Bể nước sạch ở xóm Đồng Hạ bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm che kín lối đi.
Xây dựng hệ thống nước sạch theo kiểu “Đem con bỏ chợ”
Có mặt tại xóm Đồng Hạ chúng tôi chứng kiến cảnh người dân dùng can nhựa đi chở nước ở khe về dùng. Trong khi đó, hàng chục bể nước sạch tự chảy bị bỏ hoang, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Được biết, những bể nước này được nhà nước đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ từ cách đây khoảng 5 - 6 năm về trước để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nơi đây. Theo người dân phản ánh thì hệ thống bể nước này được đầu tư với số tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng. Nguồn nước sạch được lấy từ một con khe ở xóm Hồng Sơn. Hệ thống nước sạch tự chảy là niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân nơi đây, thế nhưng sau khi đưa vào sử dụng được vài tháng thì đã cạn trơ đáy và bỏ hoang cho đến nay. Mặc dù nhiều lần người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không thấy ai xuống khắc phục, sửa chữa.
Một người dân chia sẻ: "Trước đây nước nhiều, chảy cả ngày lẫn đêm, người dân chúng tôi sử dụng thoải mái, đỡ phải dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, chỉ dùng được 4 - 5 tháng rồi sau đó lại phải quay trở lại dùng nước giếng, nước mưa để sinh hoạt. Mùa mưa còn đỡ chứ mùa hạn thì người dân chúng tôi khát nước. Phải đi lấy nước xa hàng cây số".
Anh Đặng Hồng Hùng chia sẻ với PV về bể nước sạch bị bỏ hoang mấy năm nay.
Anh Đặng Hồng Hùng, người dân xóm Đồng Hạ, cho biết: "Riêng xóm Đồng Hạ chúng tôi có khoảng chục bể nước sạch tự chảy, lấy nguồn từ xóm Hồng Sơn về. Tuy nhiên, sau khi dùng được vài tháng thì bể nước cạn khô vì không có nguồn vào".
Cũng theo người dân nơi đây, sở dĩ hàng chục bể nước sạch bị bỏ hoang là vì không có nguồn đầu vào. Nước ở khe đầu nguồn thì nhiều, nhưng từ khi có mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động thì nguồn nước ít nhiều đã bị ô nhiễm, hơn nữa việc xây dựng tuyến đường mới đã "cắt" mất ống dẫn nước.
Được biết, cách đây vài năm, việc mỏ đá Thung Mây xây dựng cơ bản mỏ cũng như việc Khu du lịch sinh thái mở đường tại dốc Thung Viềng đã khiến cho đường ống dẫn nước bị vỡ trong quá trình thi công. Tuy nhiên, thay vì sửa chữa, đấu nối lại thì đơn vị thi công lại đào bỏ luôn ống nước sạch. Vì thế, từ đó đến nay hệ thống nước sạch này đã bị tê liệt hoàn toàn, kéo theo hàng chục bể nước bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Ngoài hàng chục bể nước sạch nằm trong hệ thống nước sạch tại xóm Đồng Hạ bị "tê liệt" thì tại xóm Hồng Sơn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi hàng chục bể nước cũng bị bỏ hoang. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân đang khát nước nên họ phải tự đào giếng và xây dựng bể nước mưa. Nước giếng thì không đảm bảo vệ sinh, còn nguồn nước mưa thì có hạn nên người dân hết sức cơ cực trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chia sẻ với PV Báo Xây dựng ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, cho biết: "Nguồn nước và hệ thống nước sạch tại xã Tân Hợp đã bị bỏ hoang mấy năm nay là có thật. Nguyên nhân là do quá trình thi công tuyến đường cắt ngang qua đã làm vỡ đường ống dẫn nên nước không về được". Khi được hỏi vậy tại sao nguồn nước sạch bị mất mấy năm rồi, huyện biết mà không sửa chữa” - ông Hoa nói, "Hiện, chúng tôi đang giao Phòng Dân tộc tìm nguồn vốn để khắc phục lại cho dân nhưng đến nay chưa thấy báo cáo lại".
Trao đổi với người có thâm niên trong việc lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống nước sạch, được chia sẻ: "Để khai thác và đưa vào vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn hiệu quả, mỗi địa phương cần thành lập một tổ quản lý, vận hành nhằm quản lý việc cung cấp nước cho người dân. Ngoài ra tổ quản lý ở các công trình nước sạch phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn chuyên môn để nâng cao kỹ năng quản lý công trình”.
Một người dân xóm Đồng Hạ chia sẻ với PV bể nước sạch do dân đóng góp ngày công, cát và hiến đất bị bỏ hoang mấy năm nay nhưng ko được sữa chữa.
Việc huyện Tân Kỳ để công trình nước sạch được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ “chết yểu” mấy năm nay, mặc dù biết rõ nguyên nhân hư hỏng nhưng chưa có phương án khắc phục, sửa chữa, đủ thấy trách nhiệm vận hành, bảo quản của địa phương được hưởng lợi đến đâu?
Để không làm lãng phí nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư cải thiện cuộc sống của đồng bào các huyện miền núi khó khăn, đã đến lúc, UBND huyện Tân Kỳ cần phải nhanh chóng cân đối nguồn vốn để sửa chữa lại hệ thống nước sạch tại xã Tân Hợp, để người dân được hưởng lợi từ dự án đầu tư của Chính phủ.