chim gọi bầy rồi đến các thửa ruộng đã giăng lưới, bật máy. Chim trời nghe tiếng đồng loại bay ùa tới, sập bẫy. Hồi ấy chim còn sẵn, một ngày bắt được hàng trăm con, còn bây giờ, do thịt chim trở thành món nhắm khoái khẩu trong các nhà hàng, quán nhậu nên chim khá hiếm.

Ông Lâm còn cho biết thêm, cũng do hiếm, giá cao nên rất nhiều người dân ở Quốc Oai rủ nhau đi săn lùng chim trời, đặc biệt là chim sẻ. Với khoảng 2 triệu đồng mua máy, tay lưới là đã có thể săn lùng chim trời. Vì thế, những cánh đồng quê vốn êm ả bỗng náo nhiệt hẳn lên với tiếng chim riu ríu phát ra từ máy phát âm thanh suốt ngày đêm, quần nát ruộng cạn lẫn đồng sâu. “Bây giờ có rất nhiều “lái chim” đi khắp chợ cùng quê thu gom mua chim của người săn. Thế là cả làng rộ lên “chiến dịch” bẫy chim, sẻ, chào mào, ngói, gáy... loại nào cũng có tiền. Nếu chưa bán được thì nhốt lại vài hôm sẽ có lái đến thu gom hết...” - Ông Lẫm cho chúng tôi hay.

Không giống với các “siêu thị chim” dọc theo đại lộ Thăng Long, buổi sáng ở ven đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, sát bên công viên Bách Thảo và đoạn phố Trần Thánh Tông, đối diện với nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, ở Thủ đô Hà Nội ríu ran âm thanh của đủ loại chim trong… các lồng chim. Ở đây đã hình thành cả một thị trường chim chọi, chim cảnh mà nguồn cung cấp dồi dào là từ vùng miền núi, nông thôn các tỉnh, từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa cho đến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn…

Theo chân của một trùm chuyên kinh doanh, mua bán các loại chim cảnh, chim chọi có biệt danh “Dũng chim”, chúng tôi lần mò đến một “sàn” chuyên đấu giá chim bên Đông Anh, mới hay, quy mô hoạt động của thị trường ngầm này không hề nhỏ. Sau khi chứng kiến cảnh mua bán với những cú ra giá tiền triệu, thậm chí, cả chục triệu mỗi con chim, chúng tôi được quan sát trận chiến giữa hai “võ sĩ” chìa vôi. Đấu trường là một lồng chim rộng. Hai “võ sĩ chim” được ông bầu thận trọng thả vào, lồng. Chân chưa kịp chạm lên sàn thì hai “võ sĩ” đã nhảy xổ vào đối tủ cắn mổ loạn xạ. Tiếng chim kêu thất thanh, tiếng trầm trồ, xuýt xoa của những “hảo thủ” trộn vào nhau với đủ vẻ bi, hùng. Rồi sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, lũ chim cũng dần kiệt sức mà chết.

… Những ngày lần theo dấu vết của những chú chim đáng thương và tội nghiệp, chúng tôi đã thấy được cái sức hấp dẫn của các cuộc vui, sự khoái khẩu thời thượng cứ lấn dần không gian sống của các loài chim. Không có chỗ để quay về, lại bị truy sát đến cùng cực, những cánh chim đang ngày càng vắng bóng trên các đồng ruộng, vườn cây.


Theo Phan Mạnh Hưng Biên phòng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây