Loạn phí, "chẳng nhẽ lại bán xe đi"

Thứ tư - 07/06/2017 17:31
Tất nhiên, khi hạ tầng chưa đảm bảo thì việc tăng thuế để hạn chế sắm xe cá nhân là một trong những cách khá dễ mà các nhà quản lý thường làm. Nhưng phí thì lại khác, nó cần sự rõ ràng, minh bạch, và cần phải được đầu tư lại đúng như ý nghĩa của nó chứ không phải cứ thu vô tội vạ rồi... vào đâu chả biết.

Hôm nay tôi đi đăng kiểm xe và bàn bên cạnh nơi thu phí đăng kiểm là nơi thu phí đường bộ. Tổng cộng đóng hết...  bốn triệu năm trăm bảy chục ngàn cho 3 năm xe lăn bánh. Bắt buộc phải đóng... Cấm cãi!

Đóng xong kéo nhau ra cà phê mới nghe các “đồng nghiệp” kể… một trời ấm ức.    

Ấy là, cái xe ô tô ở Việt Nam đã chịu cảnh đắt nhất thế giới rồi với các loại thuế chồng thuế chéo thuế tầng thuế lớp để nó đắt gấp ba bốn lần giá gốc, mà mua về còn đủ loại phí để có thể lăn bánh. 

Đã có một loại phí thu qua xăng, rất ít người biết là bao nhiêu tiền trên một lít. Món này mấy anh mua xăng về chạy máy nổ, máy bơm, thậm chí mua về xài bật lửa, tức là chả liên quan gì việc chạy trên đường cũng bị... chung vui. 

Có cái phí như chúng tôi vừa đóng, đâu như 130 ngàn một tháng cho xe dưới 9 chỗ, cứ đóng, tính theo thời gian chứ không theo cây số chạy, tức là, anh không chạy, hoặc chạy rất ít vẫn phải đóng giống như anh chạy suốt mười mấy tiếng một ngày. Cái này nó tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa các xe. 

Rồi lại còn đi đâu phải... mua đường đấy nữa, là nói các trạm thu phí BOT dày đặc trên tuyến đường Bắc Nam hiện nay. Cái này cũng nhiều điều đáng nói. Ví dụ như quốc lộ 19 từ Pleiku - Quy Nhơn mà tôi hay đi, vé qua trạm là 140.000 đồng cho cả đi và về. Mà 2 đoạn thu phí lại là 2 đoạn đang tốt nhất trên quãng đường này, nhà thầu dựa trên nền đường có sẵn, đổ nhựa rồi... thu phí.

Trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có mức thu từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt. Ảnh: CAO NGUYÊN - Người Lao động. 

Nhớ hồi họp bàn, một lãnh đạo Sở xây dựng Gia Lai phát biểu thẳng băng trước rất nhiều quan chức: Đã làm thì chọn chỗ đã hỏng mà làm, tôi không hiểu sao lại chọn chỗ tốt chừa chỗ hỏng lại. 

Thực ra vị này còn tránh nói một sự thật hiển nhiên nữa, ấy là đã làm đường theo dạng BOT thì nhà thầu phải làm mới hoàn toàn, còn đường cũ là dân đã đóng thuế để làm rồi, dân phải được đi. Đằng này, độc đạo thế, ông xới lên tráng nhựa rồi bắt tất cả phải mua vé, không có lựa chọn thứ 2. Đấy là kiểu bắt chẹt chứ không phải là phục vụ dân. Và cũng nghe nói cái đoạn quây lại thu phí ấy cũng chưa đủ 70 ki lô mét như quy định. 

Cũng như thế, đường từ Gia Lai sang Đăk Nông chừng 300 cây số có đến 5 trạm thu phí, cả đi và về là 10 lần mua vé. Tin nổi không ạ?    

Thế rồi mới lan man ra bao chuyện nữa. Nào là tiền đóng như thế, nhưng chạy xe muốn kiếm chỗ đậu không có, cứ chạy lòng vòng như bị... vợ đuổi. Trong khi lẽ ra với tiền thu được ấy phải đầu tư lại cho hạ tầng, trong đấy có chỗ đậu xe chứ cho mua xe, thu phí chạy mà không có chỗ cho đậu xe thì bằng nhau đánh đố à, chưa kể chỗ nào có thể đậu được thì cũng bị giăng dây thu phí đỗ xe, quy định một nẻo, người thu một đường, cấm cãi, cấm thắc mắc.    

Tất nhiên, khi hạ tầng chưa đảm bảo thì việc tăng thuế để hạn chế sắm xe cá nhân là một trong những cách khá dễ mà các nhà quản lý thường làm. Nhưng phí thì lại khác, nó cần sự rõ ràng, minh bạch, và cần phải được đầu tư lại đúng như ý nghĩa của nó, chứ không phải cứ thu vô tội vạ rồi...  vào đâu chả biết. Các trạm thu phí cầu đường hiện nay đang có rất nhiều ý kiến là một minh chứng.    

Chả lẽ lại bán xe đi, một ông ngao ngán kết thúc cuộc cà phê... phí. 
Theo Văn Công Hùng Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây