Cái chết của ông Nguyễn Văn Tr. (SN 1959) ở xóm 4, Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình làm rúng động dư luận trên địa bàn toàn tỉnh vì lâu nay chưa từng có vụ trọng án nào kinh hoàng như vậy.
Anh Nguyễn Văn T. đang chia sẻ về cái chết thương tâm của bố với PV Người đưa tin.
Án thảm giữa ban ngày
Theo như ghi nhận của người dân địa phương, nạn nhân là người hiền lành, chính vì thế mà cái chết bất ngờ của ông Tr. vào sáng 17/6 vừa qua khiến dư luận địa phương rất hoang mang.
Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Thắng (bí thư xóm 4 và cũng là anh rể của ông Tr.), chúng tôi được biết vụ việc xảy ra nhanh chóng và hết sức bất ngờ. Ông Tr. vốn có biệt tài khêu mù lào, khêu sài cứu người (một hình thức chữa bệnh cảm, trúng gió dân của người dân). Sáng 17/6, ông Tr. sang nhà chị Thu (hàng xóm) để giúp chị khêu mù lào vì mấy ngày hôm nay chị Thu có biểu hiện đau toàn thân, người rất mệt mỏi.
Khoảng 8h sáng, sau khi từ nhà chị Thu trở về, ông Tr. còn gặp ông Dũng (trưởng xóm 4). Khoảng gần 9h, anh Nguyễn Văn Thiện (người cùng xóm) được bà Trương Thị L. (SN 1960, vợ ông Tr.) thuê kéo lúa từ ngoài đồng về đến nhà ông. Thấy cửa khép hờ, anh Thiện nghĩ ông Tr. nằm ngủ trong nhà. Gọi mãi không thấy ai trả lời, anh Thiện đẩy cửa bước vào.
Trong ánh sáng mờ mờ, anh Thiện thấy ông Tr. nằm trên giường với tư thế nghiêng về bên phải, mặt úp vào tường, tay duỗi theo sườn hông như đang ngủ. Anh Thiện tiếp tục gọi thêm mấy câu nhưng vẫn không thấy ông Tr. đáp lời. Vì vội ngày mùa, phải ra đồng nhanh để kịp chở thêm nhiều xe lúa nữa nên anh Thiện tiến đến lay ông Tr. dậy.
Lúc này anh Thiện kinh hoàng phát hiện ra ông Tr. Bị chém vào mặt, máu lênh láng. Anh vội hô hào mọi người, trong đó có ông Thắng chạy sang, đồng thời đi ngay ra đồng gọi bà L. về. Thấy ông Tr. vẫn còn thoi thóp, mọi người liền đưa ông đi bệnh viện. Tuy nhiên, với hơn 10 nhát chém chí mạng trên mặt và tai, đặc biệt là vết chém gần đứt lìa một bên tai phải và nhát chém sâu sau gáy đã khiến ông Tr. tử vong khi trên đường đến viện.
Cái chết của ông Tr. được phỏng đoán chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (8h30 – 9h), không có biểu hiện của cướp của và đặc biệt một điều là 12 nhát chém đều tập trung vào khuôn mặt và nửa đầu phía tai phải. Chính điều đó đã khiến không chỉ gia đình mà dư luận cũng hết sức bất bình, hoang mang.
Theo ông Thắng và những người dân xóm 4 xác nhận: Ông Tr., bà L. là những người nông dân thật thà chất phác, từ xưa đến nay chưa hề có mâu thuẫn với ai.
Làm ơn báo oán, hay là...?
Được biết, trong ngôi nhà trên chỉ có vợ chồng ông Tr. 3 người con trai của ông bà đều đi làm ăn xa, cô con gái út cũng đi học đại học xa nhà. Chỉ ngày giỗ, tết, cả gia đình 6 người mới có dịp quây quần bên nhau. Trước đây, ông Tr. có đi làm xây dựng ở miền Nam và một số tỉnh lân cận, tuy nhiên từ khi cô con gái út đỗ đại học, ông ở nhà hẳn với vợ. Vì đau lưng nên ông Tr. chỉ làm được việc nhà, việc đồng áng đều do vợ ông lo liệu.
Từ khi ở nhà, ông Tr. được người ta biết đến nhiều hơn, thi thoảng lại có người ốm đau cần đến sự giúp đỡ của ông. Ông Tr. hết sức nhiệt tình và không từ chối bất cứ “ca” nào.
Công việc của ông trong cái “nghề tay trái” này là phải dùng tay cạo vào lưng, vào ngực của người bệnh, sau đó khéo léo dùng kim để nhể những ụ máu tụ thoát ra khỏi cơ thể người bệnh. Vì không mở phòng khám riêng nên hễ có ai nhờ, ông đều đến tận nhà họ giúp đỡ nên công việc trở nên “nhạy cảm”. Bình thường với những đứa trẻ nhỏ thì không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên khi chữa bệnh cho phụ nữ thì không ít lời ong tiếng ve.
Nước mắt ngắn dài, gương mặt mệt mỏi, hốc hác với đôi mắt trũng sâu thâm quầng, bà L. kể lại với chúng tôi về một lần “tai nạn nghề nghiệp” của chồng mình: “Cách đây 2 năm, chồng tôi cũng đã từng khêu sài cho một cô hàng xóm. Cô này đã có chồng và hai đứa con. Khi chồng tôi chữa khỏi cho cô ấy một thời gian không lâu thì tôi nghe mẹ đẻ cô ấy nói đến tai tôi rằng: “Bà về bảo chồng bà lần sau đừng ghẹo con gái tôi nữa, nó bảo còn ghẹo thì chồng nó không để yên đâu”. Tôi nghe mà ức đến tận cổ. Chồng mình đã đi cứu người rồi lại mắc tai tiếng, đúng là làm ơn mắc oán. Về nhà tôi có cằn nhằn thì ông ấy gắt với tôi. Ông bảo: “Tao có làm gì nhà nó đâu mà nó nói như vậy, lần sau có ốm đừng gọi tao sang nữa”. Sau đó tôi cũng không nói lại chuyện ấy”.
Nghẹn ngào, bà L. tiếp tục kể bằng cái giọng đã khàn đặc: “Hôm đó tôi đi cắt lúa ngoài đồng từ 5h sáng. Tôi dặn ông ấy ở nhà làm gì thì làm rồi đợi lúa về xếp gọn vào giúp tôi. Đến khoảng gần 9h, tôi thấy chú Thiện ra gọi về bảo chồng tôi bị chém chết rồi, tôi còn cố nghĩ rằng ông ấy đi đâu bị tai nạn xe máy nên về nhà nằm như vậy. Ai ngờ khi về thấy chồng với khuôn mặt với nhiều vết chém, thật không thể tưởng tượng được. Thật quá đau xót”.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi bà L. đã quá mệt sau một ngày lo hậu sự cho người chồng xấu số. Đón tiếp chuyện với chúng tôi là những người con của ông bà.
Sự bức xúc hiện rõ trên gương mặt, người con trai lớn tên là Nguyễn Văn T. (SN 1981) chia sẻ với chúng tôi: “Vì điều kiện, hoàn cảnh mà chúng tôi không sống chung với bố mẹ được. Cuộc sống đang yên ổn, bản thân chúng tôi cũng thấy mình không va chạm xích mích gì với ai, sống rất đàng hoàng. Vậy mà giờ bố tôi bị sát hại như vậy, chúng tôi cảm thấy vô cùng bất bình. Chỉ mong cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc, bắt kẻ giết người phải đền tội. Có như vậy, những người còn sống như chúng tôi mới thấy có niềm tin để tiếp tục sống”.
Anh Nguyễn Văn D. (SN 1983), con trai thứ 2 của ông Tr. kể lại: “Lúc tôi về thì bố đã được đưa đến bệnh viện. Nhìn bố với khuôn mặt đầy những vết chém, tôi chỉ biết ngoảnh mặt đi và khóc òa. Đồ đạc trong nhà không bị mất mát hay xê dịch một thứ gì. Rõ ràng là kẻ đó chỉ muốn lấy mạng sống của bố tôi chứ không hề có mục đích cướp của. Tàn ác quá”.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn