Muôn kiểu phóng sinh của dân Việt: Cá "tiến vua" bạc triệu cũng thả

Thứ ba - 01/05/2018 09:45
Có quan điểm rằng, chỉ cần thành tâm, thả cá chép giấy ông Công ông Táo vẫn về trời. Nhưng lại có quan điểm phải cá chép sống mới đưa tiễn được Táo quân. Rồi lại có người chơi sang, mua hẳn cá Koi Nhật Bản về cúng. Nhưng chưa hết, đại gia Việt vẫn tiếp tục gây bất ngờ với việc "săn" cá anh vũ đầu vàng cực hiếm về cúng ông Công ông Táo, khổ nỗi chờ cả tháng, đặc sản hiếm này vẫn chưa có hàng,...

Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là ngày Táo quân về trời để báo cáo công việc đã xảy ra dưới trần gian trong vòng một năm qua. Bởi vậy, vào ngày này các gia đình đều thành tâm chuẩn bị lễ vật tiễn ông Công, ông Táo về trời.

 

"Thả" cá chép bằng giấy

Theo TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, thay vì thả cá chép thật, có thể đốt cá chép bằng giấy miễn là gia chủ thành tâm.

“Theo tôi, tùy điều kiện, hoàn cảnh. Nếu có điều kiện thì thả cá sống còn không đốt cá giấy cũng được”, TS.Trần Hữu Sơn nói.

 

Cá chép bằng giấy cũng là một trong những sự lựa của người dân ngày Tết ông Công ông Táo (Ảnh: IT)

Theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thả cá chép là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác.  Sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.

“Khi thả cá chép là phóng sinh, người ta tự hứa sẽ không sát sinh, giải phóng cho muôn loài”,  TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Sài Thành chơi sang: Mua cá koi Nhật Bản cúng ông Công ông Táo

Nhiều người dân ở TP.HCM đổ xô mua cá chép chuẩn bị cho lễ cúng ông Công ông Táo; trong đó, nhiều người chơi sang còn mua cá Koi Nhật Bản giá 500.000-800.000 đồng/con để cúng và phóng sinh.

 

Thông tin trên VTC News, các tiểu thương cho biết, từ 3 ngày trước đã có nhiều khách hàng đến mua cá chép đỏ. Sáng nay, 23 tháng Chạp, lượng khách mua cá chép còn đông đảo hơn.

Ngoài các loại vàng mã, cá chép là mặt hàng được người dân tìm mua nhiều nhất. Người mua ít thì mua 1 hoặc 1 bộ 3 con, mua nhiều thì 1 bộ 5 con, thậm chí có nhà còn mua bộ 7 hoặc 9 con để cúng và phóng sinh tiễn ông Công, ông Táo về trời.

 

Loại cá chép đỏ Tam Dương với màu sắc bắt mắt là loại được ưa chuộng nhất. Đặc biệt, ngoài loại cá chép đỏ truyền thống, thị trường cá năm nay còn xuất hiện thêm cá koi Nhật Bản với giá đắt hơn, dao động từ 500.000 – 800.000 đồng/con.

Cá Anh vũ đầu vàng cúng ông Công ông Táo: Chờ cả tháng chưa có hàng

Một trong những người tìm mua hơn tháng nay vẫn chưa mua được cá Anh vũ đầu vàng là chị Lan (Hà Nội). Chia sẻ với VnExpress, chị cho biết mình đã “hỏi đặt cơ sở ở Hà Nội nhưng họ nói năm nay loại cá này hiếm, chỉ có cá Anh Vũ thông thường. Hiện tôi đã đặt hàng tại cơ sở ở Nha Trang và họ hẹn có sẽ gọi”.

 

Trong khi đó, một chủ một tiệm vàng ở TP.HCM cho biết ông phải đặt trước cả 2 tháng mới có được con cá 4 kg, với giá 2,5 triệu đồng một kg. "Loại này tôi dùng để cúng thần tài mong tài lộc về nhà. Vì chúng bảo quản khó nên được đơn vị bán ướp lạnh và sẽ vận chuyển vào ngày tôi muốn cúng", chủ tiệm vàng đã bỏ ra chục triệu mua con cá này cho biết trên Vnexpress.

 

Dễ thấy càng đến Tết, nhu cầu mua cá Anh vũ để cúng, biếu tặng càng tăng cao, khiến loại cá này thêm đắt đỏ.

"Việc thu gom cá Anh vũ đầu vàng rất khó, vì số lượng cá đánh bắt được rất ít do phương pháp đánh bắt chủ yếu thủ công. Là loài sống ở vùng nước sâu và thường trốn trong hốc đá. Vào mùa lạnh, cá ra khỏi hang kiếm ăn, người dân lặn xuống đáy sông, dùng lưới vây bắt cá", một người bán cá cho hay trên Lao động.

Dân Hà Thành nô nức mang hàng kg cá ra hồ Tây phóng sinh

Thay vì chỉ phóng sinh một vài con, nhiều người dân tại Hà Nội mua hàng kg cá đem ra ao, hồ để thả. Tụ điểm phóng sinh đông đúc nhất phải kể đến là hồ Tây, tại đây, ngay từ sáng sớm, nhiều người đã mang cá chép đến thả để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

 

Ngoài việc thả cá, người dân còn đốt vàng hương và mang nhiều đồ cúng lễ khác ra đây để khấn vái. Kết quả là sau khi họ rời đi, rác thải ngập tràn khắp nơi và nhiều người lại tất bật với việc dọn dẹp.

Thầy Tịnh Giác, sư chủ trì chùa Làng Kim Sơn, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, năm nào ông cũng tới hồ Tây thu dọn rác sau mỗi ngày cúng ông Công, ông Táo. Thầy Giác cho biết: “Mọi người đã ý thức hơn rất nhiều so với mọi năm nên tôi rất vui. Nếu vàng mã hóa mà đổ hết xuống hồ sẽ làm cho môi trường nước không còn trong sạch”.

 

Dân Hà Thành nô nức mang hàng cân cá ra hồ Tây phóng sinh. (Ảnh:Saostar)

Chia sẻ trên Saostar, chị Nguyễn Vũ Hồng Bích (25 tuổi) và chị Châu Mỹ Vân (30 tuổi) chia sẻ, năm nào họ cũng thu gom túi nilon còn sót lại sau mỗi ngày như thế này. Theo chị Vân, thường chị sẽ gom được khoảng 50-60kg túi nilon, sau đó bán lại cho những người dân khác sử dụng.

Hàng năm vào mỗi dịp 23.12 (Âm lịch) người dân lại làm lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời. Trong ngày này ông Táo được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng ở ban thờ chính trên nhà cùng với gia tiên. Cá chép là phương tiện đưa Táo lên thiên đình. Do vậy, sau lễ cúng người dân thường mang cá ra sông hồ để phóng sinh. Trước đây người ta chia ban thờ làm ba, Táo quân ở dưới bếp, Tổ tiên là ban thờ chính trong nhà, Thổ công được gộp chung vào ban thờ ngoài trời, thông thường là trên sân thượng của các nhà mái bằng.

Theo Dân Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây