Bước đầu phát điện cạnh tranh, EVN đã phải trả cao hơn trước 300 tỷ đồng. Thời gian tới, cơ cấu giá có xu hướng đưa vào đầy đủ chi phí, nên giá điện chắc chắn sẽ còn tăng. Tại Hội nghị Tổng kết cuối năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều 11/1, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết, trong năm 2013, dự kiến, giá bán điện bình quân sẽ là 1.459 đồng/kWh, tăng khoảng 7,2% so với năm 2012, nhằm đảm bảo theo đúng giá thị trường và tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển.
Theo kế hoạch, EVN sẽ dành khoảng 30.289 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay trong 2013 này.
Cùng ngày, góp tham luận tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong năm vừa rồi, sản lượng toàn hệ thống đạt 117,59 tỷ tăng 10,41% so với năm 2011. Trong đó, điện thương phẩm đạt 105,33 tỷ kWh, tăng 11,28%.
Theo đánh giá của ông Vượng, mức tăng điện thương phẩm 11,28% nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 là 5,03% thì hoạt động sử dụng năng lượng của nền kinh tế cần phải được quan tâm thêm, làm sao trong thời gian tới, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Ông Vượng cũng cho biết, trong 2012, EVN đã thực hiện tương đối tốt việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ tổn thất điện năng đang ở mức 9%, giảm 0,23% so với năm 2011, vượt kế hoạch mà Bộ Công thương phê duyệt là 9,2%.
Chủ tịch EVN cho rằng, để đánh giá được mức 9% là cao hay thấp cần phải so sánh với các nước trong khu vực. Theo đó, tổn thất điện năng ở Indonesia là 9,4%, Philippines trên 11%, Malaysia khoảng 10%, Nhật Bản trên 5,5%, Trung Quốc khoảng 8%. Do vậy, theo ông Vượng, dù còn nhiều việc phải làm song so mức tổn thất điện năng với các nước trong khu vực thì Việt Nam "cũng không đến nối kém lắm".
Tại Hội nghị này, đại diện EVN thông báo, đã tiết kiệm được 1,5% lượng điện trên toàn quốc trong 2012 vừa rồi, ứng với 1,67 tỷ kWh điện, cao hơn so kế hoạch đặt ra là 1%. Ông Vượng nhẩm tính, cứ 1kWh Tập đoàn lỗ trên 3.000 đồng, như vậy mức này đã giúp EVN tiết kiệm trên 5.000 tỷ đồng.
Ông cũng chia sẻ, kể từ thời điểm chính thức phát điện cạnh tranh vào 1/7/2012, sản lượng điện giao dịch trên thị trường này trong 6 tháng cuối năm vừa qua chỉ khoảng 29 tỷ kWh. Giá điện mà EVN phải trả tăng cao hơn so với cách thức trước đây khi chưa có thị trường: ngành điện tới 300 tỷ đồng. "Đó là mới chỉ là trong giai đoạn khởi động, và cũng chỉ mới giao dịch một khối lượng nhỏ. Vì vậy, chắc chắn thời gian tới, giá sẽ còn tăng hơn nữa".
Theo đó, cơ cấu giá điện sẽ có xu hướng đưa vào đầy đủ các chi phí. Đại diện EVN đề nghị, trong bối cảnh đó, Chính phủ và Bộ Công thương "cần kiên định thực hiện chính sách giá điện nhất quán theo cơ chế thị trường".
Sang năm 2013, mặc dù khó khăn song EVN vẫn cam kết sẽ cung ứng đủ điện cho nhu cầu dùng điện, khi mục tiêu tăng trưởng GDP đạt cao hơn 2012 này.
Sản lượng điện năm 2013 dự kiến 130,53 tỷ kWh điện, tăng khoảng 11% so với năm 2012. Điện thương phẩm đạt khoảng 117 tỷ kWh điện, tăng khoảng 11,5 %. Phấn đấu giảm tổn thất xuống khoảng 8% vào năm 2015, và mức tiết kiệm được trong năm nay vẫn phấn đấu giữ tại 1,5% (trong đó khu vực miền Nam khoảng 2%). Đầu tư xây dựng 106.000 tỷ đồng cho các dự án nguồn và lưới điện.
Gửi gắm thông điệp tới các doanh nghiệp có mặt ở Hội nghị, ông Vượng cho rằng, thời gian này, các doanh nghiệp nên bố trí lại sản xuất, đổi mới công nghệ, đặc biệt là sắp tới, giá bán điện sẽ điều chỉnh theo giá thị trường. Đó cũng là một giải pháp giúp mỗi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng cạnh tranh, Chủ tịch EVN nhìn nhận.
Theo Dân trí