Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối nay (8/11), vùng biển phía Đông Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Hơn 4.000 lao động đang trong vùng nguy hiểm
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung (đóng tại Đà Nẵng), đến 6 giờ sáng 8/11, vẫn còn 298 tàu và 4.053 lao động đang ở khu vực nguy hiểm từ vĩ tuyến 8 – 16.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi còn 126 tàu/2.701 lao động, Bình Định còn 155 tàu/1.212 lao động, Phú Yên còn 17 tàu/140 lao động. Các tàu này hiện đã neo đậu tại các đảo ở quần đảo Trường Sa hoặc đang di chuyển về bờ để tránh bão. Ngoài ra, còn 105 tàu/835 lao động của các tỉnh miền Trung đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ trú bão
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ra công điện, thông báo chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với siêu bão HaiYan. Các tỉnh ven biển đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân khi có bão, mưa lớn, lũ. Tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán 54.050 hộ/216.000 khẩu theo kế hoạch khi có bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Trong đó, đặc biệt chú trọng 5.189 hộ/ 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, vùng hạ du công trình thủy điện…
Theo thống kê ban đầu, đã có 1 người thiệt mạng và 1 người mất tích. Cụ thể, ngày 7/11, tàu BĐ 91377 TS do ông Trương Hoài Lưu (trú Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, đang trên đường từ Cam Ranh về Quy Nhơn đã bị mắc vào san hô. Tàu BĐ 91377 TS đã nhờ 1 tàu ở Phú Yên lai dắt. Trong lúc lai dắt, thuyền viên Trương Văn Tài bị dây thừng quấn vào cổ dẫn đến tử vong. Tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, tàu hàng An Phát 36 trong lúc chở hàng đã bị mắc cạn vào chiều ngày 6/11. Sau khi tàu gặp nạn, Đồn Biên phòng Cửa Việt, Đồn Biên phòng 208 và Cảng vụ Hàng Hải đã đưa lực lượng ra ứng cứu, đưa 7 thuyền viên vào bờ an toàn. Hiện vẫn còn 1 thuyền viên bị mất tích đang được Bộ đội Biên phòng khẩn trương tìm kiếm.
Bộ đội biên phòng Đà Nẵng trực tiếp hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn
Sẵn sàng ứng phó với cơn bão lịch sử
Chiều nay 8/11, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan với sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương; Ủy ban Quốc gia TKCN; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố.
Trước đó, ngày 7/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 1816/CĐ-TTg về việc chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão Haiyan: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ; ra khỏi vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 8 đến Nam Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112 trước 19h ngày 8 tháng 11 năm 2013; các phương tiện hoạt động ở vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19h ngày 9 tháng 11 năm 2013.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành chủ động đối phó với siêu bão. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Theo Hàn Giang (khampha.vn)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn