Đã đi qua gần nửa đời người mà Phong vẫn là kẻ lông bông, không có công ăn việc làm ổn định. Lớn lên bên người mẹ hiền lành tần tảo, nhưng hắn cũng không chịu chí thú làm ăn để bù đắp những vất vả cho mẹ. Hắn chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền bằng hành vi phạm pháp.
Ngôi nhà nơi xảy ra án mạng
Chỉ tại cái lười
Theo anh Nguyễn Văn Hùng (hàng xóm của nạn nhân), khoảng 11h30 ngày 16/6/2012, có một thanh niên điều khiển xe máy mang biển số 60S4-9976 đến cửa hàng bán quần áo AC (địa chỉ 396, đường Phạm Văn Thuận, khu phố 2, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) để xem đồ. Đến đây, hắn quan sát thấy trong cửa hàng quần áo này chỉ có một mình ông Phạm Đức Nghi (69 tuổi, quê ở Thành phố Hải Phòng) đang bán quần áo nên y đã khống chế chủ cửa hàng để cướp tài sản.
Ngay lập tức, hắn rút một con dao thủ sẵn trong người gí vào người ông Nghi khống chế để đòi tiền. Bị tấn công bất ngờ, ông Nghi phản ứng lại nhưng tên cướp nhanh tay dùng dao cứa ngang cổ ông. Ông Nghi xô ngã được tên cướp chạy ra ngoài và yếu ớt hô hoán.
Nghe tiếng hô của hàng xóm, anh Hùng chạy từ trong nhà ra chộp lấy cái ghế định ném vào tên cướp. Nhưng khi thấy hắn bỏ chạy, anh Hùng đã lao vào bắt lại. May mắn khi đó có người đi đường chạy đến phụ giúp anh Hùng bắt tên cướp. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng cảnh sát 113, đối tượng cướp của, giết người đã bị bắt giữ giao cho công an tỉnh xử lý.
Về phía nạn nhân Phạm Đức Nghi, anh Hùng và một số người gọi xe đưa ông Nghi đi cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, ông Nghi đã tử vong.
Tên cướp là Nguyễn Quang Phong (29 tuổi, trú tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Lúc bị người dân bắt giữ, trên mặt Phong còn đầy vết máu, miệng lắp bắp liên hồi: “Em thiếu nợ 18 triệu đồng nên làm liều, em không định giết ông ấy”. Vụ việc đang được cơ quan công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra làm rõ.
Nguyễn Quang Phong khi bị bắt
Nỗi đau còn đó
Khi chúng tôi tìm đến đầu đường Phạm Văn Thuận, chưa kịp hỏi địa chỉ nơi xảy ra vụ án, thì đã nghe người dân từ chú bán nước đến bà bán xôi bàn tán. Cái chết tức tưởi của ông Phạm Đức Nghi khiến những người dân vốn thuần chất ở khu vực này vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bà Lanh (hàng xóm gần shop quần áo A.C), giọng khản đặc vì hai hôm nay phải trả lời nhiều câu hỏi của những người hiếu kỳ. Bà kể lại trong sự xót xa xen lẫn bức xúc: “Đây là tiệm quần áo của con trai ông Nghi. Ông ấy ở đây đã bao nhiêu năm, là người xứ khác đến làm ăn nhưng không bao giờ to tiếng với ai. Người hiền lành thế mà chết oan uổng, cả gia đình nhà ấy con cái ngoan, chăm chỉ làm ăn lắm. Sự việc xảy ra đau lòng quá. Dù không phải quan hệ ruột thịt, nhưng tôi cứ ăn không ngon, ngủ không yên, vừa thương gia đình người ta, vừa căm phẫn tên cướp, người đâu mà ác thế”.
Còn anh Hùng thì chép miệng: “Tên cướp này rất liều, giữa ban ngày ban mặt mà nó dám làm như thế. Mấy hôm trước tôi đã thấy nó đi qua đi lại, chắc là nghiên cứu địa bàn, nhưng tôi không để ý, bây giờ biết thì quá muộn”.
Được sự chỉ dẫn của những người hàng xóm, chúng tôi đến bệnh viện Đồng Nai, nơi xác ông Nghiêm được người nhà bảo quản ở đó. Rất khó khăn để tiếp xúc với bà Thi (vợ ông Nghi), bởi bà đang trong tâm trạng đau đớn.
Bà Thi nói trong tiếng nấc nghẹn: “Hôm đó đáng ra giờ trực cửa hàng vốn là của bà, nhưng mấy hôm nay được nghỉ hè, con cháu bà về quê chơi nên bà phải lo cơm nước ở nhà. Ông Nghi thương vợ con nên ra trông nom giúp. Lúc 11h bà còn đưa cơm ra cho ông Nghi, xong về đến nhà, mới dọn mâm cơm ra thì nghe người ta gọi điện thoại báo ông bị cướp tấn công. Tôi cứ nghĩ ông chỉ bị thương thôi, ai ngờ...
Khi bà đến, người ta đã đưa ông Nghi vào bệnh viện. Bà ngất đi khi bác sĩ thông báo ông đã tắt thở. Với bà, sự việc đã qua như một cơn ác mộng, bởi không ai có thể ngờ rằng chỉ trong tích tắc, tên côn đồ dễ dàng cướp đi mạng sống của người thân mình như thế.
Gia đình bà Thi quê gốc ở Hải Phòng. Trước, bà làm ở một công ty dược, còn ông Nghi làm thờ nguội. Cuộc sống của vợ hai chồng tuy không khá giả nhưng rất hạnh phúc và đầm ấm. Hai ông bà sinh được bốn người con, hai trai hai gái. Rất vất vả, khó khăn về kinh tế nhưng ông bà cũng cố gắng chăm sóc con cái nên người. May mắn thay con cái ông bà đều ngoan ngoãn. Hai cô con gái đã có gia đình ở quê, còn hai người còn trai lấy vợ xong vào Biên Hoà lập nghiệp.
Mấy năm nay khi được về hưu, ông bà có thời gian vào ở cùng con để giúp con việc nhà cửa. Bình thường các con ông bán hàng, bởi kinh doanh quần áo phải dành cho lớp trẻ lanh lợi, chỉ khi con cái bận công việc, ông bà mới ra phụ giúp, hoặc những buổi trưa khi các con về nhà ăn cơm, ông ra trông giùm. Còn những ngày bình thường, hai ông bà lo việc cơm nước, đưa đón mấy đứa cháu đi học.
Bà Thi bảo: “Từ hôm ông Nghi bị kẻ cướp giết, cả nhà như rơi vào tâm trạng trầm cảm vì quá đau đớn. Bà cho biết, gia đình phải đưa thi thể ông Nghiêm về quê để lo mai táng, vì ở đây bà vẫn thuê nhà trọ, không có đất dành cho ông...”.
Nói về tên cướp, hắn sinh ra trong một gia đình không mấy êm đềm, Lớn lên bên mẹ, nhưng Phong không lo làm ăn, làm hết công ty này đến công ty khác mà vẫn không thấy có tiền, trong khi lại nợ nần vì ăn tiêu hoang phí. Qua tìm hiểu từ hàng xóm của Phong thì hắn cũng chưa bao giờ làm gì phạm pháp. Nhưng vốn ăn chơi, không có tiền tiêu xài nên hắn nung nấu ý định đi cướp.
Một người hàng xóm của Phong chép miệng nói với chúng tôi: “Cái thằng trời đánh, mẹ vất vả, hiền lành chịu thương chịu khó, đơn thân nuôi hắn từ lúc lọt lòng, vậy mà hắn không biết thương mẹ lại gây ra tội tày trời, không biết sao mà nói nữa. Khi nghe tin đó dù biết Phong không tu chí, nhưng chúng tôi cũng không ngờ nó dám giết người…”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn