Lao động Hà Tĩnh sang Angola: Đi đã dở, ở thêm đau

Thứ bảy - 10/06/2017 12:40
Hàng trăm lao động ở Hà Tĩnh chọn Angola là điểm đến để nuôi giấc mộng "đổi đời”. Thế nhưng khát vọng ấy đã tan thành mây khói khi tiền mất tật mang. Dù hiểm nguy luôn rình rập nhưng con đường này vẫn có nhiều người dấn thân, nghịch lý này đang tiếp diễn gây nên bao nỗi đau cho cả kẻ ở lẫn người đi.



Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Hà bây giờ không biết bấu víu vào đâu để sống

Món nợ nghìn đô đeo bám "thân cò”

Những ngày gần đây, người dân xã Thạch Vĩnh xót xa trước cái chết của anh Phạm Như Quý (SN 1978 – quê ở xóm Song Hoành – Thạch Vĩnh – Thạch Hà – Hà Tĩnh). Hai vợ chồng anh Quý suốt ngày "bán mặt cho đất” làm 3 sào ruộng rồi ai thuê phụ hồ đều nhận làm nhưng vẫn không đủ để nuôi con, trả nợ. Tháng 11- 2014 có manh mối từ người bạn, anh Quý quyết tâm đi Angola để kiếm tiền trả nợ làm nhà, nuôi con ăn học, đỡ đần vợ con. 

6 tháng ở bên đất người, anh Quý chỉ làm thợ hồ vỏn vẹn được 1 tháng, bị chó hoang cắn anh phải nằm viện mất 2 tháng, bị cướp vào nhà chém lại phải đi viện rồi tiếp đó anh bị sốt rét ác tính. Ngày 29-4-2015, anh Quý đã đã tử vong tại bệnh viện Prenda – Luanda (Angola). Để đưa được thi thể anh Quý về quê nhà phải mất 350 triệu đồng nhưng gia đình chỉ gom góp được một ít, còn lại phải nhờ lòng hảo tâm của anh em đồng hương trên đất Angola. Do phải lo chạy vạy tiền nong nên 20 ngày sau khi mất, thi thể anh Quý mới về được nhà. Trong khi đó, ở nhà chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980), vợ anh Quý còn phải gánh một món nợ khổng lồ: 60 triệu đồng tiền xây nhà, 70 triệu đồng chi phí cho anh Quý xuất ngoại, bây giờ cộng thêm số tiền đưa anh Quý về nữa. Ngôi nhà mới chỉ xây dở phần thô chưa thể vào ở được, hiện tại ba mẹ con đang phải sống trong ngôi nhà tranh tạm bợ không biết sẽ sập khi nào.

"Cả nhà cố vay ngân hàng 120 triệu đồng cho anh ấy đi với hy vọng kiếm tiền về trả nợ nhưng không ngờ anh lại chết lạnh lẽo bên đất người. Bây giờ anh ấy mất rồi tui không biết bấu víu vào đâu mà trả nợ, nuôi con”, chị Nguyễn Thị Hà đau đớn nói.

Ông Nguyễn Hoành Trương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh cho biết: "Trên địa bàn Thạch Vĩnh hiện có 14 người đang lao động ở Angola, ngoài anh Quý thì mới đây còn có anh Lê Văn Trường – xóm Vĩnh Trung, anh Phạm Văn Định – xóm Song Hoành phải bỏ về do bị bệnh sốt rét. Lao động sang Angola đều đi theo đường tiểu ngạch nên gặp rất nhiều rủi ro. Xã chỉ nắm được con số chứ không thể quản lý được những đối tượng này”.

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 3 người tử vong trên đất Angola, đó là anh Nguyễn Văn Khoa (23 tuổi, trú xóm 8 Phúc Thành, xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh) bị tử vong do tai nạn vào ngày 4-4;  anh Nguyễn Trường Minh (26 tuổi, trú tại xóm 7, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) bị sốt rét ác tính, mất ngày 2 - 3. 

Thống kê từ ngành chức năng địa phương cho thấy, từ năm 2013 đến nay, có ít nhất 33 người ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh tử vong ở Angola do tai nạn, sốt rét hoặc cướp giết hại. Hầu hết gia đình những người này đều là hộ nghèo và mang trên mình món nợ lớn. Vòng tròn nghèo đói, nợ nần lại đeo bám người dân không biết đến khi nào mới thoát.

Biết là rủi ro nhưng vẫn đi

Thông thường, chi phí mỗi lao động phải nộp cho "cò” hoặc công ty môi giới để sang Angola làm việc dao động từ 6.000 – 7.000 USD. Người lao động đi "chui” nên không được đào tạo tay nghề cũng như ngoại ngữ nên khi sang đất Angola phải làm những nghề vất vả, khổ nhọc như thợ xây, sửa chữa, photocopy…thu nhập cũng thất thường do người lao động không được cơ quan, tổ chức nào bảo hộ. Vì vậy bên cạnh những người "phất” lên nhờ may mắn thì đa phần người lao động gặp nhiều những rủi ro, nguy hiểm.

Hà Tĩnh có hàng nghìn người lao động "chui” tại Angola, trong đó huyện Kỳ Anh là đông nhất, con số thường dao động từ 500 – 600 người, đây cũng là nơi thường xuyên nhận được tin buồn từ Angola gửi về. Mặc dù người lao động ở Hà Tĩnh biết rằng sang Angola thì chỉ có thể đi "chui” vì nước ta chưa ký kết hợp tác lao động với nước bạn và chưa có tổ chức, cá nhân nào được phép đưa lao động sang Angola làm việc. Các địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên mạo hiểm khi sang Angola, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều cảnh báo khi đưa tin về những bất trắc, hiểm nguy, tai nạn rình rập người lao động Việt Nam tại Angola, nhưng người dân vẫn bất chấp tất cả. Chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh Quý nói trong nước mắt: "Tôi cũng khuyên can chồng không nên đi nhưng do túng quẫn quá anh ấy vẫn quyết tâm, bây giờ không những không trả được nợ cũ mà còn mắc thêm nợ mới nhiều hơn, lại còn mất mạng. Giá như tôi dứt khoát hơn thì đâu đến nỗi…”.

Tình trạng tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép trở nên đáng báo động trên địa bàn Hà Tĩnh khi gần đây nhiều đường dây bị công an triệt phá. Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng và cần thiết trong việc giải quyết việc làm và giảm nghèo, tuy nhiên, người lao động cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ con đường mà mình lựa chọn, phòng tránh "tiền mất tật mang” và các rủi ro có thể xảy ra. 
Theo Hạnh Nguyên Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây