Liệt sĩ “đội mồ” sống dậy và trần tình của "nhà ngoại cảm"

Thứ bảy - 10/06/2017 02:27
Qua điện thoại, "nhà ngoại cảm" biết cặn kẽ trên ngôi mộ có mấy cọng cỏ, mấy vết nứt. Người này còn biết luôn cả việc người quản trang là đàn bà và có nuôi hai con bò.

Qua điện thoại, nhà ngoại cảm chỉ rõ từng cọng cỏ, vết nứt

Ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, làng An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đi bộ đội năm 1971 và biệt tăm từ đó. Gia đình mất luôn liên lạc. Tháng 3/1976, cả gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn) bàng hoàng khi nhận giấy báo tử của ông Thuấn.

Với mong muốn làm tròn trách nhiệm với anh và nghe một người ở La Phù (Hoài Đức) mách: “Nhà ngoại cảm tên Phụng ở Thụy Khuê tìm mộ liệt sĩ rất chính xác”, mấy anh em ông Tuynh lập tức tìm đến.

“Tới vào sáng sớm nhưng nơi làm việc của "nhà ngoại cảm" tên Phụng khá đông đúc. Sau khi đặt lễ và ít tiền khấn xong, ông Tuynh ra bàn viết phiếu. Tiếp đó, một người đàn ông bảo gia đình tùy tâm đặt tiền lễ chỗ ban thờ có ảnh Bác. Tôi điền thông tin bản thân, tên liệt sĩ cần tìm và nơi hy sinh vào phiếu, Lúc đó, “thầy” Phụng vẫn đang xem cho nhiều người khác. Chứng kiến số đông tìm đến nhờ thầy giúp, bản thân tôi càng củng cố thêm niềm tin vào nhà ngoại cảm này”, ông Tuynh kể.

Xem thông tin tìm liệt sĩ của gia đình ông Tuynh xong, “thầy” Phụng mở đài có bộ đàm lên, bấm đầu bấm tai tự lẩm bẩm: “Liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn, hy sinh tại mặt trận phía Nam đang nằm ở đâu? Chỗ nào?”. Đồng thời, nhà ngoại cảm này lấy một tờ giấy khổ A4 rồi lại tiếp tục “độc thoại”: “Sơ đồ ở huyện nào, xã nào?”. Miệng nói, tay ông chấm những chấm nhỏ rồi vẽ sơ đồ nghĩa trang huyện Bình Long (Bình Phước) cùng vị trí ngôi mộ.

Mang sơ đồ này tìm đến nghĩa trang huyện Bình Long, gọi điện ra cho nhà ngoại cảm, ông Tuynh được miêu tả tỉ mỉ mộ ở phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công. Trên ngôi mộ ấy có mấy cọng cỏ dại và một vết nứt chéo. “Thầy” Phụng còn nói thêm: “Người quản trang nơi liệt sĩ Thuấn đang nằm lại là đàn bà và có nuôi hai con bò”.

Sơ đồ nghĩa trang mà ông Phụng vẽ cho gia đình ông Tuynh.

“Thú thực, thấy "nhà ngoại cảm" ngồi ở Hà Nội lại có thể tinh thông đến chân tơ kẽ tóc tại một nghĩa trang xa tít tắp, chẳng khác nào đang có mặt cùng đoàn tìm kiếm mộ khiến chúng tôi phục sát đất. Do đó, có xương cốt ngôi mộ nhưng gia đình cũng bỏ qua công đoạn xét nghiệm ADN. Gia đình tôi lúc đó tin chắc chắn rằng đã tìm đúng mộ vì làm gì có ai siêu phàm đến mức ấy”, ông Nguyễn Viết Tuynh nhớ lại.

Ngay lập tức, ông Tuynh hoàn tất các thủ tục để đưa hài cốt “anh trai” về quê nhà và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Khánh. Lúc đưa hài cốt anh về, ông Tuynh đã xúc động đến rơi nước mắt vì từ nay anh trai mình không phải lạnh lẽo một mình ở miền đất xa lạ nữa. Toàn bộ chi phí cho quá trình tìm mộ mà gia đình ông Tuynh phải chi là 30 triệu đồng.

Mọi chuyện đảo lộn khi bỗng một ngày có người cùng thôn từ trong Nam ra kể cho ông về trường hợp một người có nhiều đặc điểm trùng khớp với ông Thuấn đã hy sinh và an táng 5 năm qua.

Liệt sỹ trở về bằng xương bằng thịt

Ông Tuynh cho biết: “Chúng tôi biết được tin có người giống anh mình hiện đang sống tại xã Ấp Phú (thị trấn An Thịnh, An Giang). Người này đã lấy vợ và có con. Vợ bán hàng ăn vặt, chồng cũng làm thuê làm mướn để sinh nhai. Ông anh tôi đã có giấy báo tử, được Đảng và Nhà nước ghi nhận chế độ, lúc được tin này chúng tôi mừng nhưng cũng phải dò xét cho xác thực”.

Ông Nguyễn Viết Tuynh, em trai "liệt sĩ" Thuấn.

Ông Tuynh cùng hai người nữa tìm đến xã Ấp Phú. Lần theo đúng địa chỉ ghi trong giấy, ông thấy người đàn bà đang bán bún buổi sáng. Căn nhà lụp sụp được chắp ghép bằng nhiều mảnh gỗ và tôn. Đưa mắt tìm kiếm một lượt, không thấy bóng dáng đàn ông. Tạt sang căn nhà phía đối diện, ông sững người khi nhìn một người đàn ông lò dò đưa ra hai chiếc ghế nói giọng Nam đặc sệt: “Anh hai vô ghế? Anh hai quê đâu đấy?”. Ông Tuynh nói là người ngoài Bắc vào, có họ hàng thất lạc bao nhiêu năm, nghe nói ở đây có, dù lúc đó bản thân ông đã ngờ ngợ. Người đàn ông ban nãy đáp rất nhanh: “Tui đây nè”.

Nói đoạn, ông Tuynh kể cặn kẽ từ tên bố mẹ, các em trai. Rồi tả từ cái giếng, cái ao. Kể chuyện hồi bé hai anh em mò cua bắt ốc, nhổ mạ cấy với cha mẹ. Người đàn ông kia đột nhiên ngắt lời: “Nhà bác ruột có chiếc cổng cổ, dưới có bụi tre chỗ rẽ ra ao làng”.

“Tôi đã cố gượng ngoảnh mặt đi khóc nấc vì tôi biết chắc chắn đây là anh Thuấn. Anh kể, trên nông trường có ngôi mộ cổ của gia đình thì tôi ôm chầm lấy anh, hai người đàn ông chỉ biết khóc. Anh vừa khóc vừa trách sao em còn vào thử anh như thế. Anh không biết chữ, mù mịt đường về lại không một xu dính túi, khổ cực trăm bề”, ông Tuynh xúc động.

Ngay sau đó, vợ chồng ông Thuấn và các con cùng ông Tuynh trở về quê hương. Dân làng biết tin kéo đến chật nhà. Các cụ cao niên thì nhìn ngắm, nắn chân nắn tay cho bằng được cái thằng Thuấn nghịch ngợm ngày nào. Mấy người bạn đồng ngũ thì bắt tay mừng mừng tủi tủi.

Anh Vũ Viết Minh, em trai ông Tuynh cho biết: “Sau khi anh trai trở về, tôi gọi cho "nhà ngoại cảm" đã tìm mộ cho gia đình nhưng người này không bắt máy. Gia đình tôi chỉ lăn tăn ngôi mộ trước kia không biết của ai, lễ rằm chúng tôi vẫn lên thắp hương. Tôi nghĩ, trước đây “thầy” Phụng đọc vanh vách mấy cọng cỏ, vết nứt trên ngôi mộ có thể do một người thân cận đã tìm tới nghĩa trang trước và khảo sát”.

Trước sự việc hy hữu này, lãnh đạo địa phương đã mời gia đình ông Tuynh tới gặp mặt rồi thu hồi lại giấy báo tử, bằng tổ quốc ghi công. Tên ông Thuấn được gỡ khỏi ngôi mộ kia và thay vào đó là dòng chữ “người chưa biết tên”. Hiện, gia đình con trai ông Thuấn đã chuyển hẳn về quê sống. Ông Thuấn về quê hơn một tháng thì phải trở vào An Giang để thu xếp mọi việc trước khi đưa vợ ra Bắc định cư. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch xã An Khánh xác nhận, sự việc “liệt sĩ” trở về là có thật. Gia đình ông Tuynh đã có đơn đề nghị xin cấp đất cho ông Thuấn. Xã đang báo cáo huyện để xem xét giải quyết.

Ông Nguyễn Viết Thuấn bên ngôi mộ của chính mình.

Tìm sai mộ, nhà ngoại cảm nói gì?

Liên lạc với nhà ngoại cảm tên Phụng và đề cập tới vụ tìm mộ ông Thuấn. Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi không hề thấy ông tự nhận trách nhiệm khi tìm sai mộ. Thậm chí, những thông tin của gia đình ông Tuynh và nhà ngoại cảm này “đá nhau” chan chát. Ông Phụng lý giải cho việc tìm sai mộ: “Quy trình trên ban ngoại cảm của chúng tôi tìm từ xa không đi thực địa bất cứ ngôi mộ nào. Gia đình ông Tuynh chỉ thực thi công đoạn 1. Khi vào nghĩa trang không hề liên hệ với chúng tôi để hướng dẫn công đoạn 2 nên tôi “bó tay”. Vào trong, thấy đúng ngôi, hàng, cây cỏ, gia đình họ cứ bê ra, không lên báo lại kết quả. Trên đời nhiều người trùng họ tên. Rõ ràng, chúng tôi bất khả kháng không cách nào giúp được. Cái sai này trước hết do việc báo tử sai”.

Ông còn “khoe”: “Sau vài tháng từ khi gia đình ông Tuynh bốc mộ tôi đã biết là bốc sai”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi sao không liên hệ với phía ông Tuynh thông báo thì người này đáp gọn lỏn: “Người nhà ông Tuynh không thèm liên hệ với tôi”.

Ông Tuynh khẳng định: “Chúng tôi lần đầu vào Bình Phước, lạ nước lạ cái, chỉ có duy nhất bản sơ đồ nhà ngoại cảm vẽ làm căn cứ. Từ khi vào đến khi xác định vị trí mộ, chọn giờ làm lễ, nhất cử nhất động đều xin chỉ đạo của “thầy” qua điện thoại”

Theo Trí thức trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây