Lạm thu trong giáo dục, bắt đúng bệnh, có ngay “thuốc đặc trị”?

Thứ ba - 01/05/2018 14:54
Giải trình về bất cập trong công tác xã hội hóa giáo dục, Sở GDĐT Nghệ An đưa ra nhiều lý do, nhưng còn chung chung, không nêu bật được nguyên nhân chính; dẫn tới không có giải pháp hiệu quả.

Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi (ảnh: NTV)

Hiệu trưởng tùy tiện đặt ra các khoản thu

Ngày 15.12, tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GDĐT đã đọc văn bản giải trình về những vấn đề liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục trong trường phổ thông; những bất cập, tồn tại và giải pháp.

Trong phần tồn tại, hạn chế, Sở GDĐT Nghệ An cho rằng: Một số cán bộ và nhân dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mang nặng tính bao cấp; chính quyền địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn; nhu cầu lớn nhưng nguồn thu ít; công tác xã hội hóa chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch, còn mang tính áp đặt.

Về nguyên nhân, theo Sở GDĐT Nghệ An, do chính sách về xã hội hóa giáo dục chưa kịp thời, chưa phù hợp; một số Hiệu trưởng tùy tiện đặt ra các khoản thu; xã hội chưa vào cuộc cùng nhà trường trong việc “xin tiền”; công tác phê duyệt, kiểm tra còn hạn chế…

Nội dung đánh giá về hạn chế, tồn tại trong công tác xã hội hóa giáo dục như trên còn mang tính chất chung chung; chưa chỉ ra được những bất cập, bức xúc của tình trạng lạm thu, chưa chỉ ra được nguyên nhân, thủ phạm chính. Dẫn tới các giải pháp mà Sở GDĐT nêu ra đều mang tính chất chung chung; không có biện pháp cụ thể, lộ trình rõ ràng.

Đâu là “chính danh thủ phạm”?

Trường Mầm non Hưng Thắng để xảy ra lạm thu nhưng Hiệu trưởng chỉ bị  kỷ  luật cảnh cáo

 

Đã từng có thời gian làm GV phổ thông hơn 10 năm, và qua thực tế cuộc sống, tôi có thể khẳng định, nguyên nhân, và đối tượng phải chịu trách nhiệm chính, duy nhất của tình trạng lạm thu, chính là Hiệu trưởng các trường.

Cần nắm rõ khái niệm “lạm thu”, nghĩa là thu quá mức, thu sai, thu tùy tiện; chứ không phải thu nhiều hay thu ít. Trường vận động được hàng tỷ, mà công khai, minh bạch, tự nguyện, vì cái chung, thì đó là tốt, cần khuyến khích; còn chỉ thu vài chục triệu thôi, mà nhập nhèm, tư túi, tư lợi, bất minh, thì đó là lạm thu.

Nói lạm thu còn nhẹ nhàng, bản chất của nó là tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tư lợi cá nhân; tận thu của những người nghèo để làm giàu bất chính cho cá nhân hoặc nhóm người.

Không thể nói vì trường khó khăn dẫn đến lạm thu. Một thực tế là tình trạng lạm thu thường xảy ra ở các trường có điều kiện kinh tế khá, giàu, vùng thuận lợi; còn các trường vùng cao, vùng khó khăn, lại ít, hay hầu như không có lạm thu. Thậm chí ở các trường này, thầy cô còn phải bỏ tiền túi vận động HS đến trường, giúp đỡ các em khó khăn.

Cũng không thể biện lý do các Hiệu trưởng chưa nắm rõ các quy định về xã hội hóa, thu chi, quản lý tài chính…Các Hiệu trưởng đều đã được đào tạo về nghiệp vụ quản lý; các văn bản hướng dẫn đã rất đầy đủ. Nếu không hiểu rõ, thì nên nghỉ cho người khác làm.

Chỉ có một lý do duy nhất, là tìm cách thu cho nhiều, để “biến hóa”, thu lợi riêng, chạy thành tích, lo lót quan hệ… Vì vậy, mới có chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ; năm nào cũng mua đồ chơi, nhưng các cháu không được chơi; trường sắp giải tỏa, nhưng vẫn vẽ ra “dự án” mái tôn che mưa lên đến gần 150 triệu đồng; rồi “sáng tạo” ra các khoản thu….

Vào đầu năm học, phụ huynh nhiều trường đề nghị nhiều lần với GV chủ nhiệm cung cấp danh sách chi tiết các khoản thu, nhưng bị từ chối. Trường cũng không niêm yết các khoản thu, không có biên lai, thu nhiều khoản trái quy định… Thu xong, chi như thế nào, phụ huynh không hề biết.

Không ít người, sau một, hai khóa Hiệu trưởng, thì tài sản đã tăng lên cấp số nhân, nhà, đất, xe ô tô… đủ cả.

Và “thuốc đặc trị”?

Các Hiệu trưởng chỉ sợ mỗi... mất chức. Chức gắn với quyền, gắn với lợi, với danh; nhàn nhã, uy quyền mà lại có tiền. Vì vậy, để chấm dứt lạm thu, chỉ cần một “liều thuốc” hết sức đơn giản mà hữu hiệu, đó là ban hành quy định cách chức ngay Hiệu trưởng nào lạm thu. Làm sẵn bản em kết, cho các Hiệu trưởng ký vào; nếu phát hiện lạm thu, thì cứ thế, nghỉ. Còn cứ xử lý xuê xoa, rút kinh nghiệm “nghiêm túc”, rồi khiển trách, phê bình, xếp loại thi đua… thì chỉ như nước đổ đầu vịt.

Vào đầu năm học 2016 -2017, Hiệu trưởng Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) lạm thu, phát ngôn gây bức xúc cho phụ huynh, nhưng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, vẫn yên vị ghế Hiệu trưởng. Vì vậy, dân bức xúc, khiếu kiện, nhiều lần cho con nghỉ học, với yêu cầu Hiệu trưởng phải chuyển đi nơi khác, đến nay vẫn chưa yên.

Để có cơ sở phát hiện, xử lý lạm thu, yêu cầu Hiệu trưởng các trường phải triệt để tuân thủ quy định công khai các khoản thu chi, trên các phương tiện như website của trường, niêm yết tại bảng tin; cung cấp cho các tập thể, cá nhân, báo chí khi có yêu cầu. Nếu vi phạm nguyên tắc công khai, phải lập tức kỷ luật. Vì không công khai, nghĩa là mập mờ, gian dối.

Nếu không bắt được đúng bệnh, và không có liều thuốc đắng, thì năm nào ngành cũng hô hào “chống”, nhưng lạm thu vẫn mãi là bóng đen làm u ám khí quyển giáo dục.

Theo Sở GD - ĐT Nghệ An, từ năm học 2011-2012 đến hết năm học 2015-2016, ngành giáo dục các cấp đã vận động được 837 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2015-2016, ngành giáo dục thu được 228,7 tỷ, so với trước đây khi đang thu tiền xây dựng năm cao nhất cũng chỉ thu được 63 tỷ.
Theo Quang Đại Lao động

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây