Một góc "làng HIV" xã Chính Lý Nước mắt vẫn rơi ở làng HIV

Thứ năm - 08/06/2017 22:28
(Hatinhnews) - Đã gần 10 năm nay người dân xã Chính Lý (Lý Nhân, Hà Nam) được người ta gắn với cái tên làng HIV. 10 năm là thời gian quá đủ để người ta thấm thía nỗi đau, sự khủng khiếp của căn bệnh thế kỷ.


Còn đó những tiếng khóc của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con nhớ bố… Sự kỳ thị, phân biệt và cả nỗi đau vẫn còn đeo đẳng người còn sống. Trong nỗi đau của căn bệnh thế kỷ, Chính Lý còn hứng chịu nỗi buồn khi có những lời đồn đại khủng khiếp về AIDS khiến nơi đây trở thành ốc đảo giữa đất liền.

Thực tế nghiệt ngã

Vẫn con ngõ sâu hun hút rợp bóng tre, cây đa, mái đình, tiếng trẻ nô đùa. Chính Lý vẫn bình yên như những gì vốn có của nó. Đến Chính Lý bây giờ ít ai biết được vài năm ở đây chứng kiến quá nhiều bi kịch. Cơn bão HIV đi qua cuốn trôi biết bao tổ ấm. Người ta còn nhớ như in những năm 2002, 2004 khi liên tục những thanh niên trai tráng trong làng chết không lý do. Chỉ trong vài năm đã có 18 bà góa chưa đầy 30 tuổi. Sự hoang mang, sợ hãi, ghẻ lạnh, tang tóc bao trùm lên ngôi làng nhỏ bé này. Chị Nguyễn Trang Nhung (một nạn nhân của HIV) run run nhớ lại: “Ngày ấy tất cả những chị em cùng trang lứa đều chết chồng, duy chỉ có 1 người là thoát. Làng liên tục có đám ma mà người chết đều không rõ nguyên nhân. Cả làng lúc đó sống trong sợ hãi và hoang mang”.

Một góc "làng HIV" xã Chính Lý

Khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về những người mắc HIV ở xã Chính Lý. Những phụ nữ mắc HIV ở Chính Lý bây giờ thực sự cởi mở, dễ gần và không ngần ngại chia sẻ. Cả xã thuần nông này ai cũng biết chị Nguyễn Trang Nhung với cái tên người đầu tiên có chồng chết vì HIV. Chị bắt đầu câu chuyện bằng những nét cười buồn nhưng tự tin. Bởi với chị vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh là đã được hồi sinh thêm một kiếp nữa. Với án tử treo trên đầu, chị dồn hết sức lực cho cậu con trai may mắn không nhiễm “H”. Dù là người sống lạc quan nhưng kể lại quãng đời kinh hoàng chị không cầm được nước mắt. Cưới nhau được 2 năm, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ tuy thiếu thốn về vật chất nhưng vô cùng hạnh phúc. Vậy mà đang yên đang lành không hiểu sao chồng chị lại đột ngột đổ bệnh. Anh bị ho rồi lở loét khắp người. Ban đầu cứ nghĩ anh bị bệnh ngoài da nên vợ chồng dắt díu nhau lên bệnh viện da liễu khám. Người ta kết luận anh bình thường rồi cho một đống thuốc về uống. Uống rồi nhưng không đỡ, vợ chồng chị lại lên Bệnh viện Bạch Mai khám. “Không biết có phải vì anh ấy có tật giật mình hay không mà đòi làm xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm anh ấy dương tính với vi rút HIV. Lúc đó biết chắc tôi cũng sẽ chung số phận với anh ấy nhưng tôi vẫn đi thử. Tôi đã nghĩ đến cái chết và định tự tử nhiều lần nhưng cứ nghĩ đến con thì lại không đành” – chị Nhung nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng đó…

Những ngôi mộ người chết do HIV còn chưa xanh cỏ

Thế rồi chẳng mấy ngày sau lần nhận kết quả, chồng chị qua đời. Đám tang của một người bị “ết” diễn ra trong lặng lẽ vì sự kỳ thị của những người trong xóm ngoài làng. Ngót nghét 20 tuổi chị đã trở thành góa phụ. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, mang trong mình bao nỗi đau mất chồng. Hàng ngày Nhung lại phải đối diện với bao đàm tiếu, dị nghị không chỉ của bà con làng xóm, mà còn cả chính người thân của mình. Tưởng chừng như tuyệt vọng, tưởng chừng cuộc đời là dịa ngục thì niềm vui bất ngờ đến với chị. Nếu cái ngày biết mình bị HIV chị khóc bao nhiêu thì nay nước mắt hạnh phúc khi biết con trai mình “thoát án tử”. Nhưng đó cũng chính là cái ngày mà mẹ con chị phải xa nhau. Mọi người sợ chị lây cho con nên mặc nhiên không cho chị gần con nữa. Chị lủi thủi, đơn độc, gạt nước mắt nhìn con mà chẳng được gần. Chị kể: “Ngày đó mọi người bắt em ăn riêng, nấu riêng. Đứa con em dứt ruột đẻ đau cũng không cho bế ẵm, không cho ngủ cùng”.

Hơn một năm gần như đêm nào chị cũng khóc. Chị khóc vì nhớ con, khóc vì thương chồng, khóc vì trách cuộc đời sao bạc ác. Không chịu được nỗi cay đắng, tủi nhục chị xin đất và quyết định dựng một túp lều nhỏ ở đầu làng để ra ở riêng. Thỉnh thoảng lại rùng mình khi hay tin xóm bên có người chết vì HIV. Chị lại nghĩ không biết khi nào thì đến lượt mình. Sự sợ hãi, cô đơn cứ thế lớn dần lên trong người phụ nữ nhỏ bé ấy. Thế rồi những người cùng cảnh ngộ, những người cùng chung “án tử” đã tìm đến nhau, động viên nhau vượt qua số phận. “Những chị em cùng trang lứa trong xã bị HIV và có chồng mất đã đến với nhau, dựa vào nhau mà sống” – Chị Nhung nói. Chỉ vào chính ngôi nhà mình, chị Nhung hân hoan: “Đây là ngôi nhà mà chính tôi xây dựng đó. Mặc dù phải 5 lần xây mới xong, nhưng đó là sự giúp đỡ của chính quyền và bản thân phấn đấu. Bây giờ có hiểu biết về căn bệnh này, còn sống ngày nào thì sống tốt ngày đó. Phải sống vì tương lai của con”. Nói đến đây chị Nhung như bừng tỉnh rồi vui vẻ chia tay chúng tôi với lý do: “Đi gặt thuê kiếm tiền nuôi con”.

Những hệ lụy đau lòng

Không còn chồng bên cạnh, một mình chị Nguyễn Thị Hường phải một mình bươn chải để nuôi hai đứa con trong đó có một đứa bị nhiễm HIV. Ngôi nhà nhỏ của chị nằm gọn lỏn giữa những thửa ruộng vàng óng chờ ngày thu hoạch. Ngôi nhà nhỏ ấy đã chứng kiến ngày hạnh phúc hồi anh chị cưới nhau. Và nó cũng là nơi chồng chị trút hơi thở cuối cùng. Anh và chị là người cùng xóm, chỉ cách nhau có vài bước chân. Những tưởng yêu nhau gần gũi, biết và hiểu khá tận tường về nhau họ sẽ được hạnh phúc. Nhưng chị Hường đâu ngờ rằng đến một ngày tai họa giáng xuống đầu mình khi chồng mắc phải căn bệnh thế kỷ. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm đó chồng chị chỉ biết khóc và xin lỗi vợ con. Đất trời như sụp đổ dưới chân nhưng chị vẫn cố gắng làm chỗ dựa tinh thần cho chồng, dù rằng bản thân mình chị cũng không biết dựa vào đâu. Không lâu sau đó chồng chị mất. Tài sản anh để lại cho chị là một căn bệnh thế kỉ cho hai mẹ con chị.

Ngôi nhà đóng cửa vì chủ nhân đã chết vì căn bệnh thế kỉ

Chị còn nhớ như in ngày thằng Tùng (Đỗ Cao Tùng, con út của chị) phát bệnh. Toàn thân nó lở loét, đau đớn khóc suốt đêm. Hai mẹ con lại khăn gói bồng bế nhau lên bệnh viện trung ương. Tiền không có, người ta khám qua loa, cho vài viên thuốc hai mẹ con lại ôm nhau về. Nhiều đêm chị chỉ biết khóc và khóc. Thế rồi chị quyết định gửi con cho ông ngoại lên Hà Nội kiếm tiền. Hết bán bánh mỳ, bán bóng bay rồi đi rửa bát thuê. Cứ như thế từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm. “Có những ngày lên Hà Nội làm được một hôm thì lại lộn về lấy thuốc cho con. Rồi lại cho mẹ…”.

Nhìn đứa con gái lớn của chị Hường chơi đùa với đứa em trai của mình tôi chợt nghĩ không biết chúng nó sẽ đùa nhau như thế được trong bao lâu. Không biết Trang sẽ còn mẹ và em đến khi nào? Không biết có phải vì hiểu được gia cảnh nhà mình hay không mà dù mới 9 tuổi đôi mắt Trang đượm buồn. Nước mắt chảy dài khi Trang kể cho chúng tôi nghe về sự kỳ thị của bạn bè dành cho em. Mới hôm trước thôi Trang vừa bị mẹ đánh vì cái tội thường xuyên lấy trộm tiền của ông ngoại. Gặng hỏi mãi mới biết, một người bạn của Trang đã dọa “Nếu mày không cho tao tiền tao sẽ mách với bạn bè là bố mày bị “ết” thì mày cũng bị “ết”. Tao sẽ bảo chúng nó phát xít mày”. Thế là vì sợ bị bạn bè phát xít nên ngày nào Trang cũng len lén “móc” ví của ông ngoại để có tiền cho bạn. Biết con mình chính là thủ phạm cho những lần mất tiền của ông ngoại nên chị Hường đã đánh con để dăn dạy. Nhưng khi biết lý do đã khiến con làm thế chị thấy lòng nhói đau. Nó không có lỗi gì để phải chịu sự trừng phạt ấy. Có nghe những câu chuyện đau lòng của những gia đình không may nhiễm HIV. Có nhìn những ánh mắt ngây thơ vô tội của lũ trẻ mới thấy xót xa, mới thấy sự khủng khiếp của căn bệnh xã hội HIV.

Trời đã lên đến đỉnh đầu, nắng hè oi ả khiến cho xã Chính Lý trở nên vắng vẻ. Chốc chốc lại thấy tiếng khóc, chành chọe nhau của mấy đứa trẻ cháu nhà ông Bùi Văn Vọng, bà Nguyễn Thị Kiệm. Từ khi bố mất vì HIV, mẹ chúng cũng chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại dù rằng ông bà nội nó vẫn còn. Không gì đau đớn hơn khi chính những người ruột thịt của chúng lại chối bỏ những giọt máu của mình chỉ với lý do chúng lây nhiễm “H” từ con trai của họ.

Nhiều lần ông bà ngoại đưa hai đứa con của anh Hoàng Văn Trường lên nhà nội chơi, ông bà cũng rón rén không dám đến gần các cháu của mình. Thấy bị ghẻ lạnh nên chúng tủi thân nói với bà ngoại chúng không muốn đến đó nữa. Kể từ khi bố mất và mẹ lấy chồng khác, sự sống của hai đứa trẻ ngây thơ vô tội ấy phó mặc cho ông bà ngoại già yếu và bệnh tật. Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của chúng là cháu Hoàng Trí Hải, và Hoàng Thu Hà (may mắn không bị HIV) là bà Kiểm lại khóc, “Bố nó chết từ khi chúng nó còn đỏ hỏn. Mẹ nó lên Hà Nội làm ăn rồi cũng theo người ta rồi. Bú mớm, thuốc men tất cả vào tay 2 thân già này hết. Không biết kiếp trước tôi làm gì nên tội mà kiếp này lại chịu nhiều đau đớn thế hả giời?”.

Những tưởng cuộc sống hiện đại khiến người ta hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ. Thế nhưng tại Chính Lý vẫn còn biết bao số phận, đặc biệt là những cháu nhỏ vô tội đang bị đối xử miệt thị từ chính người thân của mình.

Theo khampha.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây