Trụ sở làm việc của UBND xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) mở ra trước mắt chúng tôi sự tráng lệ và kiêu hãnh. Dòng chữ “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” trên nền vàng, chữ đỏ trước trụ sở xã làm chúng tôi nghĩ rằng, nơi đây việc chấp hành luật pháp sẽ nghiêm túc. Tiếc thay... Nói trắng phớ ra, 1.600 hộ dân với 7.000 nhân khẩu ở Gia Hanh đã bị tước đoạt đi những quyền lợi chính đáng.
5 năm qua, xã Gia Hanh huy động nguồn lực trong nhân dân đến mức quá nặng nề. Xin đề cập hai công trình là trụ sở làm việc và hội trường UBND xã. Theo lãnh đạo xã Gia Hanh thì tổng mức xây dựng của hai công trình này lên đến 6,3 tỷ đồng. Ngoài một phần hỗ trợ của tỉnh và huyện, toàn bộ kinh phí còn lại do ngân sách xã và dân đóng góp.
Chính quyền xã Vĩnh Lộc huy động hơn 1,2 tỷ đồng của nhân dân để xây dựng trụ sở UBND
Báo cáo của UBND xã Gia Hanh tại kỳ họp HĐND xã vào tháng 1/2015, cho biết: Năm 2014 thu ngân sách đạt trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, thu đóng góp của nhân dân để trả nợ xây dựng hội trường UBND xã là 849 triệu đồng. Cụ thể, thu theo khẩu: 5.945 khẩu x 100.000 đồng/khẩu = 594 triệu đồng; thu theo diện tích: 8.500 sào x 30.000 đồng/sào = 255 triệu đồng.
Và dự toán thu khoản trả nợ xây dựng hội trường này trong năm 2015, UBND xã Gia Hanh trình HĐND xã quyết thu cho bằng được số tiền 855 triệu đồng. Trong đó, thu 600 triệu đồng của 6.000 khẩu và 255 triệu đồng của 8.500 sào ruộng. Với cách thức này thì trong 3 năm, UBND xã này sẽ thu của người dân đạt số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Trinh – Bí thư Đảng ủy xã Gia Hanh thì hội trường này có dự toán xây dựng 3,8 tỷ đồng (cấp tỉnh cho 500 triệu đồng và huyện cho 1,5 tỷ đồng). Vậy thì số tiền thiếu chỉ còn đúng 1,8 tỷ đồng. Xem báo cáo của UBND xã, trong các năm không có mục nào là ngân sách xã chi cho công trình này. Vì sao thế?
Cách đó không xa, UBND xã Vĩnh Lộc cũng vừa đưa vào sử dụng công trình trụ sở cao 3 tầng với tổng mức đầu tư 5.592.068.383 đồng. Hiện công trình đã được thanh toán 3,344 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đã đóng góp 1,239 tỷ đồng. Xã này thu 170.000 đồng/khẩu/năm (thu 3 năm).
Ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND vã Vĩnh Lộc cho rằng xây dựng trụ sở UB cũng phải huy động nhân dân đóng góp
Chúng tôi hỏi ông Phạm Đức Hướng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc rằng, ông có biết tên các công trình do vốn Nhà nước đầu tư 100% không? Lúc đầu thì ông nói không biết, sau đó thì ông bảo chỉ có công trình quốc phòng và đường điện thắp sáng. Còn như trụ sở thì vẫn phải huy động đóng góp của nhân dân.
Cũng câu hỏi đó, chúng tôi nhận được câu trả lời của ông Nguyễn Văn Trinh – Bí thư Đảng ủy xã Gia Hanh rằng: Sự thật là huyện có cho thu thì địa phương mới thu của dân. Hàng năm, UBND xã đều có báo cáo dự toán thu, chi ngân sách về phòng tài chính kế hoạch và UBND huyện để được phê duyệt. Tất cả các nội dung, số liệu trong báo cáo của xã được huyện phê duyệt rồi xã mới dám thực hiện.
“Đúng là hôm nay các nhà báo trao cho tôi xem một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ và của HĐND tỉnh thì mới biết là có những công trình do vốn Nhà nước đầu tư 100%, có công trình Nhà nước hỗ trợ 60 – 90% vốn. Sự thực là có nhiều văn bản của cấp trên chúng tôi không được tiếp cận hoặc tiếp cận có những nội dung không hiểu” – ông Trinh tự sự.
Lãnh đạo ở cơ sở do không được tiếp nhận văn bản của cấp trên, hay họ bị “ém nhẹm” hay chính họ “ém nhẹm” hoặc cố tình không hiểu để tận thu cho bằng được các khoản đóng góp nặng nề của nhân dân?
Các quy định của Chính phủ về việc huy động đóng góp của nhân dân ở một số xã thuộc huyện Can Lộc còn xảy ra tình trạng, hoặc là người dân không biết, hoặc biết nhưng không thể đấu tranh đòi quyền lợi vì họ sợ.
Chúng tôi tìm hiểu ở các thôn thuộc xã Vĩnh Lộc. Đề cập đến các khoản thu, cả ông Bí thư chi bộ Nguyễn Quang Thư và Trưởng thôn Thượng Triều La Văn Huấn đều nhận định: Các khoản thu nặng và việc người dân thắc mắc là đúng.
Ông Thư nói thẳng: “Bản thân tôi làm Bí thư chi bộ, chúng tôi là cán bộ thật, nhưng tôi nói các khoản thu là nặng, hết sức vất vả cho nhân dân. Dân ở đây chủ yếu SXNN, làm ruộng nhưng diện tích ngày càng ít, năng suất chỉ tầm 2,7 tạ/sào, ngành nghề phụ cũng ít”.
Trưởng thôn Huấn nói thêm vào: “Có diện tích ruộng nằm dưới đồng trũng, dân không cấy nhưng UBND xã vẫn cứ thu. Có khoản thu không hề có kế hoạch”.
Chiến dịch thu nộp ngân sách năm 2015 ở Vĩnh Lộc kéo dài 7 ngày (từ 15/6 đến 23/6), nhưng đến thời điểm này thôn Thượng Triều mới chỉ thu được khoảng 2/3 so với chỉ tiêu của xã. Cả thôn có 125 hộ dân, đi xa nhiều, ở nhà chỉ dao động từ 94 đến 97 hộ. Người dân trong thôn phản ánh, họ đang phải nai lưng ra đóng góp các khoản xây dựng vừa nặng nề vừa hết sức vô lý. Từ trụ sở, trường học cho đến nhà văn hóa...
Ví dụ công trình trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc. Theo phương án vận động, mỗi khẩu dân ở xã Vĩnh Lộc phải nộp 510 ngàn trong 3 năm. Xã Vĩnh Lộc có xấp xỉ 3.000 khẩu phải thu, tức gần 1,5 tỷ đồng. Đến nay các thôn vẫn chưa thu đủ vì có những nhân khẩu đã chết rồi. Đối với những trường hợp này, có một số vận động con cái đóng nộp, có một số vẫn treo trên phương án vì chưa có hướng dẫn nào xóa các khoản nợ đó cả.
Để buổi làm việc với Bí thư, trưởng thôn Thượng Triều thực sự khách quan, chúng tôi mời thêm các ông Bùi Quốc Đàn, Nguyễn Huy Lan, Hồ Thìn, Nguyễn Thị Bình, anh Oanh Kính... Bàn về các khoản thu và quy chế dân chủ cơ sở, ông Đàn nói: Thực ra, khi vận động người dân thu tiền xây trụ sở UBND, chúng tôi đồng tình bởi vì tưởng đó là nghĩa vụ bắt buộc. Nếu không đóng thì nhiều khi bầu hộ nghèo bị gạt ra khỏi diện bình xét, con em đi xa không được đóng dấu giao dịch nên bắt buộc phải đóng các chú ạ. Chứ nếu biết qui định không phải đóng thì chúng tôi không đóng.
“Còn chuyện họp dân thì thực tình như ri, thôn có gần 100 hộ may ra được 30 hộ đi họp, chủ yếu là các bà, đấu tranh không có. Ví dụ đóng 170 ngàn đồng mỗi năm, thu trong ba năm thì dân làm vừa đóng nộp hết chứ không đủ ăn. Người dân kiến nghị cũng nhiều nhưng biên bản viết rồi bỏ đó. Các cuộc họp hành tôi nói, ta đừng bầu thư ký vì viết ra cũng nỏ được chi cả, biên bản cũng vô dụng. Nếu thu đúng các loại quỹ Nhà nước quy định, nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Còn những khoản như xây dựng trụ sở, nhà văn hóa, trường học... họ làm xong 2-3 năm rồi mới bổ đầu dân để thu. Hộ nghèo cũng phải đóng nộp. Có loại quỹ năm ngoái bị tuýt còi bãi bỏ thì năm nay chuyển sang tên gọi khác như quỹ văn hóa xã hội” – ông Đàn bức xúc.
Người dân thôn Thượng Triều
Hầu hết các ý kiến bức xúc của nhân dân đều được ông Bí thư chi bộ và trưởng thôn rất tán thành. Còn nữa, theo phản ánh của cán bộ và nhân dân thôn này, sau khi tu bổ và đưa Trường THCS Khánh Vĩnh đạt chuẩn giai đoạn 2, huyện Can Lộc giao cho xã Vĩnh Lộc thu 300 triệu đồng để trả nợ. Với mức chỉ tiêu này, xã Vĩnh Lộc phải vận động mỗi khẩu đóng nộp 150 ngàn đồng. Đáng lưu ý ở chỗ, có những gia đình có con đi học phải chấp nhận đóng 2 lần. Một lần ở địa phương và một lần ở trường học. Trong khi trường đã xây xong lâu rồi.
“Dân họ không đồng tình nộp mỗi khẩu 150 ngàn đồng để trả nợ xây dựng, tu bổ trường học. Tôi là đại biểu HĐND 3 khóa, cũng không đồng tình và không biểu quyết Nghị quyết đó của xã. Tại cuộc họp Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND xã Phạm Đức Hướng nói là huyện giao cho xã 300 triệu đồng. Nếu thế thì huyện sai. Bởi vì khi tu bổ, xây dựng trường học, làm ở đâu nhân dân không biết, xong rồi, công nhận chuẩn mức 2 rồi mới về xin dân để trả nợ”, Bí thư Nguyễn Quang Thư nói thẳng.
Về công trình Nhà văn hóa Thượng Triều. Được biết, công trình này đã đưa vào sử dụng từ 3 năm nay nhưng đến vụ này, UBND xã Vĩnh Lộc vận động người dân đóng góp để trả khoản nợ 60 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ dân phải nộp 500 ngàn đồng.
Trưởng thôn La Văn Huấn nói: “Chủ tịch UBND xã nói thu đối ứng mỗi hộ 500 ngàn. Tôi chẳng hiểu chi, công trình làm xong 2-3 năm nay rồi”.
Nếu có ai thắc mắc về những giọt nước mắt rơi xuống trong chiến dịch thu ngân sách xin hãy gặp ông Nguyễn Huy Lan ở thôn Thượng Triều. Người đàn ông này liên tục rơi nước mắt khi uất nghẹn nói về các khoản thu sai trái của xã và các “hình phạt” cấm giao dịch khi nhân dân chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng nộp...
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn