Nghệ An: Khu công nghiệp “nuốt” đường dân sinh

Thứ bảy - 10/06/2017 13:12
Nhà máy than củi sạch xuất khẩu tại Khu công nghiệp Tri Lễ, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định 3070 ngày 02/7/2014 với diện tích 15 ha, tổng mức đầu tư hơn 129 tỷ đồng do Công ty TNHH Nhiên Liệu Sạch, địa chỉ tại xóm 3 xã Văn Sơn, huyện Đô Lương đầu tư và xây dựng. Thế nhưng, từ khi tiến hành xây dựng nhà máy đã không được sự đồng thuận của nhân dân, việc đổ đất ngáng đường, dùng thép gai rào đường dân sinh đã làm cho hàng trăm hộ dân các xóm 4, 5 và 6 của xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn gửi đơn “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng.


Ai “vẽ đường cho hươu chạy”?

Có mặt tại đường mòn Hồ Chí Minh (cũ) dẫn xuống phà Tri Lễ - nơi mỗi ngày hàng trăm hộ dân các xóm 4, 5 và 6 của xã Khai Sơn vẫn kéo xe đi làm đồng, kéo nước về sử dụng Phóng viên Báo Xây dựng nhận thấy bức xúc của người dân là có cơ sở. Tại đây, chủ dự án đã cho đổ đất cao gần 1,5 m, đồng thời rào cọc bê tông, dựng thép gai chắn ngang con đường độc đạo, cấm cản bà con đi lại. Người dân đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương và chủ đầu tư nên giữ lại con đường cho dân nhưng không được đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Năm – vị cán bộ lão thành cách mạng (xóm 4) chia sẻ: “Nhân dân ở đây không có ý ngăn cản việc đưa các dự án về để làm thay đổi diện mạo quê hương, tạo công ăn việc làm cho con em trong xã. Tuy nhiên, Ngay từ khi có chủ trương mở nhà máy, đã không nhận được sự đồng thuận của người dân vì ngoài việc mất đất sản xuất thì cách vị trí đặt nhà máy khoảng 100m còn có 3 trường học nên bà con lo sợ sẽ gây ô nhiễm môi trường cho các cháu học sinh khi nhà máy đi vào hoạt động. Người dân Khai Sơn mỗi khẩu được 250 m2 ruộng khoán, giờ chặn mất đường ra bãi bồi thì lấy gì mà canh tác”.


Anh Nguyễn Văn Cần, người có trang trại chăn nuôi tại vùng đất này kể thêm: “Cách đây 5 năm, khi thấy vùng đất này sản xuất không có hiệu quả, anh đã thuê lại xã để mở trang trại chăn nuôi. Khi có dự án, anh đã thỏa thuận việc phải có đường cho gia đình đi lại mới đồng ý bàn giao 2.000m2 đất. Tuy nhiên, ngay khi có đất, chủ đầu tư đã “bội ước”, đóng cọc bê tông sát trang trại để rào dây thép gai, đẩy gia đình anh vào cảnh “đi không nở, ở không xong”.

Một người dân xóm 4 nói thêm: “Chúng tôi đã kêu cứu cơ quan chức năng, nhưng nếu phía nhà máy mang thép ra rào lại đường đi, nhân dân sẽ mang kềm ra để cắt bỏ”.

Được biết, nhân dân trong núi không có nước, hằng ngày phải kéo xe bò lốp ra sông chở nước về dùng trên con đường này. Nay nhà thầu cấm cửa, nếu đi làm đồng hoặc ra sông gánh nước, buộc lòng phải đi theo Quốc lộ 7A, qua vòng xuyến Khai Sơn rồi men theo đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 5 km, trong khi nếu đi đường cũ chỉ mất khoảng 1km


Ai bảo vệ quyền lợi của dân?

Để làm sáng tỏ phản ánh của người dân chúng tôi đã trực tiếp gặp các bên liên quan thì được Ông Nguyễn Văn Thục, xóm phó (xóm 4), thành viên ban GPMB cho biết: “Về nguyên tắc, khi triển khai Khu công nghiệp phải phân lô, phân thửa trước chứ không thể ưu ái theo kiểu được phép lựa chọn như cách làm hiện nay. Đại diện nhân dân xóm 4, ông Thục đã yêu cầu nhà thầu cắt từ đường dân sinh dẫn ra phà Tri Lễ về phía Tây, nhưng sau đó không biết vì lý do gì mà vẫn bàn giao cả phần đường này cho nhà máy, dẫn đến hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh khốn đốn”.

Đem vấn đề bức xúc của người dân trao đổi với Ông Nguyễn Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Khai Sơn thì được trả lời: “Việc người dân phản ánh không có đường dân sinh đi sản xuất mùa màng là hoàn toàn đúng sự thật. Hiện doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng bờ rào và rào luôn cả con đường mòn dẫn xuống phà Tri Lễ. Nhân dân các xóm lân cận phà Tri Lễ đã đề nghị không đưa đường và phà Tri Lễ vào khuôn viên nhà máy. Xã đã đề xuất cho huyện, nhưng sau đó huyện trả lời là nằm trong quy hoạch của dự án nên giao lại cho nhà máy than củi sạch nhưng nhân dân không đồng tình. UBND xã nhiều lần đề nghị làm con đường dân sinh xung quanh khuôn viên nhà máy để phục vụ nhân dân đi lại sản xuất mùa màng nhưng vẫn chưa được đồng ý”.


Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: “Nhà đầu tư được cấp phép đầu tư, về nguyên tắc đã đền bù, bàn giao mặt bằng thì họ có quyền khoanh khuôn viên lại. UBND huyện Anh Sơn cũng đã trình xin UBND tỉnh mở con đường bao quanh ven nhà máy để nhân dân có đường đi lại sản xuất nhưng đây là dự án tỉnh chưa cấp phép nên chịu. Giải pháp tạm thời là nhà đầu tư có hướng mở một con đường sát khuôn viên phía tây nhà máy nhưng do xã chưa quan tâm đến vấn đề này nên đến nay cũng chưa thực hiện được”.

Ông Sáng nói thêm: “Trước bức xúc của người dân xóm 4, 5 và 6 của xã Khai Sơn, UBND huyện đã liên hệ với nhà đầu tư đề nghị dừng việc đổ đất ngăn đường, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tạo một con đường mới để người dân đi ra đồng lao động sản xuất, sau đó tiếp tục có tờ trình để UBND tỉnh có chủ trương triển khai thực hiện con đường dân sinh cho bà con đi lại lao động sản xuất thay cho con đường cũ đã quy hoạch nằm trong dự án.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần sớm cho chủ trương để trả lại cho nhân dân xã Khai Sơn con đường dân sinh vốn có giúp người dân yên tâm, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống./

Theo báo Xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây