Đến Phú Gia vào một chiều nắng gắt đầu tháng 4/2016, đặt chân vào đền cổ Trầm Lâm, không khí mát dịu khiến bao mệt mỏi của phóng viên Phapluatplus.vn dường như tan biến.
Đền thiêng Trầm Lâm gắn liền với những truyền thuyết linh thiêng và hiện đang lưu giữ những bảo vật vô giá thời Vua Hàm Nghi để lại.
Theo ông Lưu Văn Khâm (67 tuổi, xã Phú Gia, Hương Khê), người có “thâm niêm” bảo quản, trông coi đền Trầm Lâm gần 12 năm nay thì sự hình thành đền thiêng này gắn liền với câu chuyện huyền bí xa xưa.
Cuối thế kỷ thứ XIV, khi triều đình phong kiến nhà Trần suy vong, nhà Hồ lên cai trị. Lúc bấy giờ, nhà Minh (giặc phương bắc) mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” tiến hành xâm lược nước ta.
Nhân dân lâm vào cảnh nô lệ lầm than, đầu rơi, máu đổ, tiếng khóc than thấu tận trời xanh… Nhằm giúp nhân dân thoát khỏi nạn giặc xâm lăng, thiên đình đã sai một vị tiên nữ xuống trần gian ra tay nghĩa hiệp.
Sau khi đánh tan giặc Minh, vị tiên nữ này không bay về trời mà tiếp tục “ở” lại trần gian, phù trợ con người.
| |
Đến Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) với khung cảnh thơ mộng nhưng gắn liền với bao câu chuyện huyền bí. |
Tương truyền rằng, trong một lần đi lạc vào rừng, một cụ già ở làng Âu Sơn (nay là xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nhìn thấy từ xa, ẩn trong sương mờ có một hồ nước nhỏ và chiếc thuyền độc mộc.
Đứng trên thuyền là một người phụ nữ tóc trắng, mặc quần áo màu xanh. Khi cụ già tiến lại gần thì người phụ nữ và thuyền độc mộc đột nhiên biến mất.
Quá hoảng sợ, cụ già chạy về làng báo lại sự việc cho các bô lão và dân chúng trong làng. Lúc mọi người chạy đến xem thì hiện trường chỉ còn lại một hồ nước rộng chừng 3 sào, nước trong xanh, sâu thẳm, linh khí rùng rợn.
Sau khi họp bàn và khấn âm dương, bô lão, người dân trong làng Âu Sơn quyết định dựng lên trên bờ hồ một cái miếu nhỏ.
Trong miếu có điện thờ (bàn thờ) và tấm bảng mộc chủ khắc dòng chữ: “Thánh Mẫu Trầm Lâm Kiêm Lục Quốc Thanh Y Diệu Ngọc Thiên Thần” (sau này người dân quen gọi là đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm hoặc đền Trầm Lâm).
Các bô lão xã Phú Gia hành lễ tại đền Trầm Lâm. |
Một điều lạ, từ khi người dân lập miếu, hương khói thờ phụng, nước trong hồ trở nên tinh khiết, xuất hiện nhiều rùa, cá bơi lượn, cũng từ đó dân chúng Âu Sơn được trời phù hộ, ít ốm đau, trâu đầy đàn, lúa đầy bồ.
Tiếng lành đồn xa, người dân làng Chi Nại ở kế bên nghe thấy và ganh tỵ với làng Âu Sơn.
Năm 1685, người dân Chi Nại lập mưu, dùng vũ lực phân chia địa giới với làng Âu Sơn để lấy đền thờ Thánh Mẫu Trầm Lâm. Vụ việc sau đó phải nhờ đến sự phân xử của quan huyện ở tổng Hương Khê.
Sau khi quan huyện xử thấu tình đạt lý, đền thiêng thuộc về người dân Âu Sơn và từ đó về sau người Chi Nại không tranh chấp nữa.
Hiện nay, vào những ngày nghi lễ trọng đại, người dân hai làng Âu Sơn (Phú Gia) và Chi Nại (nay là xã Gia Phố, H.Hương Khê), đều tập trung tại đền thiêng Thánh Mẫu Trầm Lâm để hương khói, cầu nguyện.
Đến câu chuyện cá thần nấu 7 ngày đêm… vẫn sống
Đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm bây giờ đã được tu bổ nhiều. 20 cột trụ và toạn bộ mái trần được lắp đặt bằng gỗ lim quý nên trông đền rất vững chắc, toát lên vẻ cổ kính, linh thiêng.
Phía trước chính diện đền là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt đường kính khoảng 40m. Thành hồ cao khoảng 1,5m, được tạo nên bởi một lớp đá ong viền tự nhiên rất đẹp.
Cụ Trần Kim Tăng (86 tuổi, xã Phú Gia), cho biết, đã từ lâu, người dân địa phương vẫn quen gọi hồ bằng một cái tên khác là “giếng không đáy”.
Đền Trầm Lâm nằm ở phía Đông Nam của xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Là chứng tích cách mạng qua các thời kỳ. Từ 1930 - 1931, đền là cơ sở của Chi bộ Đảng cộng sản xã Phú Gia. Từ 1965 đến 1972 đền là điểm dự trữ quân lương phục vụ chiến trường miền Nam. Vào năm 1968, biết đền là vị trí quan trọng, không quân Mĩ đã oanh tạc khu vực này và phá hoại cảnh quan tự nhiên của đền. Vào năm 2002 đền được Bộ VH – TT - DL công nhận là di tích cấp quốc gia, đền đang được nhà nước đầu tư tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. |
“Giếng không đáy” có đặc điểm là rất sâu, chưa ai có thể lặn xuống chạm được đáy. Đặc biệt giếng có nước trong xanh biếc, màu nước thay đổi theo bốn mùa, dù đại hạn lâu ngày vẫn chưa lúc nào vơi, vào mùa lũ lụt mực nước chỉ cao thêm một gang tay.
Cũng theo cụ Tăng, vì giếng sâu kỳ lạ và rất thiêng nên từ trước, đã có nhiều du khách trong, ngoài nước tới tham quan ngoại cảnh.
Vào năm 1895, có một “ông Tây” (người nước ngoài) cưỡi ngựa mang dây đến cột vào đầu một hòn đá để đo độ sâu của giếng. Khi hòn đá kéo hết cuộn dây dài hàng trăm mét nhưng vẫn chưa tới đáy giếng.
“Ông Tây” sau đó ra về và hứa lần sau tới sẽ chắp thêm dây để tiếp tục đo. Mặc cho người dân ngóng chờ, mãi vẫn không thấy “ông Tây” trở lại khiến tiếng lan truyền “giếng không đáy” cũng có từ đó.
“Giếng không đáy” trước đền thiêng Trầm Lâm, phẳng lặng như một chiếc hồ chưa bao giờ cạn nước. |
Một chuyện khác liên quan đến “giếng không đáy” là vào trận lũ năm 1960, cụ Nguyễn Mọt (nhà ở gần đền) đã cầm lưới vào giếng bắt được một con cá nặng hơn 1kg.
Lúc về, cụ Mọt bỏ cá vào nồi nấu. Nhưng điều lạ là dù đã nấu tới 7 ngày 7 đêm nhưng cá vẫn không chín. Thậm chí lúc cụ Mọt vớt ra khỏi nồi, cá vẫn cứ dãy dụa, máu tươi từ hai bên mang tiếp tục chảy ra từng giọt.
Quá hoảng sợ, cụ Mọt phải đưa con cá bỏ lại “giếng không đáy đáy” để cá tự bơi xuống đáy. Từ đó về sau, người dân trong vùng lan truyền “giếng không đáy” có cá thần và không một ai dám đến bắt cá trong giếng thiêng nữa.
Những huyền thoại về đền Trầm Lâm cứ mãi lưu truyền qua bao thế hệ, như là một nét văn hóa đối với những người dân Phú Gia.
Kỳ II: Đền Trầm Lâm còn gắn liền với những chứng tích lịch sử, những bảo vật vua ban được gìn giữ cẩn thận cho con cháu mai sau.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn