Bão Haiyan được cơ quan khí tượng của Mỹ đánh giá là cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2013. Tại Việt Nam, đây sẽ là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua.
Siêu bão Haiyan sẽ đổ bộ vào miền Trung của Việt Nam vào ngày 10/11 (Ảnh: NCHMF) |
Trước sự đe dọa của cơn bão cực mạnh này, chiều nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các địa phương để chỉ đạo, bàn cách ứng phó.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lúc 1 giờ chiều nay (8/11), vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km.
Như vậy khoảng tối nay (8/11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210km về phía Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km.
Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi dọc các tỉnh ven biển Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoảng Sa ) có gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho thấy tính đến 6 giờ sáng ngày 8/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Để ứng phó với siêu bão Haiyan, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trong ngày 10/11.
Hàng loạt tàu thuyền gặp nạn trên biển
Báo cáo nhanh của Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung và Tây Nguyên sáng 8/11 cho biết, hiện các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã và đang triển khai các phương án ứng phó với siêu bão HaiYan đang tiến vào bờ khu vực các tỉnh miền Trung.
Hiện đã có 38.756 tàu/166.697 lao động nhận được thông báo siêu bão chuẩn bị đổ bộ để chủ động tìm nơi ẩn nấp. Trong đó có 347 tàu/5.563 lao động ở khu vực từ vĩ tuyến 8 thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
Báo cáo nhanh cũng cho biết: Tàu ĐNa 90297 TS, trên tàu có 28 lao động, do ông Hồ Văn Thọ (trú Đà Nẵng) làm thuyền trưởng, bị sự cố tại vị trí cách Sa Huỳnh khoảng 22 hải lý về hướng Đông Đông Bắc. Lúc 17 giờ ngày 6/11, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã điều động tàu CN 09 đến cứu nạn, hiện đang trên đường tiếp cận tàu bị nạn.
Trong khi đó, tàu cá mang số hiệu QNg-90789 (trú Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) hiện mất liên lạc từ nhiều ngày qua. Gia đình cho biết, ngày 13/10, tàu cá này do ông Trần Tiến Dũng điều khiển trên đường chạy về đất liền đã gặp thời tiết xấu.
Ông Dũng có gọi về nói là đang vào bờ, nhưng thời tiết trên biển có sóng, gió rất lớn. Nhưng hai tiếng đồng hồ sau người nhà gọi lại thì không thể liên lạc được nữa. Hiện chính quyền xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi đang tìm kiếm, nhưng đến sáng nay (8/11) vẫn chưa có thông tin về chiếc tàu này.
Còn tại tỉnh Bình Định, tàu cá BĐ 95566TS do ông Nguyễn Bình làm chủ tàu (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị hỏng máy. Đến 15 giờ ngày 6/11, tàu cách đảo Trường Sa Đông 10 hải lý, trên tàu có treo cờ đỏ, không có tàu nào ở xung quanh đến hỗ trợ.
Gia đình có nhờ tàu BĐ 96231 TS của ông Huỳnh Chánh Thi đến lai dắt, nhưng do sóng lớn nên tàu chạy chậm. Hiện vẫn giữ liên lạc được với tàu.
Tàu cá KH 96778 với 12 lao động do ông Trần Ngọc Báu (SN 1979) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy thả trôi ngày 5/11, đến 6 giờ 25 ngày 7/11 tàu ở vị trí 7,8 độ VB; 108,8 độ KĐ, hướng trôi 210 độ, tốc độ 1 hải lý/giờ. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều tàu hải quân ra cứu nạn, tàu hải quân đã liên lạc và đang trên đường tiếp cận tàu bị nạn...
Bình Định: Nhiều nơi bị nước lũ cô lập
Trong 3 ngày, từ 6 - 8/11, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt ở nhiều nơi. Trong đó, tại huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn nước lũ tràn về gây chia cắt các tuyến giao thông.
Nước lũ chia cắt tại đập tràn qua tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã khu Đông của huyện (ảnh chụp lúc 10 giờ, sáng 8/11). (Ảnh: Trọng Nguyễn) |
Ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Để bảo đảm an toàn cho hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), từ ngày 7/11, đơn vị đã điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 384m3/s;...
Hiện nay, các địa phương đang triển khai biện pháp phòng chống và chủ động khắc phục hậu quả khi nước lũ rút. Đồng thời, lên phương án để chủ động phòng chống cơn bão Haiyan đang tiến vào biển Đông.
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, hiện đang có 224 tàu/1.615 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm của siêu bão Haiyan. Bộ đội Biên Phòng và Chi cục KT-BVNLTS Bình Định đang tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc với các tàu nói trên.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão Haiyan tại cảng cá Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn.(Ảnh: Trọng Nguyễn) |
Để chủ động đối phó, sáng 8/11, UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp tổ chức họp trực tuyến để triển khai các giải pháp phòng chống siêu bão Haiyan.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải hoàn thành trước chiều ngày 9/11. Đồng thời, những hộ dân hiện đang ở trong những ngôi nhà lợp tôn cũng phải được sơ tán đến những ngôi nhà an toàn.
Phó Chủ tịch UBND Hồ Quốc Dũng cũng lưu ý, trong khi sơ tán, các địa phương phải đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của người dân. Các ngành chức năng cùng địa phương phải sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc men, lương thực, thực phẩm để giúp dân sơ tán vượt qua cơn bão.
Lũ lớn trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống; riêng sông Thạch Hãn, hạ lưu sông Ba tiếp tục lên. Dự báo lũ trên sông Thạch Hãn, hạ lưu sông Ba tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh vào trưa nay (8/11), đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn ở mức: 4,7m, trên BĐ2: 0,7m; trên sông Ba tại Phú Lâm: 2,5m, dưới BĐ2: 0,2m sau xuống dần; các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống. Cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên. |
Theo C.Quyên - Vũ Trung - Trọng Nguyễn Vietnamnet.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn